50 năm phim truyện điện ảnh Việt Nam từ khi Đất nước thống nhất – Thành tựu, tồn tại và giải pháp thúc đẩy phát triển trong giai đoạn mới

Ngày 10/9/2024, trong khuôn khổ của Giải thưởng Cánh diều năm 2024 diễn ra tại Thành phố Nha Trang, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm – một chặng đường”. Dịp này, nhiều PGS.TS, Nhà Quản lý, các chuyên gia nghiên cứu Lý luận phê bình điện ảnh và các Đạo diễn, những Nhà làm phim đã có những chia sẻ ấn tượng và ý nghĩa.

Hotstar.vn trân trọng giới thiệu lần lượt đến bạn đọc những bài tham luận giá trị. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi.

Bài tham luận:

NĂM PHIM TRUYỆN ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM TỪ KHI ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT – THÀNH TỰU, TỒN TẠI VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

PGS.TS Vũ Ngọc Thanh phát biểu tại Hội thảo (Nguồn ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Tác giả:  PGS.TS Vũ Ngọc Thanh

(Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM)

  1. Dẫn nhập

Phim truyện điện ảnh Việt Nam (từ đây gọi là phim truyện) từ khi đất nước thống nhất đến nay đã 50 năm, một chặng đường nửa thế kỷ với những thành tựu, những giá trị căn cốt, đồng thời cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, cần có các giải pháp để có sự phát triển đột phá trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa.

Chỉ xét riêng ở bình diện sử học điện ảnh, đây đã là một đề tài rộng lớn, bao trùm một không gian và thời gian không nhỏ, với nội hàm và ngoại diện đòi hỏi một cái nhìn vừa tổng quát, tổng hợp; nhất là với quan điểm tiếp cận mang tính khoa học và phù hợp. Vì vậy, để giải quyết vấn đề, phương pháp được chọn trước hết là phân kỳ nửa thế kỷ đó (một cách tương đối, dựa trên các cơ sở, tiêu chí nhất định), từ đó hệ thống hóa thành các đặc điểm trong cả giai đoạn nửa thế kỷ, với xem xét trong mỗi giai đoạn phim truyện đều có thành tựu và hạn chế; từ đó gợi mở vấn đề (có khía cạnh của đề xuất giải pháp) cho những năm sau 2024.

Do dung lượng, tham luận không có tham vọng bàn về các vấn đề khác (Luật điện ảnh, chính sách, bảo hộ điện ảnh nội địa, thị trường điện ảnh, hội nhập quốc tế…) mà chủ yếu trình bày các vấn đề về sáng tác, tức kiến giải các chủ đề theo thời gian để có thể hình dung được sự phát triển của điện ảnh thông qua phương diện sáng tác. Tham luận cũng không đặt tham vọng kiến giải những truyền thống và biến đổi trong phim truyện giai đoạn nửa thế kỷ này, mà tập trung hệ thống các thủ pháp làm phim (được tập trung sử dụng nhiều và tạo dấu ấn sáng tạo đáng kể nhất) không dừng lại ở phương diện kỹ thuật mà đã trở thành nghệ thuật như những nét mới của mỗi giai đoạn. Trong các phim truyện của nhà làm phim tiêu biểu (tác giả kịch bản, đạo diễn, quay phim, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ…), có thể tìm kiếm, phân tích những đặc điểm, chủ đề chủ đạo, vấn đề trọng tâm trong sáng tác, qua đó có thể thấy được sự ảnh hưởng của chính sách, sự phát triển của văn hóa, kinh tế, xã hội và nhiều vấn đề khác trong nước được thể hiện trong phim truyện 50 năm từ khi đất nước thống nhất.

  1.  Các giai đoạn và đặc điểm của phim truyện đương đại

2.1. Phân kỳ: 4 giai đoạn

-Từ 1975-1986 (Điện ảnh thời kỳ hậu chiến, từ khi đất nước thống nhất đến thời kỳ đổi mới).

-Từ 1986-2002 (Điện ảnh thời kỳ đổi mới, từ bắt đầu thời kỳ đổi mới đến khi Bộ Văn hóa – Thông tin cho phép tư nhân thành lập hãng phim).

-Từ 2002-2020 (Điện ảnh thời kỳ kinh tế thị trường, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; phim Gái nhảy mở đầu cho thời kỳ phim thương mại sau giai đoạn khủng hoảng của điện ảnh Việt Nam thập niên 1990, có thời kỳ hơn 3 năm việc làm phim phải thích ứng với đại dịch Covid).

-Từ 2020-nay (Điện ảnh thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa, với Luật Điện ảnh mới 05/2022/QH15, được ban hành ngày 15/6/2022, giai đoạn bản lề tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030).

2.2. Giai đoạn từ 1975 – 1986

*Hoàn thành sứ mệnh đồng hành cùng lịch sử dân tộc

Phim truyện Việt Nam tiếp thu được không ít kinh nghiệm của bản thân loại hình nghệ thuật này trước đó, nhất là thập niên 1960. Trong nhiều tác phẩm phim truyện đã tổng hợp được nhiều khả năng của văn học và biểu diễn, tạo hình và âm nhạc… Những môn nghệ thuật láng giềng đó đã đem vào tác phẩm điện ảnh nhiều kinh nghiệm quý, trong đó gạn lọc được truyền thống nhiều thế kỷ của văn học và sân khấu dân tộc, thể hiện qua các tác phẩm chuyển thể từ văn học hoặc sân khấu sang điện ảnh.

Sự tổng hợp nhiều khả năng của văn nghệ dân tộc đã làm cho loại hình phim truyện, chỉ trong một thời gian ngắn xây dựng được nhiều hình tượng con người Việt Nam hiện đại với nếp sống và cách nghĩ, niềm vui và nỗi buồn… Phim truyện tiếp tục gắn bó, không tách rời với việc phản ánh cuộc sống của đất nước, xã hội, con người Việt Nam hiện đại với tâm tư và cuộc sống chiến đấu, xây dựng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới. Trong đó, ba đặc điểm là tính chiến đấu, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc rõ rệt đã làm cho phim truyện có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc, như đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.

Năm 1977, LHPVN lần thứ IV (LHP quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh) tôn vinh những thành tựu sáng tác của hai năm đầu hòa bình của các nghệ sĩ và những người làm công tác điện ảnh cả hai miền Nam Bắc cùng nhau đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nền điện ảnh mới của cả nước, điều được tiếp tục trong các giai đoạn tiếp theo.

Phim truyện với sự phát triển mới, tổng số phim truyện trong giai đoan 1975-1988 tăng với mức độ đột biến so với hai giai đoạn trước: 220 bộ so với 18 bộ (1959-1965) và 48 bộ (1965-1975) (1). Trong những năm đầu thống nhất, phim về đề tài chiến tranh chiếm tỷ lệ khá cao, gần 100/220 phim của giai đoạn này (1977: 10/17 phim; 1978: 6/14 phim; 1979: 10/17 phim và 1980: 10/20 phim), chỉ từ năm 1981 trở đi mới giảm dần để khai thác các đề tài khác.

Chính trong những năm nở rộ phim chiến tranh, phim truyện đã đạt được những đỉnh cao về loại đề tài này và tạo nên một diện mạo nổi bật của phim truyện giai đoạn này. Từ sau 1975, giai đoạn nào phim truyện điện ảnh Việt Nam cũng có những thành tựu hội nhập thể hiện qua các tác phẩm điện ảnh hợp tác sản xuất và tham dự không ít LHP quốc tế. Đó là các phim phong phú về đề tài, thể loại, đa dạng trong cách làm phim, cách sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để thể hiện sâu sắc chủ đề và gửi gắm thông điệp tới khán giả.

Trong giai đoạn 1975-1986, đề tài chiến tranh chiếm một vị trí quan trọng trong sáng tác của các nghệ sĩ điện ảnh trong và sau chiến tranh; khi đề tài vừa chiến đấu vừa sản xuất không còn nữa mà chủ đề thường tập trung khai thác vào những mất mát đau thương ở miền Bắc, phản ánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam; thể hiện chiến tranh qua góc nhìn các nhân vật phản diện; đánh giá phẩm chất cán bộ cách mạng; khai thác những khía cạnh mới khi thể hiện sự đau thương và mất mát trong chiến tranh (Địa chỉ để lại, Tình đất Củ Chi, Câu chuyện làng dừa, Mẹ vắng nhà, Bình minh xôn xao, Bao giờ cho đến tháng mười…). Đề tài lịch sử cách mạng cũng được khai thác ở các góc độ khác nhau (Sao tháng Tám, Ngày ấy bên sông Lam…) với các hiệu quả khác nhau. Nhiều phim tâm lý xã hội được xem như đại diện cho điện ảnh thời kỳ hậu chiến (Ngày lễ thánh, Chuyến xe bão táp, Những người đã gặp, Về nơi gió cát, Xa và gần,…). Thể loại phim phổ biến là tâm lý xã hội, bên cạnh các thể loại khác bắt đầu được khai thác nhiều hơn như hài, hành động, hình sự, tình báo…

       *Yếu tố đổi mới trong làm phim

Chất trữ tình và chất thơ đã có trong những bộ phim của giai đoạn trước nhưng sau khi thống nhất đất nước, phong cách thơ trong phim truyện có điều kiện phát triển phong phú, sâu sắc hơn. Chất thơ không chỉ biểu hiện trong thủ pháp và nằm trong đường dây cốt truyện, trong đời sống nội tâm mà còn thể hiện trong tính cách nhân vật. Sự xuất hiện phong cách thơ trong phim truyện đã chứng tỏ một trình độ phát triển nhất định của điện ảnh dân tộc.

Bản sắc dân tộc trong nhiều phim truyện có được phần lớn do tài năng, ý thức nghệ sĩ, đồng thời cũng lệ thuộc vào điều kiện chế tác, sản xuất phim. Ngoài yếu tố chủ quan, các yếu tố khách quan đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả thể hiện nghệ thuật của tác phẩm. Nghệ thuật thể hiện bản sắc dân tộc do nhiều  nhà làm phim tạo ra, do việc được đảm bảo điều kiện sáng tác được thuận lợi và tự do là điều thấy rõ. Những yếu tố đổi mới trong làm phim có được một phần do nhiều hoạt động đẩy mạnh sáng tác phim truyện đã được triển khai tổ chức thực hiện (riêng năm 1977 có hội nghị bàn về sáng tác kịch bản điện ảnh và sân khấu vào đầu năm và trại viết phim truyện đầu tiên ở phía Nam, với hơn 40 trại viên, vào cuối năm).

Chủ đề phim trở nên rất đa dạng, không chỉ là tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội mà còn là lối sống, đạo đức, tình yêu chung thủy, sự ngay thẳng, lòng vị tha…. Chủ đề “tội ác và trừng phạt” (Hồi chuông màu da cam, Trừng phạt…) cho thấy sự mở rộng loại nhân vật trên màn ảnh và sự tìm tòi những cách thể hiện mới cũng như nét độc đáo của phim truyện giai đoạn sau chiến tranh. Nhân vật của phim không còn đóng khung trong chính diện và phản diện mà nhân vật chính có thể là bất cứ loại người nào có trong xã hội. Đồng thời, phim truyện đã tạo nên một bộ sưu tập nhân vật mà thời gian không thể làm phai mờ trong trí nhớ khán giả.

Từ giữa những năm 1980, nhiều phim truyện đã manh nha những cái mới, những sự đột phá trong cách nhìn, cách phản ánh xã hội và ngôn ngữ thể hiện, trong đó một số phim thể loại hài để lại dấu ấn đổi mới trong những năm giao thời này (Thị trấn yên tĩnh, Dịch cười, Thằng Bờm…).

Điểm chung của  nhiều tác giả, tác phẩm thời kỳ này là sự thống nhất trong nhận thức cách phản ánh hiện thực, cách xây dựng hình tượng nhân vật theo hướng chung nên có nhiều góc nhìn mới và có sự phá cách nhất định. Hầu hết các bộ phim giai đoạn này vẫn được xem như có cùng một cách phản ánh hiện thực chính thống, với dòng chảy chủ đạo của các chủ đề nêu trên.

Những sáng tác điện ảnh đầu tiên trong thời kỳ đổi mới gây khá nhiều tranh luận bởi cách phát hiện và phản ánh các vấn đề xã hội táo bạo (Tướng về hưu, Cô gái trên sông, Gánh xiếc rong…), với phong cách phim tác giả  kết hợp được chất trí tuệ và chất cảm xúc trong thể hiện. Bên cạnh đó, một số phim tuy có dấu hiệu của sự đổi mới nhưng chỉ nêu vấn đề mà chưa phân tích nguyên nhân (theo chuỗi quan hệ nhân – quả) và chưa nâng lên tầm khái quát, nên giá trị tư tưởng của phim chưa cao và vấn đề của phim chưa đạt tới mức trở thành vấn đề xã hội cần quan tâm (Tình khúc 68, Về đời…).

Lực lượng sáng tác phim truyện hùng hậu với sự kết nối các thế hệ đạo diễn phim truyện đầu tiên từ giai đoạn trước đó (Phạm Văn Khoa, Mai Lộc, Phạm Kỳ Nam, Trần Vũ, Nguyễn Văn Thông, Trần Đắc, Huy Thành, Hồng Sến, Nguyễn Khánh Dư, Nguyễn Khắc Lợi, Đặng Nhật Minh, Hải Ninh, Bạch Diệp…), lớp nghệ sĩ của điện ảnh Sài Gòn trước 1975 (Bùi Sơn Duân, Lê Dân, Lê Mộng Hoàng, Lê Hoàng Hoa,…), thế hệ sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài về (Xuân Sơn, Đức Hoàn, Lê Đức Tiến, Việt Linh, Hà Sơn, và sau đó là Vương Đức, Hữu Mười, Đặng Việt Bảo, Phi Tiến Sơn…) và tốt nghiệp trong nước sau 1975 (Đỗ Minh Tuấn, Vũ Châu, Khải Hưng, Nguyễn Hữu Phần…), với sự tìm tòi sáng tạo để có những tác phẩm thể hiện tâm thức thời đại, giàu tính nhân văn, có dấu ấn với thời gian; xứng đáng tôn vinh những nhà điện ảnh dũng cảm mở đường từ điều kiện khó khăn của những năm tháng hậu chiến và “điện ảnh thời bao cấp”.

Các nhà làm phim đã sáng tạo ra những hình thức thể hiện phong phú, với những phong cách làm phim và đề tài, thể loại, cách phản ánh hiện thực đa dạng. Trong đó, lớp nghệ sĩ của điện ảnh Sài Gòn trước 1975 đóng góp vào phim truyện những tố chất mới mà phim truyện miền Bắc trong thời chiến ít có như tính hấp dẫn của những thủ pháp thể hiện và tiết tấu sôi nổi, sinh động trong phim(2), đánh dấu sự hoà nhập của đông đảo đội ngũ các nhà làm phim miền Nam sau năm 1975 hoà chung với dòng chảy điện ảnh phim truyện.

Giai đoạn 1975-1986 còn cho thấy hiện thực được phản ánh đa chiều và chân thực; nội dung các phim không còn hạn chế trong hai loại đề tài chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội như trước đây; phim truyện về chiến tranh không còn mắc bệnh công thức “ta thắng địch thua, chính diện thắng phản diện”; chủ nghĩa anh hùng cách mạnh được thể hiện đậm nét và đau thương mất mát cũng được khắc họa sâu sắc; bệnh sơ lược vẫn còn nhưng không phải phổ biến; anh hùng ca không còn là phong cách chủ đạo mà là phong cách phim khai thác tâm lý của thể loại chính kịch và thơ… Cùng với nhiều thành tựu khác, những thay đổi đó trong sáng tác đã đưa phim truyện Việt Nam lên một tầm cao mới.

2.3. Giai đoạn từ 1986 – 2002

*Hoàn thành vai trò và sứ mệnh

Với vai trò của một ngành nghệ thuật, kế thừa thành tựu từ khi điện ảnh cách mạng Việt Nam ra đời (15/3/1953) đến nay, nhiều phim truyện của nhiều thế hệ các nhà làm phim đã đóng góp vai trò to lớn vào sự nghiệp cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng tình cảm, tư tưởng, bồi dưỡng nhân cách con người Việt Nam; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực của sự phát triển của đất nước. Phim truyện đã góp phần tích cực trong định hướng giáo dục chính trị, tư tưởng và thẩm mỹ, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân…

Phim truyện thời kỳ này phát hiện khá sớm những vấn đề nóng bỏng trong xã hội. Chính những phát hiện và phản ánh kịp thời bằng ngôn ngữ nghệ thuật là đóng góp có ý nghĩa cho điện ảnh đối với sự khởi xướng đổi mới của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, phương pháp sáng tác Hiện thực xã hội chủ nghĩa được nhận thức sâu sắc hơn, gắn kết với tư duy sáng tạo mới và tiếp tục mang đến cho người sáng tác những thành quả sáng tạo đáng khích lệ.

Chính luồng gió đổi mới đã tạo thêm động lực cho các lớp đạo diễn mạnh dạn phản ánh hiện thực. Từ sau 1986, phim truyện thời kỳ đổi mới với việc phản ánh hiện thực không một chiều, có phần gai góc. Nhiều phim đã phản ánh hiện thực sinh động, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giầu tính nhân văn, biểu đạt được bản sắc của dân tộc Việt Nam… Trong phản ánh hiện thực, nhiều xu hướng, khuynh hướng, nhiều thế hệ nhà làm phim,… đều được được trân trọng, đã cho thấy trong đó luôn có một xu hướng, khuynh hướng chủ đạo, cất lên giai điệu chính cổ vũ lòng tốt và tính thiện, vì cuộc sống và con người, vì sự tiến bộ của xã hội Việt Nam. Điều đó còn cho thấy nhiều nghệ sĩ (dù thuộc khuynh hướng, xu hướng nào) đã không thoát ly, né tránh trách nhiệm xã hội qua phản ánh hiện thực trong phim truyện, với những thủ pháp làm phim có nhiều sáng tạo.

Những điều đó đã được thể hiện trong nhiều phim truyện (Tướng về hưu, Gánh xiếc rong, Lưới trời…), với xu hướng phản ánh hiện thực có phần gai góc và quyết liệt, bên cạnh cũng chứng tỏ sự thông thoáng trong định hướng sáng tác và quản lý sáng tác điện ảnh. Nhiều phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh như những biên niên sử điện ảnh, với tính tư tưởng, triết lý, khéo léo và mạnh mẽ thể hiện tiếng nói cá nhân (như thể hiện các cấp độ phản bội trong phim: phản bội thế hẹ – Thị xã trong tầm tay, phản bội lý tưởng Cô gái trên sông và phản bội  lịch sử – Mùa ổi), thể hiện suy tư sâu sắc về số phận con người và đất nước…

Đầu những năm 1990, phim truyện điện ảnh lâm vào khủng hoảng do áp lực cơ chế thị trường, làn sóng phim ngoại nhập và phim video trong nước; các nhà làm phim tư nhân sản xuất những sản phẩm chạy theo thị hiếu khán giả, bắt đầu thời kỳ của phim “mỳ ăn liền”. Dù “có nhiều phim cho dân xem” (ý kiến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), nhưng với “người người, nhà nhà, ngành ngành làm phim” và không ít hạn chế trong sáng tác, trong đó có các ngón nghề câu khách, như 10 nạn dịch (dịch tắm, dịch phim dã sử, dịch gươm dao đao súng và đua xe máy, dịch người mẫu hoa hậu đóng phim, dịch sinh nhật và vũ trường, dịch lấy Việt kiều, dịch gái quê lỡ bước, dịch phim ma, phim kinh dị, dịch lồng tiếng miền Nam cho nhân vật mọi vùng miền, dịch quảng cáo rẻ tiền)(3), phim “mỳ ăn liền” đã làm nghiệp dư hóa điện ảnh phim truyện.

Đa số phim truyện vidéo trong các năm 1989-1990 khai thác đề tài với thể loại gần giống với phim truyện nhựa từ trước vẫn khai thác, nhất là thể loại tâm lý xã hội. Các thể loại hành động-võ hiệp, giật gân, căng thẳng, phim “sến”, tình cảm – ủy mị… được biết tới như những thể loại tiêu biểu của phim “mỳ ăn liền”.

Năm 1993, với Chương trình củng cố và phát triển điện ảnh, phim truyện được tài trợ, đặt hàng nhưng không bao cấp tràn lan như trước nữa; chủ trương xã hội hóa điện ảnh trở thành hướng đi và mục tiêu của ngành điện ảnh. Chỉ trong 7 năm “điện ảnh thị trường” (1989-1995), số lượng sản xuất phim tăng mạnh mẽ, tới 350 phim (139 phim truyện nhựa và 211 phim truyện vidéo), trong khi cả giai đoạn 30 năm “điện ảnh bao cấp” (1959-1988) mới có 217 phim.

Bên cạnh việc tăng trưởng số lượng phim, dòng phim nghệ thuật xuất hiện những đột phá, đổi mới trong phản ánh hiện thực và ngôn ngữ biểu hiện khi đi vào những mặt trái của vấn đề xã hội một cách trung thực và thẳng thắn (Tướng về hưu, Ngọn đèn trong mơ, Gánh xiếc rong, Cô gái trên sông…). Ngoài đề tài chiến tranh (Hà Nội, mùa đông năm 1946Ngã ba Đồng LộcĐời cátAi xuôi vạn lý…), các nhà làm phim đã hướng tới những đề tài đương đại (Những người thợ xẻ, Thung lũng hoang vắng, Vua bãi rác…), nhưng không ít phim với tư duy làm phim cũ, ít được khán giả quan tâm, thậm chí một số tên phim (Ký ức Điện BiênGiải phóng Sài Gòn) còn làm khán giả tưởng nhầm là phim tài liệu.

Góp thêm những cách làm phim về chiến tranh, làm phong phú thêm đề tài này, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh vì thế được phản ánh nhiều mặt hơn, nhiều màu sắc hơn. Việc tiếp tục ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tái hiện quá khứ trước cách mạng được thể hiện trong nhiều phim (Địa chỉ để lại, Tình đất Củ Chi, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Mùa nước nổi, Hòn đất, Nhiệm vụ hoa hồng, Như thế là tội ác, Lê Thị Hồng Gấm, Cư xá màu xanh, Cho đến bao giờ, Về đời, Làng ven, Người trong cuộc, Phượng, Hoa cát, Những người bạn quanh tôi, Đêm nước rong, Bão U Minh, Phù sa…), được xây dựng bằng hình thức dung dị, gần gũi với cuộc sống và chiến đấu, có nhiều chi tiết vừa độc đáo vừa chân thực; đa phần nhân vật đều là những người bình thường, phổ biến trong cuộc đấu tranh được thể hiện khá sâu sắc tính cách, tâm lý, thế giới nội tâm.

Tuy nhiên, khi thể hiện một câu chuyện với nhiều sự kiện, nhiều tình tiết, nhiều phim chưa thoát ra khỏi sự mô tả đơn thuần, chưa đạt tới một khái quát hoặc hoặc tạo nên một hệ thống hình tượng nhân vật. Một số phim có nhược điểm trong cách kể chuyện, kết cấu không chặt chẽ, cốt truyện dàn trải, sự kiện rời rạc…

Cùng các đề tài khác, đề tài lịch sử nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng có nhiều tác phẩm phim truyện có sự tìm tòi, sáng tạo.

Trong những năm “điện ảnh thị trường” chiếm ưu thế, có sự  giao thoa giữa dòng phim thương mại và dòng phim nghệ thuật, trong đó Vị đắng tình yêu (1991) trẻ trung, tươi mát về đề tài sinh viên xuất hiện được xem là cầu nối giữa phim  thương mại và phim nghệ thuật. Với cách khuấy động màn ảnh bằng nhịp điệu sôi động, sự căng thẳng của các xung đột đặt bên cạnh những phút mộng mơ kề bên cái chết, Gái nhảy (2003) đã tạo sức cuốn hút, mở ra xu hướng làm phim hướng đến khán giả với những thủ pháp mới mẻ trong sử dụng ngôn ngữ điện ảnh. Trong giai đoạn sau này, nhiều phim (Em chưa 18, Để mai tính, Tèo em…) cho thấy sự tiếp tục khuynh hướng, yếu tố làm phim của “điện ảnh thị trường”, và “nếu như Gái nhảy là cố gắng thay đổi đề tài thì đến Em chưa 18 là sự thay đổi về cách thể hiện, khi khán giả đã bước sang một “trình” khác, không còn xem phim Việt vì tò mò và cũng không còn quan tâm tới đề tài”(4) cho thấy những yếu tố mới trong làm phim thời “điện ảnh thị trường”.

Trong các thập niên 1980 – 1990, các nhà làm phim đa phần khai thác các thể loại như tâm lý xã hội, tâm lý – chính kịch, tâm lý – tình cảm,  chiến tranh, lịch sử… Việc thể loại chiến tranh thuộc số các thể loại (như dã sử, ca nhạc…) khá kén người xem và ít được ưa chuộng tại các rạp chiếu, càng khẳng định vai trò của thể loại, như một trong các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng  tới thành bại của bộ phim. Điều này là một thực trạng và là một gợi ý đáng kể cho các nhà làm phim khác nhau, nhất là đối với dạng thức phim do Nhà nước đặt hàng.

*Yếu tố đổi mới trong làm phim

Yếu tố đổi mới đặc biệt rõ nét trong việc ứng dụng thành tựu kỹ thuật – công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả thể hiện nghệ thuật, điều mà trong thời gian dài, phim truyện luôn gặp khó khăn. Khả năng dàn cảnh quy mô, sử dụng các chiêu trò kỹ xảo tạo hiệu quả đặc biệt, sử dụng các biện pháp ghi hình hiện đại phức tạp, thực hiện các thủ pháp cắt dựng cảnh và âm thanh theo ngôn ngữ hiện đại của điện ảnh đương thời nhằm tạo ra nhịp điệu và phong cách mới, cho đến thời điểm này, hầu như đã trở thành phổ biến.

Nếu như trước 1986, nhiều phim truyện đơn thuần thực hiện nguyên lý sáng tác Hiện thực xã hội chủ nghĩa thì vào giai đoạn sau, theo đà phát triển của xã hội, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tác phẩm đi theo con đường mở rộng của phương pháp hiện thực, bao gồm hiện thực phê phán và hiện thực thơ mộng. Phần lớn phim truyện vốn được thể hiện dung dị, chân thật; càng về sau các tác giả càng có xu hướng làm cho đa dạng, phong phú  hơn, bằng cách pha trộn vào phim những chất liệu mới và bằng những thủ pháp thể hiện mới, tạo ra những giá trị biểu cảm mới…

Nét độc đáo dân tộc trong nhiều phim truyện đã bộc lộ rõ nét khi tác giả quan tâm đến cả nội dung lẫn hình thức tác phẩm, cũng như khi biết làm sâu sắc nội dung, khắc họa tâm hồn cùng tính cách nhân vật trong những tình huống điển hình. Giá trị của bản sắc dân tộc gắn với tinh thần nhân văn cùng hiệu quả sáng tạo mà bộ phim đạt tới đã được nhiều nhà làm phim cải đổi, cách tân, sáng tạo, làm mới nội dung miêu thuật cũng như hình thức thể hiện mang bản sắc dân tộc, đã làm phong phú sắc màu cùng chất liệu độc đáo dân tộc trong yêu cầu mới của công chúng với phim truyện giai đoạn này.

Điện ảnh thơ (dưới nhiều hình thức khác nhau, cùng với nhạc và múa dân gian) và yếu tố trữ tình, được nhiều nhà làm phim thể hiện tương đối nhuần nhuyễn, trở thành một phần không thể thiếu của phim truyện điện ảnh (Bao giờ cho đến tháng mười, Cánh đồng hoang, Trăng nơi đáy giếng, Chuyện cổ tích cho tuổi 17, và sau này là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Tro tàn rực rỡ…) cùng sự xuất hiện khá đắt những biểu tượng đa nghĩa, giàu giá trị biểu cảm, làm cho nhiều phim truyện tăng phần sâu sắc, tinh tế và thú vị, cùng nhiều giá trị tư tưởng, nội dung và nghệ thuật khác.

2.4. Giai đoạn từ 2002 – 2020

*Tiếp tục vai trò và sứ mệnh của phim truyện

Phim truyện tiếp tục gắn bó với vận mệnh của dân tộc, theo sát từng bước đi của đất nước, vừa là nhân chứng trên mỗi chặng đường lịch sử, vừa là người bạn đồng hành của nhân dân; tiếp tục hoàn thành các chức năng hướng con người, xã hội tới các giá trị chân, thiện, mỹ và các chức năng tuyên truyền, thẩm mỹ, nhận thức, giáo dục, giải trí… như nhiều loại hình nghệ thuật khác. Nếu có sự khác biệt lớn nhất là do điện ảnh có sức hấp dẫn riêng, sự ảnh hưởng, sức lan tỏa và lượng công chúng nhiều nhất và có vai trò quảng bá đồng thời giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Với những mức độ thành công khác nhau, nhiều phim được công chúng và thời gian ghi nhận (qua các LHP VN, LHP quốc tế và Giải Cánh Diều…) đã chứng tỏ khá rõ nét thành tựu “tiên tiến, hiện đại” của điện ảnh Việt Nam đương đại.

Trong quá trình đổi mới để đạt tới tiến tiến và hiện đại, có sự hình thành tự nhiên từ hai dòng phim của hai trung tâm sản xuất tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, với các thủ pháp và phong cách thể hiện khác nhau (có thể do sự không giống nhau về địa văn hóa). Nếu phía Bắc, phần lớn các nhà làm phim coi trọng ý tưởng, hướng tư duy chủ yếu vào câu chuyện mang tính nghệ thuật, với phong thái trầm tư, sâu sắc và dung dị, đầu tư trong việc xây đắp hình tượng nhân vật cũng như hình tượng tác phẩm, ít tìm tòi hoặc tìm tòi chưa tới đích các hình thức thể hiện mang tính cách tân, đột phá, hướng đến đông đảo khán giả… thì ở phía Nam, nhiều tác giả quan tâm xây dựng những cốt truyện gắn với đời sống thường nhật, tạo nên màu sắc và phong cách dân dã, tập trung vận dụng kỹ thuật nhằm gây ấn tượng mạnh nhất, am hiểu và làm phim hướng đến khán giả. Điểm mạnh và yếu của mỗi phương pháp sáng tạo đó cần được trao đổi, bồi bổ cho nhau nhằm xây dựng điện ảnh phim truyện tiên tiến, hiện đại của đất nước.

Giai đoạn 2002-2020, sự sáng tạo trên nhiều phương diện và dấu ấn mới mẻ trong nhiều phim truyện có được bởi thế hệ đạo diễn mới (Nguyễn Phan Quang Bình, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Quang Dũng, Vương Đức, Nguyễn Hữu Mười, Vũ Ngọc Đãng, Lê Bảo Trung, Trần Ngọc Giàu, Trần Lực, Bùi Thạc Chuyên, Phi Tiến Sơn, Nguyễn Đức Việt, Phan Dăng Di, Lương Đình Dũng, Bùi Trung Hải…); tương tự là sự kế thừa, tiếp nối, tạo cá tính của nhiều nữ đạo diễn qua các thế hệ (Bạch Diệp, Việt Linh, Phạm Nhuệ Giang, Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh, Đặng Thái Huyền, Nguyễn Hoàng Điệp…), hay sự xuất hiện của một thế hệ đạo diễn mới, tiềm năng, trẻ trung, bứt phá, với những tìm tòi, trải nghiệm mới trong nghề nghiệp, khiến thông qua các tác phẩm đã có cơ sở để hy vọng (Phan Gia Nhật Linh, Đinh Tuấn Vũ, Vũ Ngọc Phượng, Lê Thanh Sơn, Nguyễn Quang Huy, Lý Minh Thắng, Trần Thanh Huy…).

*Đề tài với hệ thống tương đối hoàn chỉnh

Phim truyện tiếp tục được hình thành với những hệ thống tương đối hoàn chỉnh, đồng thời được khai thác hiệu quả, bên cạnh đề tài chiến tranh, (Ngã ba Đồng Lộc, Hà Nội 12 ngày đêm, Đừng đốt, Mùi cỏ cháy…) là đề tài hậu chiến (Ai xuôi vạn lý, Người đàn bà mộng du, Đời cát, Bến không chồng…); bên cạnh đề tài truyền thống cách mạng (Hà Nội mùa đông 46, Nguyễn Ái Quốc ở HongKong…) là đề tài lịch sử (Dòng máu anh hùng, Long thành cầm giả ca, Khát vọng Thăng Long, Tây Sơn hào kiệt…) .

Đối với đề tài chiến tranh, nhiều tác giả cũng có cách thể hiện khác, dường đã có đủ thời gian đánh giá, suy ngẫm về những cái cao cả, thiêng liêng, anh hùng, nhìn nhận lại cuộc chiến một cách sâu sắc hơn, qua các phim có tính hình tượng, tính khái quát cao (Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà, Bao giờ cho đến tháng mười, Chuyện cổ tích cho tuổi 17…). Đề tài chiến tranh giai đoạn này được khai thác khác hẳn thời chiến (trước 1975), vì các nhà làm phim đã đủ độ lùi để nhìn nhận cuộc chiến, đổi mới trong cách nhìn nhận vấn đề và phương pháp thể hiện, qua một số phim thành công (Tuổi thơ dữ dội, Cỏ lau, Lưỡi dao, Bụi hồng, Ngã ba Đồng Lộc, Chiếc chìa khoá vàng, Vào Nam ra Bắc, Hà Nội 12 ngày đêm…). Đề tài lịch sử cách mạng được xây dựng với nhiều thủ pháp (Sao tháng Tám), các tác phẩm văn học hiện thực phê phán được đưa lên màn ảnh (Chị Dậu, Làng Vũ đại ngày ấy), cuộc sống Sài Gòn được thể hiện mạnh bạo, đa diện (Mối tình đầu, Tội lỗi cuối cùng,… sau này  Hạt mưa rơi bao lâu,  Sài Gòn, anh yêu em). Tuy nhiên, nếu đề tài tái hiện quá khứ trước cách mạng (Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy…) khắc họa được thân phận nhỏ nhoi, đáng thương của những người nông dân, trí thức nghèo thấp cổ bé họng, khiến phim có màu sắc hiện thực thì việc quá trung thành với tác phẩm văn học đã hạn chế sự sáng tạo trong sử dụng ngôn ngữ điện ảnh và khiến phim mang nhiều tính minh họa.

Mặt khác, nếu đề tài được phản ánh nhiều nhất là người lính trở về sau chiến tranh (Chuyến xe bão táp, Những người đã gặp, Anh và em Ngày về… đã phác họa chân thực và dung dị những cảnh đời, cảnh người thường gặp trong cuộc sống, thể hiện những trăn trở của những người lính trong cuộc sống đời thường, khẳng định phẩm chất tốt đẹp của họ…) thì đề tài về gia đình và xã hội (Xa và gần, Đứng trước biển, Hy vọng cuối cùng, Đêm miền yên tĩnh, Tướng về hưu…) với các vấn đề gia đình và xã hội trong quá trình xây dựng đất nước và bước đầu chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường thường thật sự đa dạng và phong phú. Đề tài thanh thiếu niên cũng được quan tâm thể hiện, và có một số lượng phim đáng kể. Bên cạnh đó, sự nhất quán trong các phim về đề tài thanh thiếu niên (Chom và Sa, Trăng rằm, Đàn chim trở về, Khi vắng bà, Nơi bình yên chim hót…) với nhân vật chính là những người trẻ tuổi hoặc nhỏ tuổi trong xã hội và trọng tâm khai thác là những vấn đề xung quanh họ.

Trong giai đoạn 2002 – 2020, bên cạnh đề tài xã hội (Mùa ổi, Lưới trời, Gái nhảy, Áo lụa Hà Đông, Rừng đen, Trăng nơi đáy giếng, Vũ điệu đam mê, Long Ruồi, Để mai tính, Lạc lối, Đam mê, Cát nóng…), tương tự giai đoạn trước, đề tài hậu chiến được khai thác nhiều, đề cập vấn đề xã hội – gia đình – con người khá sâu sắc và tinh tế (Đời cát, Ai xuôi vạn lý, Bến không chồng, Chung cư, Hải Nguyệt…). Bên cạnh đề tài nông thôn với nhiều phim được dư luận chú ý (Cây bạch đàn vô danh,  Hoa của trời, Thương nhớ đồng quê, Giải hạn, Thung lũng hoang vắng…), đề tài đương đại cũng được khai thác với nhiều phim tạo ấn tượng khá sâu sắc (Canh bạc, Hãy tha thứ cho em, Gái nhảy, Trở về…).

Với các đề tài chính khác (Chiến tranh/hậu chiến; lịch sử/tiểu sử nhân vật; thanh niên/tình yêu/hướng nghiệp; thiếu nhi; văn hoá dân tộc; phụ nữ/nữ quyền/ bình đẳng giới; gia đình; tội phạm/xã hội đen/thần bí; cổ trang…), so với giai đoạn trước, giai đoạn này cho thấy sự phong phú về đề tài (chỉ tính riêng trong thập niên từ 2007 – 2017),với đề tài tình yêu, tuổi trẻ (Yêu là phải xài chiêuVòng eo 56Thần tiên cũng nổi điên, Đời cho ta biết bao lần đôi mươi, Anh giáo thần tượng, Cua lại vợ bầu…), đề tài đồng tính, ấu dâm (Cầu vồng không sắcLạc giớiSOS Sói trắng…), các phim tham khảo đáng kể đề tài, motif câu chuyện của các phim nước ngoài (Tèo em, Scandal: Bí mật thảm đỏ, Sứ mệnh trái tim, Em chưa 18…), các phim mua kịch bản nước ngoài và ảnh hưởng bởi cách làm phim (Em là bà nội của anh, Sắc đẹp ngàn cân…), các phim về đề tài văn hóa dân tộc, do các nhà làm phim tự viết kịch bản và tổ chức sản xuất (Trúng số, Dạ cổ hoài lang, Tấm Cám – chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Song lang…).

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều đề tài được thay đổi để phù hợp với thị hiếu khán giả, các đề tài phim lịch sử, thiếu nhi chưa thu hút được nhà đầu tư nên khan hiếm phim thuộc đề tài này. Để làm được một bộ phim, nhất là về đề tài lịch sử thì kinh phí là rất lớn, vì vậy việc thu hồi vốn là một điều không dễ. Điều này cũng thể hiện ngay trong những bộ phim của tư nhân khi khai thác về đề tài này (Thiên mệnh anh hùng, Dòng máu anh hùng, Thạch Sanh…). Hơn nữa, bên cạnh nhiều phim đạt doanh thu cao, được đánh giá tốt về chất lượng cũng có không ít phim chủ đề tư tưởng chưa cao, nghèo nàn ý tưởng sáng tạo, chưa thật sự hướng đến khán giả.

*Thể loại đa dạng, phong phú, với nhiều phương pháp thể hiện

Trong gần hai thập kỷ nói trên, điện ảnh phim truyện có sự phát triển rõ rệt về thể loại, bên cạnh các phim nhà nước với thể loại truyền thống thì dòng phim giải trí thương mại hay dòng phim nghệ thuật (Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng, Đào, phở và piano, Tro tàn rực rỡ…) cũng có nhiều thể loại khác nhau.

 Các thể loại phim được mở rộng từng bước theo sự mở rộng của đề tài cũng như sự tiến bộ trong khả năng biểu hiện ngôn ngữ nhờ vào sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại. Nếu giai đoạn trước, các nhà làm phim thường tập trung chế tác các thể loại quen thuộc, nhất là tâm lý xã hội và hài, thì giờ đây đã xuất hiện các thể loại mới: bi kịch (Cánh đồng bất tận, Lấy chồng người ta), hành động (Thiên mệnh anh hùng, Dòng máu anh hùng), kinh dị (Khi yêu đừng quay đầu lại, Lời nguyền huyết ngải), ma quái (Mười)… Đã xuất hiện xu hướng sáng tác trong các phương pháp miêu thuật hiện thực, cũng như phương pháp hòa trộn, kết hợp các thể loại khác nhau vào một tác phẩm, làm tăng khả năng và hiệu quả diễn đạt của phim.

Trong giai đoạn 2002 – 2020, với sự đa dạng các dạng thức phim và các thành phần kinh tế khác nhau, các nhà làm phim đa phần khai thác các thể loại như hài, tình cảm-lãng mạn, hành động, phiêu lưu – giả tưởng, kinh dị, ca nhạc… So với giai đoạn trước, trong giai đoạn 2002-2020, các nhà làm phim khai thác nhiều hơn các thể loại như tình cảm – lãng mạn (Nụ hôn thần chết, Để mai tính, Thiên sứ 99, Bạn gái tôi là sếp, Em chưa 18, Chuyện tình xa xứ, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Dành cho tháng 6, Sài Gòn anh yêu em, 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy…) hay tâm lý xã hội (Hotboy nổi loạn, Cánh đồng bất tận, Đảo của dân ngụ cư, Chuyện tình xa xứ, Cú và se sẻ, Đẹp từng cm, Chạm, Ngọc viễn đông, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Quyên, Cha cõng con…) và nhất là thể loại phim hài. Bên cạnh đó là thể loại kinh dị (Ngủ với hồn ma, Hợp đồng bắt ma, Chung cư ma, Bệnh viện ma, Lời nguyền huyết ngải, Khi yêu đừng quay đầu lại, Người bất tử, Lật mặt: Nhà có khách…). Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khán giả, các thể loại chính như hài, hành động, phiêu lưu – giả tưởng, kinh dị, võ thuật… cũng được các nhà làm phim, nhất là các nhà làm phim tư nhân, khai thác một cách hiệu quả, góp phần vào việc tăng sức hấp dẫn cho bộ phim.

*Sự phản ánh chân thực hiện thực đa chiều

Sau năm 1975, lần đầu tiên, đề tài chiến tranh nhường chỗ cho đề tài xã hội trở thành trọng tâm phản ánh. Hiện thực cuộc sống đa chiều (từ cuộc sống hậu chiến nảy sinh nhiều vấn đề gia đình và xã hội phức tạp; việc hàn gắn vết thương chiến tranh sau 20 năm bom đạn; sự sum họp gia đình Nam – Bắc; người lính trở về với cuộc sống đời thường; những thay đổi của mối quan hệ chung riêng…) trở thành đối tượng phản ánh chính của phim truyện giai đoạn này, cho thấy các nhà làm phim không chỉ có điều kiện nhìn nhận xã hội từ nhiều góc độ khác nhau mà quan trọng là đã phản ánh chân thực hiện thực ấy.

Những hiện thực khá độc đáo của phim truyện “từ sau chiến tranh nhìn lại” với việc phản ánh những vấn đề của cuộc sống sau chiến tranh luôn gắn bó chặt chẽ và có nguồn gốc sâu xa từ trong chiến tranh, từ những vấn đề xã hội (Mối tình đầu, Bãi biển đời người, Tội lỗi cuối cùng…), đời sống tình cảm, hạnh phúc của cá nhân con người (Về nơi gió cát, Cây xương rồng trên cát…) tới vấn đề lương tâm và đạo đức như (Cô gái trên sông)… giúp người xem thấy được cái nhìn mang tính lịch sử và biện chứng;  với những nhân vật giúp đánh giá và lý giải những vấn đề của hiện tại, hiểu rõ hơn hiện thực xã hội bôn bề, nhiều góc cạnh được mở ra sau chiến tranh.

*Mở rộng cách kể chuyện và xây dựng nhân vật trung tâm

 Hiện thực trên một mặt được mở rộng cách kể chuyện, mặt khác được chú trọng khai thác chiều sâu, tạo nên những cốt truyện đa tuyến với nhiều hình tượng nhân vật nổi bật; tạo nên ý nghĩa nhân văn khá sâu sắc, cổ vũ cho cái thiện, cho ý chí đấu tranh bảo vệ tiến bộ xã hội; đồng thời khơi dậy những giá trị văn học và thẩm mỹ (Đời cát, Chuyện của Pao, Thương nhớ đồng quê…).  Có nhiều phim cho thấy sự tiên phong, trách nhiệm công dân trong chủ ý xây dựng hình tượng tác phẩm thông qua hệ thống nhân vật, hướng về tư duy tiên tiến của thời đại là hòa bình, bình đẳng, bác ái và biểu hiện giá trị tiến bộ về tư tưởng, nhân văn trong loạt phim sản xuất vào thời kỳ đất nước đổi mới (Ngọn đèn trong mơ, Vị đắng tình yêu, Bến không chồng, Bao giờ cho đến tháng mười…).

Trong sự kết hợp mở rộng diện phản ánh với xây dựng nhân vật trung tâm, nhiều phim truyện không chỉ tự giới hạn trong phạm vi các sự kiện, vấn đề, các mối liên hệ xã hội lớn lao mà đã chạm tới được cái thẳm sâu trong thế giới tâm tưởng, trong bản thể, trong mối quan hệ chằng chịt giữa người với người, sự vượt qua số phận, tình người… (Mùa len trâu, Cánh đồng bất tận, Sống trong sợ hãi, Lấy chồng người ta, Trúng số, sau này là Tro tàn rực rỡ, Mai, Hai Muối…).

Ở bình diện khác, phim truyện đã xây dựng được hệ thống các kiểu nhân vật, như kiểu nhân vật cặp đôi (Ngày lễ thánh, Vợ chồng anh Lực, Thời xa vắng…), kiểu nhân vật số phận (Bao giờ cho đến tháng mười, Đời cát, Người đàn bà mộng du, Sống trong sợ hãi…), kiểu nhân vật người hùng (Ngã ba Đồng Lộc, Đừng đốt, Những người viết huyền thoại…), kiểu nhân vật phức tạp (Scandal: Bí mật thảm đỏ, Chơi vơi, Bi, đừng sợ…), kiểu nhân vật vô danh (Xích lô, Đào, phở và piano…), kiểu nhân vật tha phương (Mùa len trâu, Quyên…), kiểu nhân vật cô đơn, bị lãng quên (Rừng lạnh, Người sót lại của rừng cười, Thung lũng hoang vắng…).

Giai đoạn 2002 – 2020 chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ các nhà làm phim mới mới sung sức (đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ…), trong nước và Việt kiều; kết hợp của nhiều thành phần, yếu tố nội sinh và ngoại sinh; kết hợp nhiều tiêu chí, giá trị của phim truyện; đa dạng trong sáng tạo diễn xuất của phim thị trường, giải trí, nghệ thuật; làm phim hướng đến khán giả… góp phần tạo nên dấu ấn sáng tạo của nhiều phim.

Tuy nhiên, được vận dụng như một thủ pháp, các yếu tố câu khách, tình dục và bạo lực, hài nhảm… được thể hiện khác nhau về mức độ, mục đích, hiệu quả và cả tác dụng phụ trong nhiều phim. Nếu cảnh nóng trong Lấy chồng người ta được làm chừng mực, nghệ thuật (như trong Áo lụa Hà Đông) và không được coi là một chiêu câu khách tầm thường thì có phim đem lại sự “quá tải” đối với khán giả về thủ pháp trong dàn dựng, khi phải trực diện liều lượng của yếu tố bạo lực. Nếu Bi, đừng sợ có những hình ảnh thể hiện dục tính, qua những cảnh quay khán giả không ngờ nhất thì Trung úy tạo cảm giác về một ranh giới tương đối nhạt nhòa giữa phim sex và dàn dựng nghệ thuật về nó hay vấn đề tính cần thiết, sự phù hợp và tính hiệu quả của cách dàn dựng ấy trong tổng thể ý đồ và hiệu quả nghệ thuật của bộ phim. Hơn nữa, bên cạnh dấu hiệu, biểu hiện của việc phong cách, phương pháp, thủ pháp làm phim có những dấu hiệu của công nghiệp điện ảnh…, xuất hiện sự tự phát trong một số khâu của điện ảnh, trong đó có sáng tác (trong đó một số khu vực sáng tác, sản xuất nhiều phim và ngược lại). 

Ngoài nhiều phim kém chất lượng trong giai đoạn này, chỉ riêng năm 2022 đã xuất hiện nhiều phim chất lượng không cao, thậm chí được xem “thảm họa” (Virus cuồng loạn, Cù lao xác sống, Mến gái miền Tây, Là mây trên bầu trời của ai đó, Qua bển làm chi, Ê ông già yêu ha, Kẻ thứ ba, Mưu kế thượng lưu…).

*Yếu tố đổi mới trong làm phim

Giai đoạn 2002 – 2020 chứng kiến một thế hệ đạo diễn với nhiều thể nghiệm trong thể loại phim, cách tân trong áp dụng các thủ pháp nghệ thuật, đổi mới cách kể chuyện, ố gắng gắn kết các yếu tố nghệ thuật, giải trí trong một bộ phim, thể hiện đậm nét các đặc điểm của tư duy, cách làm phim của dòng phim tư nhân, với sự góp mặt, két hợp phong cách phim tác giả, phim nghệ thuật.

Yếu tố đổi mới xuất hiện rõ rệt và rộng rãi trong hoạt động sáng tác cũng như chế tác phim trên cả nước, đặc biệt trong những năm gần đây. Biểu hiện rõ nét trong tìm tòi đào sâu nội dung câu chuyện phim, gắn với thời cuộc xã hội, đưa ra những dự báo và cảnh báo có giá trị thực tiễn. Nhiều phim vận dụng những hình thức biểu hiện mới đa dạng, hài hòa hơn. Các giá trị biểu cảm (tính tư tưởng, hình ảnh biểu tượng, tượng trưng, ẩn dụ,…) được cố gắng biểu đạt, đạt hiệu quả bước đầu.

Nhiều phim tạo được những dấu ấn nhất định trong sáng tạo nghệ thuật, trong phản ánh hiện thực, trong phim tác giả cũng như phong cách đạo diễn. Nhiều phim lịch sử – chiến tranh nhờ yếu tố lồng ghép quá khứ – hiện đại đã phần nào hạn chế bớt sự khô cứng, tuy thiếu ít nhiều sức hấp dẫn, nhưng nhờ hơi thở, yếu tố hiện đại, sự tươi mới, trẻ trung từ nhà làm phim được bổ sung đáng kể, đã làm giảm thiểu nhất định sự khô khan, buồn tẻ… của nhiều phim khai thác đề tài tương tự trước đây.

Chỉ trong 3 năm (từ 2016 đến 2018), nhiều phim truyện thu hút khán giả hơn cả những phim Hollywood chiếu cùng thời điểm, với những phim vừa đạt doanh thu cao vừa được đánh giá khá tốt về chất lượng (Em chưa 18, Chàng vợ của em, Cua lại vợ bầu, Gái già lắm chiêu 2 và 3, Hai Phượng, Mắt biếc, Tiệc trăng máu). Từ góc nhìn tổng thể và khách quan, so với đầu những năm 2000, diện mạo và nội hàm phim truyện đang dần thay đổi, với các phim nghệ thuật (Đừng đốt, Long thành cầm giả ca, Mùa len trâu…), các phim độc lập (Chơi vơi, Cánh đồng bất tận…), các phim kết hợp hài hòa các yếu tố nghệ thuật – thương mại – giải trí (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Trúng số, Chàng vợ của em…), góp phần mang đến sự kỳ vọng cho sự phát triển xa hơn của phim truyện. Trong dòng chảy sáng tạo đó, nhiều phim (Mắt biếc, Em chưa 18…) không chỉ thay đổi đề tài, thể loại mà điều quan trọng tiên quyết là từ sự thay đổi cách kể chuyện để tạo nên sự hấp dẫn đáng kể không do sự kiện bên ngoài mà do diễn biến tâm lý gây hồi hộp của các nhân vật chính; cũng không cần có cảnh phòng the, bạo lực và sự kiện bên ngoài chỉ là cái cớ, chất xúc tác để tâm lý nhân vật được diễn biến; nhất là nét mới trong 4 kỹ thuật làm phim chính (dàn dựng, diễn xuất, hình ảnh, âm nhạc) và sự trung thành với tinh thần của nguyên tác gốc…

Trong thập niên 2002 – 2010, một số phim có màu sắc nghệ thuật (art-house) mang đậm dấu ấn riêng của tác giả được nhà nước hỗ trợ như Trăng nơi đáy giếng (2008), Chơi vơi (2009)… nhưng số lượng này còn quá ít. Một trường hợp nổi bật hơn cả khi kết hợp được cả yếu tố thương mại và nghệ thuật cùng sự góp sức của cả các đơn vị tư nhân và nhà nước (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh , 2015) là tín hiệu mới nhưng còn khá ít, chưa trở thành dòng chủ đạo.

2.5. Phim được nhà nước đặt hàng, tài trợ 

Điểm sáng, những giá trị tích cực có thể nhìn thấy là một số bộ phim đặt hàng, tài trợ của nhà nước(5) về đề tài chiến tranh đã đạt chất lượng cao (Mùi có cháy, Những người viết huyền thoại, Truyền thuyết về Quán Tiên…) hay một số bộ phim được trao các giải thưởng quốc tế và trong nước (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến…). Giai đoạn 2002-2020 cho thấy sự đóng góp đáng kể, sự lao động nghệ thuật bền bỉ của nhiều đạo diễn với đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, đương đại của dòng phim này (Đừng đốt, Những người viết huyền thoại, Nhìn ra biển cả, Mùi cỏ cháy, Trên đỉnh bình yênTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Thầu Chín ở Xiêm, Trăng nơi đáy giếngNhà tiên tri, Những đứa con của làng) và đó cũng là các phim tạo dấu ấn đáng kể, thậm chí nổi bật trên nhiều phương diện như tư tưởng, nội dung và nghệ thuật.

Ngoài ra, điểm nhấn tích cực khác là sự lan tỏa hơi thở hiện đại trong phim lịch sử – chiến tranh và việc hoàn thành sứ mệnh tuyên truyền và giáo dục truyền thống lịch sử. Nhiều phim mang tính truyền thống vẫn tiếp tục đi theo mạch cảm hứng này và cố gắng khám phá quá khứ một cách đa chiều, bên cạnh cái tốt, sự lý tưởng, còn nêu tâm tư, trăn trở, trắc trở… của đời thường, như tình yêu (Sinh mệnh, Trung úy), đề cập cái đáng phê phán, thậm chí đáng lên án, sự hèn nhát, tráo trở (Chớp mắt cùng số phận), nêu vẻ đẹp, tình người trong và sau chiến tranh (Đừng đốt), hoặc hình tượng người lính được phản ánh chân thực, với những thay đổi nhất định trong tiếp cận, như sự hồn nhiên, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ, sự hy sinh vì cái chung (Mùi cỏ cháy), những phẩm chất tốt đẹp như một hằng số (Những người viết huyền thoại)… Một số phim khác đem đến một cảm giác mới lạ hơn so với cách thể hiện quen thuộc thường thấy; mạnh dạn đưa cái mới vào những tác phẩm được xem là tái hiện truyền thống như là một sự sáng tạo đáng kể. Một số phim đã có sức lay động khi chạm được đến trái tim của người xem bằng những giá trị nhân đạo. Ở phương diện khai thác đề tài chiến tranh và người lính, phim Mười ba bến nước cũng thuộc số những bộ phim truyện điện ảnh khiến người xem ám ảnh bởi thân phận con người.

*Một số hạn chế của dòng phim lịch sử – chiến tranh do nhà nước đặt hàng:

Một số phim chưa thể hiện hết tầm vóc vĩ đại của lịch sử, nhân vật lịch sử hay tương xứng với vấn đề phim đề cập trong khi ở thực tế lịch sử, vấn đề này đôi khi lại có ý nghĩa lớn. Trong cách làm, nhiều phim cho thấy hai tư duy, mà tư duy làm phim an toàn, kiểu công chức, tròn trịa lại nhiều hơn những người làm phim thể hiện bản lĩnh nghệ sỹ, có giá trị lâu dài; khai thác theo đề tài truyền thống vẫn đi theo lối mòn, chưa đáp ứng được nhu cầu và trình độ thưởng thức của công chúng hay đơn thuần chỉ là mô tả lại những câu chuyện lịch sử hay cuộc chiến. Thời lượng phim có hạn mà cuộc chiến quá lớn, vì thế nhiều nhà làm phim đã chưa hợp lý khi đưa vào phim nhiều hình tượng mà bỏ qua việc xây dựng tính cách nhân vật, khiến người xem có cảm giác nghe kể chuyện nhiều hơn là cảm nhận. Trong việc áp dụng các thủ pháp nghệ thuật, nhiều phim cho thấy tư duy làm phim không mới; cách phản ánh hiện thực, cách nhìn về chiến tranh còn thiếu sự mới mẻ, không lôi cuốn; chưa thấy nhiều nét mới, sự đột phá trong cách kể chuyện của phim tự sự; bộc lộ sự công thức, giáo điều, khô khan, thiếu sự hấp dẫn, nhất là tính nghệ thuật còn thấp; nhiều đạo diễn trung thành với kịch bản phim và có phần ngại va chạm với yếu tố lịch sử và phản ứng của giới phê bình nên nhiều tác phẩm thiếu tính sáng tạo mang tính đột phá…

 Đó là chưa kể một số phim đề tài lịch sử không có sự quan tâm đúng mức đến tính chân thực lịch sử (hay sự khác biệt giữa phim lịch sử, chiến tranh với phim cổ trang, dã sử…); khai thác đề tài truyền thống còn bị mặc định bởi chính “tính truyền thống”, khi vẫn đi theo lối mòn, chưa đáp ứng được nhu cầu và trình độ thưởng thức ngày càng được nâng cao của công chúng đương đại. Mặc dù cách cảm nhận nghệ thuật của mỗi người không giống nhau hoàn toàn, nhưng khi bộ phim không làm rõ được mục tiêu nghệ thuật đặt ra; việc dàn dựng không thuyết phục về những gì đang diễn ra trên phim; cách kể chuyện không mới; nhân vật phim không đủ sức lay động…, đã làm giảm thiểu đáng kể hiệu quả nghệ thuật của nhiều phim. Với ý tưởng kịch bản có khả năng khái quát yếu, giá trị tư tưởng chưa cao, thậm chí có những phim đã làm cho khán giả dễ dàng đoán ra cái kết từ khi bắt đầu. Không ít phim thường giống nhau ở chỗ cốt truyện còn đơn giản, xung đột nông cạn, cách giải quyết vấn đề không mới và người xem thấy nhiều tình tiết chưa được xử lý đúng mức về thủ pháp nghệ thuật; nhiều câu chuyện vốn thiếu sự đặc sắc của cốt truyện theo nguyên lý kịch học điện ảnh nên hệ quả là hầu như không phim nào chạm được vào trái tim khán giả; đơn thuần chỉ là mô tả lại những câu chuyện lịch sử hay cuộc chiến; hình mẫu chung của phim đôi khi sa vào tình trạng sáo mòn, mờ nhạt và gần như không thoát ra sự tuân theo một công thức chung.

2.6. Vài nét về sự sáng tạo trong phim của các đạo diễn Việt kiều 

Với việc thực sự tạo thành ba xu hướng sáng tạo (phim tác giả, phim nghệ thuật và phim thương mại) như là khuôn mẫu điển hình của văn hóa đại chúng do các đạo diễn Việt kiều thực hiện trong các thập kỷ gần đây, phim truyện của các nhà làm phim Việt kiều đã trở thành một bộ phận không thể tách rời, có ảnh hưởng trong tiến trình phát triển điện ảnh ở Việt Nam, trong đó có các dấu ấn trong sáng tạo nghệ thuật.

Đó là nghệ thuật dàn cảnh trên hiện trường (trong đó có phong cách dàn cảnh chuyên nghiệp, làm mãn nhãn người xem), việc xây dựng  những không gian thuần Việt (Mùa len trâu, Người vợ cuối cùng) hoặc thể hiện được bản sắc văn hoá thuần Việt trong ngôn ngữ điện ảnh (Mùa hè chiều thẳng đứng, Mê thảo thời vang bóng, Áo lụa Hà Đông, Mùa len trâu, Lấy chồng người ta, Song lang, Trúng số…). Với mỹ học hoài niệm và mỹ học lãng mạn, nhiều phim đưa hình ảnh Việt Nam ra với thế giới qua những nét độc đáo mang bản sắc dân tộc (trong Mùa len trâu, những nốt nhạc được chơi với nhạc cụ dân tộc không thể trộn lẫn với các nhạc cụ khác chỉ Việt Nam mới có). Nhiều hình ảnh gợi lên cảm giác gần gũi, thân quen trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt; phải là người yêu và nhớ quê hương rất nhiều mới có thể đem lại cho khán giả những cảm xúc lắng đọng qua dàn cảnh, quay phim, âm thanh… trong nhiều phim (Dòng máu anh hùng, Để mai tính, Long Ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ, Trúng số).

Hơn nữa, nhiều phim nhờ mang đến những quy trình chế tác phim tiên tiến và tác phong tác nghiệp hiện đại đã tạo ảnh hưởng tích cực đối với việc sáng tác phim truyện nước nhà; sự chuyên môn hóa trong từng khâu đem đến chất lượng về chuyên môn. Đó là sự phù hợp trong các vai diễn mới và tạo ra được không khí diễn xuất hiệu quả nhất dành cho các diễn viên (Thời xa vắng, Hạt mưa rơi bao lâu…); sử dụng dàn diễn viên không chuyên nghiệp cũng không nghiệp dư và diễn viên tay ngang (Cô dâu đại chiến, Thiên mệnh anh hùng, Scandal-bí mật thảm đỏ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc…); sự sáng tạo trong chọn lựa khi chọn những diễn viên cũ cho những vai diễn mới; sự linh hoạt trong việc chuyển thể ý tưởng từ văn học sang điện ảnh và thể hiện cái chủ quan của tác giả vào phim khá tinh tế (Mùa len trâu, Cánh đồng bất tận); sự mới lạ trong cách kể chuyện qua lối/cách tự sự (một số phim được mở đầu với những lời tự sự da diết, như những nỗi nhớ, sự hoài niệm mà người xa quê hương luôn trăn trở. Nhiều phim như những kí ức về tuổi thơ mà các người ta đã từng có hoặc đã từng quên (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lửa Phật, Bao giờ có yêu nhau, Trúng số) với nghệ thuật tạo hình mới lạ, độc đáo, mang những màu sắc riêng với những nét phá cách độc đáo (Thời xa vắng, Mùa len trâu, Hạt mưa rơi bao lâu, Lấy chồng người ta, Người vợ cuối cùng…). Nghệ thuật quay phim khiến qua những góc máy lạ, tạo ấn tượng sâu sắc mà trong các phim truyền thống ở Việt Nam với cùng nội dung chưa hề có (Thời xa vắng, Mùa len trâu…với những góc máy dưới nước). Việc sử dụng sự tương phản trong dựng phim, trong ánh sáng ngày và đêm, tạo hiệu quả biểu cảm. Không sử dụng mờ chồng hay lên sáng xuống tối ở mỗi đoạn hay trường đoạn, đa số các phim dùng sự chuyển cảnh tương phản sáng tối để chuyển câu chuyện từ đoạn này sang một đoạn khác, đem lại cảm giác bất ngờ.

Với sự xuất hiện của nhiều tác phẩm tốt, tuy vậy, nếu lợi nhuận cao được xem như một giá trị về hiệu quả kinh tế thì cũng có những giá trị không mang tính điện ảnh mà mang nhiều tính doanh thu (Hello cô Ba, Để mai tính, Em chưa 18, Cua lại vợ bầu…). Mặt khác, nếu nhiều phim đã thể hiện một diện mạo mới, một luồng gió mới trong phim truyện thập kỷ 2010-2020 thì phương pháp làm phim Hollywood được kết hợp với tâm hồn người Việt và tình yêu, hoài niệm về quê hương đã góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực đó. Điều này vừa là khác biệt, vừa là sự tiếp tục một truyền thống cần có của giai đoạn trước, khi nhiều phim truyện của các nhà làm phim Việt kiều “mang đến cho ngành sản xuất phim trong nước những cách tiếp cận mới, công nghệ mới, ý tưởng và phong cách mới”(6), nhất là trong 4 kỹ thuật làm phim chính (dàn dựng, lấy cảnh quay, dựng phim và âm thanh).

 2.7. Vài nét về phim của các nhà làm phim độc lập

Với nhiều phim được trau chuốt kĩ càng về biểu cảm, nhiều hình ảnh phim giầu sức gợi và liên tưởng và với phong cách tác giả, cách kể chuyện mới mẻ…, dòng phim độc lập (Bi, đừng sợ; Cha con và…, Hotboy nổi loạn, Cánh đồng bất tận, Đập cánh giữa không trung, Cha cõng con, Chơi vơi, Tâm hồn mẹ, Đảo của dân ngụ cư…) đóng góp một diện mạo mới, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng nghệ thuật phim truyện. Nhiều phim truyện cũng tạo động lực nhất định đối với các nhà làm phim trẻ, đóng góp đáng kể phần mình vào sự sáng tạo nghệ thuật và sự phong phú, đa dạng của các thủ pháp điện ảnh… của điện ảnh phim truyện nói chung.

Nhiều phim đã chạm được đến những ngõ ngách ẩn sâu trong con người hiện đại, đi sâu hơn vào những ẩn khuất mà các nhân vật đang gặp phải… khi chọn phản ánh hiện thực như một hướng khai thác mới có nhiều hi vọng thành công nhưng cũng không ít thách thức và trở ngại; đúng như nhận định chính xác và có cơ sở “những yếu tố thầm kín khát khao, những giằng xé của dục vọng bản năng, nhưng ẩn ức, nổi loạn trong góc khuất tâm hồn con người… vốn bị bủa vây bằng sự ngột ngạt, bế tắc của mặt trái đời sống xã hội mà xưa nay vẫn bị khuyến cáo, cấm kỵ nay đã được thể hiện thành hiện thực trên màn ảnh – như những lát cắt có chủ ý của những người làm phim”(7). Với các phong cách nghệ thuật độc lập và có yếu tố của phim thực nghiệm trong sự thỏa mãn lựa chọn thủ pháp làm phim, nhiều phim được xem là mới mẻ về đề tài và thể loại; qua những đề tài phim hay phong cách thể hiện nội dung ít nhiều không theo xu hướng thời đại và thường không tuân theo một khuôn mẫu nào của các phim có kinh phí thấp…

Tuy nhiên, với mong muốn làm mới và hướng đến khán giả, nhưng sự thay đổi thể loại của các nhà làm phim thành danh qua một số phim cũng cho thấy sự không hiệu quả (Khi yêu đừng quay đầu lại, Lời nguyền huyết ngải…) trước hết về mặt khái thác thể loại không phải sở trường; cũng như các hạn chế phổ biến trong làm phim khác trong xây dựng hình tượng nhân vật tiêu biểu.

*Yếu tố đổi mới trong làm phim

Đúng như nhà nghiên cứu điện ảnh người Anh (bà Carrie Tarr, từng nhận định trong LHP Cannes) “phim của các nhà làm phim độc lập Việt Nam là sự kết hợp độc đáo giữa chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tượng trưng và sự cường điệu”(8), nhiều phim độc lập đã thể nghiệm, tìm tòi trong thể hiện, sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh, tạo không khí mới vào phim và làm đậm nét nhất định hoàn cảnh, tính cách, số phận con người (và một số bộ phận cộng đồng) đương đại trong phim; với nhiều kỹ thuật làm phim độc lạ; nhiều hình ảnh phim có sức gợi, liên tưởng, ngầm ẩn; với phong cách tác giả qua cách kể chuyện mới mẻ;  hòa được dòng riêng vào nguồn chung đáng kể, tạo được một dòng phim riêng được khán giả quan tâm ngày một nhiều hơn. Trong nhiều phim, 4 kỹ thuật làm phim chính và kỹ xảo, hậu kỳ… cho thấy sự dụng công nhất định; việc lấy cảnh quay với kỹ thuật của điện ảnh thị giác (visual movie) tạo nên những khuôn hình giàu sức gợi, có chiều sâu; khá nhiều những chi tiết đặc tả giàu ngôn ngữ điện ảnh. Tham khảo cách làm “trong nghệ thuật, tôi làm theo ý mình” của đạo diễn Nhật Bản Yasujiro Ozu, với thế giới quan riêng, các thủ pháp tượng trưng, ẩn dụ về tư tưởng kết hợp hiệu quả với thủ pháp biểu hiện các hình tượng màn ảnh… góp phần giúp nhiều phim có giá trị nội dung, nghệ thuật nhất định và tiếng nói riêng, khiến phim truyện đa dạng các dòng chảy, sắc màu và diện mạo.

2.8. Giai đoạn từ 2020 – nay

Phim truyện tiếp tục thể hiện tính dân tộc và quốc tế, có tác dụng tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ; đồng thời nhiều phim tạo sức hút với khán giả khi là phương tiện giải trí được ưa chuộng trong nhân dân. Nhiều phim truyện với những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có tính bước ngoặt; bên cạnh nhiều vấn đề tồn tại, phát sinh và phát triển trong sáng tác điện ảnh phim truyện mang tính khác biệt, đặc trưng và nổi bật cho giai đoạn của nhiều phim truyện đạt kỷ lục doanh thu.

Giai đoạn từ sau 2020, các phim điện ảnh với thể loại lịch sử, cổ trang, được tập trung khai thác, bên cạnh đề tài lịch sử (Đào, phở và piano và Hồng Hà nữ sĩ, Đất rừng phương NamNgười vợ cuối cùng) là đề tài tình cảm, tâm lý gia đình (Nhà bà Nữ, Mai, Lật mặt…), đề tài chính kịch (Hoa nhài, Tro tàn rực rỡ…) được cho là dễ tạo sự đồng cảm với người xem. Các thể loại được khai thác ngoài tâm lý xã hội, tâm lý lãng mạn, là các thể loại kinh dị, trinh thám, cổ trang…

Đầu 2024, tiếp tục thể loại tâm lý xã hội, xoay quanh những số phận con người gần gũi khán giả đại chúng, Mai khai thác lối sống của những người lao động ở các tầng lớp xã hội; được cài cắm cùng các yếu tố kết nối xã hội có thể kể đến như gia đình, tình yêu tương đối tiêu biểu; có sự phát triển đáng kể trong cách kể chuyện. Sức hút của Lật mặt 7 đến từ câu chuyện xoay quanh đề tài gia đình, khi  nhà làm phim dẫn dắt người xem qua những tình huống dễ bắt gặp trong cuộc sống, từ đó khơi gợi sự chia sẻ và đồng cảm.

*Yếu tố đổi mới trong làm phim

Nhiều phim cho thấy những tín hiệu của điện ảnh thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa. Việc vận dụng công thức thành công của phim Mỹ một cách sáng tạo, và điều tương tự cũng đã mang lại hiệu quả nhất định cho nhiều phim. Sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và thương mại, giải trí là bước tiến đáng kể của phim truyện điện ảnh trên con đường tiếp cận kỹ thuật và nghệ thuật thể hiện tiên tiến hiện đại của điện ảnh quốc tế.

Chỉ trong 3 năm (từ 2021 đến 2024) với một số nét giá trị trên nhiều phương diện là các phim đề tài gia đình (Bố già, Nhà bà Nữ, Mai, Lật mặt...) hay các phim nghệ thuật (Tro tàn rực rỡ), phim lịch sử, cổ trang (Đất rừng phương Nam, Đào, phở và piano, Người vợ cuối cùng, Hồng Hà nữ sĩ…). Vài năm đầu thập niên 2020, do áp lực của dư luận và của thị trường, hiếm còn những đạo diễn chế tác phim cẩu thả, thiếu trình độ và trách nhiệm.

Khi xây dựng kịch bản phim và kể chuyện, nhiều nhà làm phim đã chú ý đến bối cảnh và nhịp điệu để phát triển câu chuyện và áp dụng cấu trúc chuẩn giúp biên kịch, đạo diễn có thể kể lại và phát triển câu chuyện một cách hợp lý. Hơn nữa, sự áp dụng những kỹ thuật, trải nghiệm tốt trong kể chuyện (Nhà bà Nữ, Mai, Lật mặt…) giúp không bỏ qua yếu tố bối cảnh và nhịp điệu, những yếu tố rất quan trọng khiến cho bộ phim gần gũi với khán giả và được họ đồng cảm.

  1. Một số gợi mở

*Thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong phim truyện

Vốn là một yếu tố ngoại sinh, ra đời và phát triển trên cơ sở của tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với sự chín muồi của các bộ môn nghệ thuật khác, phim truyện muốn tồn tại và phát huy tác dụng, chỉ có con đường khả dụng nhất là không ngừng bổ sung, hấp thụ và lan tỏa bản sắc dân tộc như nguồn sức mạnh nội sinh vô tận. Trong  phim truyện, bản sắc dân tộc hiện hình trong nội dung, các mảng hiện thực đời sống sôi động của dân tộc, tâm tư, hoài bão, quan niệm, cách suy tư và hành động của nhân vật… và cả trong chủ đề tác phẩm, phương thức và thủ pháp diễn đạt ngôn ngữ loại hình. Nhưng điều quan trọng hơn chính là yêu cầu, tiêu chí khai thác thế mạnh của dân tộc, bởi vì “các nền điện ảnh nước ngoài chỉ đón nhận và đánh giá cao những tác phẩm điện ảnh mà qua đó họ hiểu biết sâu sắc về đất nước ta, nhân dân ta, về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ta”(9) và dó cũng là một gợi mở cho phim truyện hiện nay và sắp tới.

Trong sáng tác phim truyện, các nội dung tiến bộ và nhân đạo của dân tộc tự thân nó có giá trị ổn định bền vững, đồng thời vẫn tiếp tục tiếp nhận những giá trị mới phù hợp. Sự kế thừa, bảo tồn và phát triển truyền thống và hiện đại là những đặc trưng cơ bản bảo đảm cho tính dân tộc, bản sắc dân tộc của phim truyện phát triển; khai thác giá trị tốt đẹp, thú vị của các chất liệu mang yếu tố văn hóa bản địa… cũng là một giải pháp của phim truyện hiện nay và sắp tới…

Tiếp tục tạo được sự khác biệt trong căn cước dân tộc tính của điện ảnh dân tộc (tâm trạng Việt, cốt cách Việt, ứng xử Việt – mẫu số chung khá ổn định về văn hoá và tâm thức), giúp phim truyện đạt được các giá trị trên nền tảng một triết lý và phải phản ánh bản sắc văn hoá dân tộc như một ưu thế và như một giải pháp. Để làm được điều đó, phim truyên phải dung hòa được với thị hiếu của khán giả quốc tế mà vẫn giữ được bản sắc của quốc gia, dân tộc mình. Những phim truyện mang tính dân tộc không phải là những bộ phim phim chỉ thể hiện đề tài văn hóa truyền thống của dân tộc mà phải thể hiện được tư duy của những người làm phim để tạo ra sự khác biệt cho phim Việt Nam với phim của các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

*Gợi mở trong ổn định, hài hòa các dòng chủ đạo và tạo giá trị căn cốt

Với phim truyện điện ảnh 50 năm qua, sự kết hợp hài hòa của dòng điện ảnh sử thi (được mô phỏng hoành tráng, đi sâu khai thác các vấn đề lớn của đất nước, dân tộc và thời đại…) với dòng điện ảnh thơ  (thấm đẫm cốt cách Việt, mang vẻ đẹp tâm hồn Việt cùng thiên nhiên, đất trời Việt trong cuộc sống vốn không đơn giản) và dòng điện ảnh đấu tranh (phê phán hiện thực tiêu cực, thói hư tật xấu trong đời sống xã hội, với phương pháp vừa phê phán vừa châm biếm hài hước, chóng để xây, đấu tranh để xây dựng…) đã góp phần tạo nên bản sắc của phim truyện, với những dòng chủ đạo và tạo giá trị căn cốt, gợi mở hướng đi cho những năm tới.

Những thập kỷ 2000, 2010, nhất là những năm gần đây đã chứng kiến sự phát triển đa dạng của các dòng phim, sự quay trở lại của khán giả đổi với phim truyện; khi xã hội phát triển, nhu cầu thưởng thức văn hóa và giải trí của con người cũng phong phú và thay đổi liên tục. Bởi vậy, việc nâng cao chất lượng phim truyện để các dòng phim truyền thống – cách mạng, nghệ thuật và giải trí cùng phát triển hài hòa là nhu cầu cần thiết và tự thân; tạo nên sức mạnh bên trong của tác phẩm gắn liền với quan hệ tích cực và có mục đích nhất định của nghệ sĩ đối với cuộc sống, được miêu tả có tính chất công dân và quan hệ thẩm mỹ.

*Tiếp tục đổi mới, nâng cao tầm tư tưởng trong phản ánh hiện thực

 Do phim truyện là tấm gương phản ánh xã hội và tiến trình tư tưởng của nó, và những tư tưởng mới sẽ có được mảnh đất riêng chỉ khi nó gần gũi với tâm tưởng người dân thường, người lao động, nhà làm phim cần góp phần tạo nên “5 mới” (diện mạo mới, luồng sinh khí mới, sức sống mới, nguồn lực nhân lực – tài chính – sáng tạo mới, chất lượng sáng tạo nghệ thuật mới) cho phim truyện. Để làm được điều đó, cần nỗ lực sáng tạo để tạo hệ giá trị (tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, công nghệ, thương mại, giải trí, thẩm mỹ…) cho phim truyện, cũng như các vấn đề kỹ thuật làm phim chính, phong cách và hình thức phim; ảnh hưởng và góp phần tích cực tạo nên giá trị, bản sắc của điện ảnh quốc gia và dân tộc.

*Gợi mở trong sáng sáng tác tạo cái mới gắn liền với trình độ phát triển tư tưởng

Điện ảnh nhà nước đã có những quá khứ hào hùng khi có những bộ phim ca ngợi cuộc sống nhân dân, những tấm gương anh hùng thật cảm động. Thời cuộc và lịch sử đã đổi khác, những đề tài đó chưa cũ, điện ảnh nước ngoài vẫn làm phim đề tài chiến tranh và vẫn thành công (phim Thế chiến 1917, Anh, 2019), vấn đề là chất lượng phim truyện khi khai thác cùng đề tài. Chọn đề tài gì là cách định hướng sáng tác của mỗi người, rộng hơn là sự gợi ý của các cấp có thẩm quyền – những nhà đầu tư (gồm nhà nước hay tư nhân), nên nhà đầu tư cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt hàng theo đề tài hoặc chọn đề tài.

Trong góc độ sáng tạo và tiếp nhận, ở đây có thể có vấn đề trình độ phát triển điện ảnh thường gắn liền với trình độ phát triển tư tưởng. Với phim truyện, nghệ thuật điện ảnh luôn tự khám phá dần; trong đó, những điều mỹ học mới tạo ra thường đi đôi với kỹ thuật làm phim. Mỗi đạo diễn thường đều có màu sắc, cái tạng và tiếng nói riêng, đều có thể làm giàu có cho kỹ thuật điện ảnh trong khi cũng thể hiện phong cách riêng về cách nhìn nhận cuộc sống, phản ánh hiện thực, bởi phim truyện được hình dung như một thể liên tục (continuously) hàm chứa sự đổi mới không ngừng của các phong cách sáng tạo gắn liền với tư tưởng của nhà làm phim thông qua tầm vóc tác phẩm của họ.

*Gợi mở qua tham khảo kinh nghiệm sáng tạo

Nhằm tạo dấu ấn sáng tạo có thể tham khảo kinh nghiệm việc phản ánh hiện thực, khai thác đề tài, áp dụng thể loại qua các giai đoạn; gắn tính dân tộc với tính quốc tế; kết hợp các yếu tố của phim nghệ thuật và giải trí; pha trộn, hài hòa các phong cách… như những gợi mở hữu ích. Chẳng hạn, các phim của nhiều nhà làm phim tiền bối, gạo cội gợi mở về phản ánh chân thực những vấn đề, tư tưởng chủ đạo của con người, đất nước Việt Nam hay các vấn đề mang tính nhân loại. Hai Phượng gợi mở rằng phấn đấu để phim truyện cũng có những bộ phim hành động, bom tấn ít nhiều đuổi kịp với phim Hollywood là một cái đích khả thi có thể hướng tới trong những năm tới đây. Mắt biếc gợi mở về việc tự làm mới khi kể câu chuyện ngôn tình của lớp trẻ người Việt, cho thấy phim truyện có thể chứng tỏ được giá trị của mình với dòng phim nghệ thuật chứ không chỉ thiên về giải trí. Ròm gợi mở về sự mới mẻ của những nhà làm phim trẻ trong tư duy sáng tạo, việc nỗ lực thử nghiệm hướng đi mới cùng với sự cố gắng tạo đột phá trong thủ pháp làm phim, trong dàn dựng của đạo diễn, trong dựng phim… Tro tàn rực rỡ gợi mở về hướng đi, tìm tòi mới trong chuyển thể và phim nghệ thuật. Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… gợi mở việc sáng tạo đạt hiệu ứng tốt về doanh thu và chất lượng nghệ thuật. Trúng số, Bố già, Nhà bà Nữ, Mai, Lật mặt… gợi mở về một cách làm phim có nhiều tìm tòi trong nghệ thuật, thủ pháp làm phim và hướng đến khán giả qua sự am hiểu thị hiếu, sự chịu khó làm sản phẩm kết nối tốt với khán giả; thể hiện các nhân vật ít nhiều phù hợp với cách nghĩ, cách cảm, cách ứng xử của người Việt. Đào, phở và piano qua đề tài lịch sử gợi mở việc thể hiện cách làm mới về đề tài truyền thống. Mỹ vị nhân gian, Bên trong vỏ kén vàng, Cu li không bao giờ khóc… gợi mở về các thủ pháp của điện ảnh chậm, về việc tạo động lực, truyền cảm hứng cho các nhà làm phim trẻ. Mai và Hai Muối cùng tranh giải Cánh Diều Vàng 2024 gợi mở về một tín hiệu tốt trong kết hợp, thay đổi đề tài và nhiều yếu tố giúp thành công của phim truyện…

*Quan tâm đúng mức tới các chức năng của phim truyện, trong đó có giải trí

Bởi vì, nếu xét các tiêu chí tính giải trí của một phim truyện (thành công trong việc giữ chân khán giả; dẫn dắt và khơi gợi được cảm xúc của họ; khiến khán giả phấn khích; đem đến cho họ sự trải nghiệm thú vị ở các giác quan và kích thích hệ thần kinh của họ; có tác dụng gây được hứng thú hoặc cảm xúc tốt đẹp, dễ chịu,…) thì chủ trương của nhiều đạo diễn phim trong nhiều phim vừa qua đã ít nhiều gợi mở về một giải pháp cần được hiện thực hóa. Giải trí cùng các chức năng, giá trị khác không chỉ dừng ở sự hợp nhất giữa các phần với nhau mà chính các  chức năng, giá trị đó đã phối hợp để tạo nên một thực thể mới mẻ có giá trị lớn hơn phép cộng cơ học các phần cấu thành nên tổng thể phim truyện.

*Làm phong phú các phong cách tác giả

Với phong cách đạo diễn ngày càng đa dạng, tạo dấu ấn, rõ nét, phim truyện cũng vì thế đang đặt ra cho mình những kiến giải riêng về lịch sử, về xã hội, về con người qua biểu hiện đặc trưng, sự khác biệt trong tính tư tưởng tác phẩm, trong áp dụng các thủ pháp nghệ thuật, trong sự thống nhất về đề tài và cách kể chuyện, trong những lựa chọn mang tính cá nhân hay cá tính sáng tạo. Để phim truyện hội nhập với điện ảnh thế giới, cần vừa được xây dựng vừa từng bước được chuẩn hóa với quy mô quốc tế, với một hướng đi được xác định là những bộ phim pha trộn giữa phong cách Hollywood với chất liệu Việt Nam gợi ý cho sáng tạo những năm tới sẽ tạo nên sức hút riêng, lôi kéo khán giản đến gần hơn với văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam.

*Tạo môi trường mà ở đó người nghệ sĩ được sáng tạo tối đa

Đó là gợi mở về cơ chế, chính sách cho tài năng trẻ (cơ chế thu hút, phương pháp đào tạo… để người trẻ tham gia sáng tạo nghệ thuật điện ảnh); kết hợp đào tạo của nhà nước với khả năng tự học, tự trau dồi nghề nghiệp của nghệ sĩ; cần có những tài năng được cộng hưởng bởi lòng tự hào dân tộc, tự hào quốc gia và được đầu tư kinh phí thích đáng (9); nhà làm phim cần mạnh dạn lựa chọn đưa ra những đề tài thể hiện tiếng nói của giới trẻ đương đại.

*Tham khảo phương pháp làm phim tiên tiến, hiện đại, nhất là phim truyện Mỹ

Tham khảo 3 tiêu chuẩn được Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ đưa ra để khẳng định một nền điện ảnh chuyên nghiệp (có biên kịch giỏi, lành nghề; có kinh phí sản xuất và quảng bá hợp lý; có công chúng khán giả nồng nhiệt) để Việt hóa phương pháp làm phim của nhiều nước có phim truyện phát triển, nhất là Mỹ; đồng thời nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu những nội dung tốt trong một số trào lưu lý luận, thực tiễn nước ngoài về phim truyện. Tiếp cận sâu sắc với phương pháp làm phim của phim truyện Mỹ hiện nay (nền điện ảnh có ảnh hưởng toàn cầu về thẩm mỹ, cách tổ chức, doanh thu, phương tiện kỹ thuật, phương pháp phân tích rèn luyện sâu sắc, đa dạng, hiệu quả), qua các khâu viết kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, quay phim, thiết kế, âm thanh… rất đa dạng, có chiều sâu, đã được phát triển ở trình độ nghề nghiệp, thẩm mỹ cao… là giải pháp khả thi.

*Thay đổi tư duy sáng tác

Từ những động thái khơi thông dòng chảy cho những sáng tác mới là cần thiết, có thể nêu hy vọng của một nghệ sĩ sáng tác, nhà quản lý “có thể hy vọng từ nay “sự tiến bộ về nội dung” là một phẩm chất quan trọng luôn cần được đề cao của điện ảnh Việt Nam sẽ có điều kiện thay đổi ngay trong cảm quan và tư duy của người sáng tác; Với tư duy thay đổi như thế, chúng tôi tin rồi đây sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những bộ phim mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, truyền cảm được những tư tưởng lớn hơn về bản chất cuộc sống và vượt xa những diễn biến tưởng như đơn giản của cái vỏ câu chuyện…” (10) như một gợi mở, giải pháp cho vấn đề.

*Tái đầu tư cho phim truyện, phù hợp với cơ chế thị trường, công nghiệp điện ảnh và tìm kiếm các dự án được đầu tư

Bên cạnh việc tìm kiếm các dự án được đầu tư đối với các nhà làm phim, lợi nhuận đặc biệt lớn từ các phim thương mại có thể được trích lại để tái đầu tư cho các dự án phim truyện vốn không hướng tới mục đích bán vé trước tiên. Đây là một mô hình đã được áp dụng tại nhiều quốc gia châu Âu và cần sớm được áp dụng tại môi trường điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới, kèm theo các chế tài và luật định từ chính sách cụ thể của nhà nước, để phát triển hài hoà các dòng phim khác nhau; đồng thời hiện thực hóa việc ra đời và tác dụng tích cực đối với phim truyện của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

———————-

(1), (2), (3). Nhiều tác giả, Lịch sử điện ảnh Việt Nam, quyển 2, Cục Điện ảnh xuất bản, tr. 161, 160, 266.

(4). Thủy Nguyên, Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: “Em chưa 18” là cái tát mạnh vào tôi”, laodong.vn, 03/12/2017.

(5). Các phim trong giai đoạn 2007-2017 (chỉ nêu tên phim và năm sản xuất, phát hành): Rừng đen, Em muốn là người nổi tiếng (2007); Trăng nơi đáy giếng (2008); Đừng đốt, Chơi vơi, Được sống (2009); Không cân sức, Nhìn ra biển cả, Vũ điệu đam mê, Trung uý,  Hoa đào (2010); Mùi cỏ cháy,  Tâm hồn mẹ (2011); Đam mê (2012), Những người viết huyền thoại (2013), Sống cùng lịch sửNhững đứa con của làng (2014), Mỹ nhân, Người trở vềThầu Chín ở XiêmĐường xuyên rừng, Trên đỉnh bình yên, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Nhà tiên tri (2015), Cuộc đời của Yến (2016).

(6). Hoàng Cẩm Giang, Trần Hinh, Phạm Xuân Thạch, Hoàng Cẩm Giang, Nguyễn Thị Bích (biên soạn), Điện ảnh châu Á đương đại – những vấn đề lịch sử, mỹ học và phong cách, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr. 243.

(7), (10).  Đỗ Lệnh Hùng Tú, Thị hiếu khán giả và thị trường điện ảnh hôm nay, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Phim Việt Nam – thực trạng và giải pháp”, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM (Ban Tuyên giáo Thành ủy), Hội Điện ảnh TP.HCM, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, ngày 29/3/2019, tr. 71.

 (8). Trần Hinh, Điện ảnh Việt Nam 2015: Một năm sôi động, Thể thao & Văn hóa, 09/12/2015.

(9). Nhiều tác giả, Điện ảnh và bản sắc văn hóa dân tộc, Nxb Văn hóa – Thông tin, 1994, tr. 352.