Điện ảnh Việt: Vẫn là câu chuyện đường ra biển lớn

Ngày 10/9/2024, trong khuôn khổ của Giải thưởng Cánh diều năm 2024 diễn ra tại Thành phố Nha Trang, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm – một chặng đường”. Dịp này, nhiều PGS.TS, Nhà Quản lý, các chuyên gia nghiên cứu Lý luận phê bình điện ảnh và các Đạo diễn, những Nhà làm phim đã có những chia sẻ ấn tượng và ý nghĩa.

Hotstar.vn trân trọng giới thiệu lần lượt đến bạn đọc những bài tham luận giá trị. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi.

Bài tham luận:

ĐIỆN ẢNH VIỆT: VẪN LÀ CÂU CHUYỆN ĐƯỜNG RA BIỂN LỚN

Tác giả tham luận: Việt Văn

Với chiến lược công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh, nền điện ảnh Việt có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trong thời công nghệ số, nhất là khi Luật Điện ảnh năm 2022 kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành điện ảnh. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, việc tham gia và tổ chức các Liên hoan phim quốc tế, và tổ chức các Tuần phim Việt Nam tại nước ngoài, đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới mạnh mẽ.

 

Nhà báo Việt Văn. Ảnh chụp bởi họa sĩ Bằng Lâm (nguồn: Báo Công An Nhân Dân)

Dấu ấn của tiếng nói cá nhân tại các LHP quốc tế

Nếu tính mốc thời gian khoảng gần 10 năm trở lại đây thì phim Việt đã có những thành công tại một số LHP quốc tế. Trong hai năm gần đây 2023 và 2024 thành công rực rỡ nhất phải kể đến bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân được trao giải Camera Vàng tại LHP Cannes – cho phim dài đầu tay xuất sắc nhất. Một bộ phim làm với tiết tấu chậm rãi, các khuôn hình giàu tính ẩn dụ để kể một câu chuyện về một người trẻ mất phương hướng, đi tìm đức tin trong cuộc sống. Với Phạm Thiên Ân, con đường nghệ thuật mở ra đầy tươi sáng trước mặt.

Rồi phim “Culi không bao giờ khóc” của Phạm Ngoc Lân giành giải phim đầu tay tại LHP Berlin (Đức), phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận giải thưởng “Khinh khí cầu vàng”- giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba châu lục (Pháp)… Trước đó, phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất và giải Đặc biệt của Ban giám khảo cho phim đầu tay tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam; lọt vào top 15 giải thưởng danh giá Oscar cho phim tài liệu…

Trong những năm trước, phim “Ròm” của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy dành giải thưởng cao nhất tại LHP Busan (Hàn Quốc). Phim “Cha cõng con” của Lương Đình Dũng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Fajr (Iran) lần thứ 36, Phim nước ngoài hay nhất tại LHP quốc tế Arizona lần thứ 26, giải Phim xuất sắc nhất hạng mục NETPAC của LHP châu Á Barcelona là đại diện của Việt Nam tham dự giải Oscars lần thứ 90. Phim “Người bất tử” tham dự hạng mục Crosscut ASIA ở LHP quốc tế Tokyo; “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được giới thiệu tại LHP Cannes 2015, đạt giải thưởng Phim hay nhất tại LHP Silk Road 2015, là đại diện chính thức của Việt Nam tại vòng sơ loại cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2017…

Nhìn vào những phim đoạt giải quốc tế, có thể thấy phần lớn (chứ không phải tất cả) các tác phẩm trên đều mang tính nhân văn sâu sắc, dàn dựng sáng tạo với sự tìm tòi làm phong phú thêm ngôn ngữ điện ảnh và mang những câu chuyện đặc sắc của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Có những phim làm công phu, quay trực tiếp tại hiện trường như “Những đứa trẻ trong sương” của Hà Lệ Diễm, về một phong tục văn hóa độc đáo: cướp vợ của người Mông.

Tuần phim, ngày phim Việt tại nước ngoài

Cùng với việc tham dự các LHP quốc tế thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức các chương trình tuần phim, ngày phim Việt Nam tại nước ngoài, như  Tuần phim tại Hoa Kỳ tại Honolulu, New York, Washington DC (2015), Tuần phim Việt Nam tại Italia (2015), Tuần phim Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai (2021)… Đặc biệt, kể từ sau đại dịch, các hoạt động văn hóa đối ngoại được nối lại sôi động, liên tục tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các chương trình chiếu phim tại nước ngoài và trong nước như Tuần phim Việt Nam tại Cuba, Argentina, Iran, Bahrain, Qatar, Năm ngoái, chương trình Tiêu điểm điện ảnh Việt Nam giới thiệu 20 bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim Ba Châu lục 2023 tại Nantes, Pháp… Còn năm nay, 2024, nhiều tuần phim Việt tại Nga, Ba Lan… cũng tạo những hiệu ứng xã hội tích cực.

Liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam ngày càng nở rộ

Nhận thức rõ, việc tổ chức các LHP quốc tế là một biện pháp để nâng tầm điện ảnh quốc gia, mà minh chứng rõ nhất là Liên hoan phim quốc tế Busan của Hàn Quốc được tổ chức hàng năm bắt đầu từ năm 1996, từ LHP quốc tế với 173 bộ phim từ 31 nước tham dự trong lần đầu tổ chức, đến nay liên hoan đã thu hút 299 phim từ 85 quốc gia vào năm 2019 thu hút gần 190 nghìn khán giả, trở thành LHP hàng đầu ở châu Á.

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (Haniff) là phát pháo hiệu mở màn tại Việt Nam từ năm 2010 và ngay ở lần thứ nhất đã mời được đạo diễn nổi tiếng Hollywood Philipe Noyce sang và tạo nên sức hấp dẫn mới lạ khi chỉ nhận những phim lần đầu công chiếu dự thi.  Tuy nhiên, dù số lượng phim các kỳ LHP sau ngày càng tăng hơn thì mục tiêu “xây dựng thương hiệu Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội thành một trong những Liên hoan Phim quốc tế có uy tín trong khu vực và châu Á” chưa thực sự như mong muốn. Những hoạt động hiệu quả nhất có thể thấy là ở trại sáng tác Haniff cũng như chợ dự án làm phim…

Sau khi Luật Điện ảnh năm 2022 cho phép mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim tại Việt Nam, ngoài LHP quốc tế Hà Nội, năm 2023, Việt Nam đã có LHP quốc tế thứ hai là Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng được tổ chức tại Đà Nẵng, bước đầu có những thành công nhất định với sự tham gia của một số phim tốt, nhưng chủ yếu vẫn là phim trong nước nhiều hơn là sự tham gia của quốc tế. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức khá bài bản, LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ 2 và lần thứ 3  đang trở thành điểm đến thu hút các nhà làm phim quốc tế trong và ngoài nước.  Năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức LHP quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất (HIFF) góp phần khẳng định vai trò của TPHCM là một trong những trung tâm kinh tế, giáo dục, văn hóa lớn của cả nước và khu vực.  LHP quốc tế TPHCM với sự mời gọi được nhiều đại biểu quốc tế uy tín và một chương trình LHP hấp dẫn, đã tạo được thương hiệu bước đầu.

Vượt qua những rào cản hạn chế điện ảnh Việt

Dù có những bước đi đầy hứa hẹn và ngày càng khởi sắc trong những năm gần đây, tuy nhiên điện ảnh Việt vẫn còn nhiều việc phải làm trên con đường khẳng định vị thế của mình trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Bản thân nội tại của điện ảnh Việt khi thực sự chưa có nhiều đạo diễn có dấu ấn sáng tạo mạnh mẽ đủ sức tạo nên sức hút trên trường quốc tế, dẫn tới việc còn rất ít phim Việt có thể hiện diện, so tài sòng phẳng tại các LHP quốc tế hàng đầu thế giới. Trước đây, có đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh có tác phẩm “Bao giờ cho đến tháng 10” được kênh truyền hình nổi tiếng CNN của Mỹ bình chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Năm 2010 ông được Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ vinh danh tại Hollywood là đạo diễn có đóng góp xuất sắc cho điện ảnh Việt Nam. Nhưng thế hệ sau này, dù đã thêm nhiều đạo diễn hay nhưng để trở thành một tên tuổi tầm cỡ, có phong cách sáng tạo riêng mạnh mẽ thì vẫn còn khó.

Một số đạo diễn phim độc lập có cách nhìn riêng, tìm tòi ngôn ngữ sáng tạo trong cách kể đã gặt hái những thành công đáng nể tại một số LHP quốc tế uy tín danh giá. Tuy nhiên, cái nhìn của một số đạo diễn độc lập hướng theo con mắt “người lạ”, chỉ xoáy sâu vào những khiếm khuyết, những mặt tối trong một bức tranh và thổi bùng nó lên như một vấn đề mang tính bản chất của đời sống đương đại. Và dù thể hiện khéo léo với một ngôn ngữ điện ảnh có chiều sâu, mang tính ẩn dụ vẫn thể hiện rõ một khuynh hướng sáng tác vì chạy theo thành tích, giải thưởng quốc tế mà quên đi trách nhiệm, lòng tự hào của một công dân Việt- một nghệ sĩ Việt là điều đáng tiếc nhất. Hiện tượng một số phim dự thi nước ngoài không có giấy phép phổ biến phim  hay bản duyệt một đằng, bản thi một kiểu đều là vi phạm Luật Điện ảnh. Cá biệt hơn, một số trường hợp còn đổi quốc tịch phim  để tiếp tục dự thi quốc tế khi phim bị cấm trong nước cho thấy sự thực dụng đáng lo ngại , vì thành tích mà bất chấp tất cả của một số đạo diễn trẻ.

Một vấn đề khác là năng lực quảng bá phim ra nước ngoài của các nhà sản xuất phim tại Việt Nam còn hạn chế, một phần nằm ở kinh phí làm phim còn hạn hẹp. Vì vậy, cần có các biện pháp tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các nhà làm phim Việt Nam tham dự các liên hoan phim quốc tế. Nhà nước cũng cần tăng thêm sự quan tâm, chú trọng đầu tư các hoạt động quảng bá, giới thiệu điện ảnh Việt Nam thường kỳ tại các sự kiện điện ảnh quốc tế như mở gian hàng chính thức của Việt Nam tại liên hoan phim, hội chợ phim… uy tín như một hình thức quảng bá điện ảnh Việt mạnh mẽ.

Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tuy đã có căn cứ để làm việc và phát triển theo quy định của Luật Điện ảnh năm 2022, nhằm hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ, hỗ trợ cho tác giả, dự án sản xuất phim, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài và hỗ trợ các hoạt động khác để phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn những câu hỏi băn khoăn về Quỹ Hỗ trợ điện ảnh như vấn đề nguồn thu, ngân sách, đơn vị nào quản lý, việc quản lý sẽ như thế nào… Nhưng dù vậy, việc có được một nguồn quỹ chung để hỗ trợ phát triển điện ảnh có tính chính danh là điều mà mọi người làm nghề đều mong mỏi và kỳ vọng.

Việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cùng với những hoạt động hợp tác làm phim cũng là một hướng đi cần chú trọng của điện ảnh Việt. Ngoài việc có thêm sức mạnh tài chính, kinh phí làm phim, thì sau những hợp tác trong công việc, bản thân giới điện ảnh Việt Nam cũng học hỏi được rất nhiều, từ kỹ thuật làm phim hiện đại, tiên tiến của nước ngoài, cho đến cách thức làm việc chuyên nghiệp, phối hợp của cả một ê kíp làm phim, hay chiến lược quảng bá, truyền thông phim sao cho thu hút…

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất mà điện ảnh Việt Nam cần phải vượt qua, đó chính là vấn đề đào tạo con người và sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng. Hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có hai trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh ở Hà Nội và TPHCM, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cùng một số khoa đào tạo nghệ thuật ở các trường đại học khác. Giảng viên giảng dạy cũng chủ yếu là mang tính lý thuyết, ít người có những hoạt động điện ảnh trong thực tiễn. Giảng viên nước ngoài thì lại càng hiếm hoi. Dĩ nhiên có những hoạt động tiếp sức như trại sáng tác kịch bản do Hội Điện ảnh tổ chức khá thường xuyên hay những hoạt động đào tạo trong chương trình “Gặp gỡ mùa thu” là dự án cộng đồng được khởi xướng từ năm 2013 nhằm tìm kiếm, hỗ trợ và đào tạo các tài năng điện ảnh trẻ, nhưng cũng đã kết thúc vào năm 2023. Ngoài những ngành đào tạo cơ bản cùng với một số người có điều kiện du học ở nước ngoài, thì khá nhiều nhân sự trong giới điện ảnh còn mang tính nghiệp dư, tự học, tự đào tạo là chính. Những sự thay đổi cơ bản phải bắt đầu từ gốc rễ, trước hết là từ chiến lược đào tạo. Có lẽ cần phải có một chiến lược đào tạo bài bản, thiết thực, toàn diện để giúp cho nền điện ảnh Việt Nam có một nguồn nhân lực phong phú, dồi dào. Từ nguồn nhân lực ấy, mới có thể phát hiện, tìm kiếm và hiển lộ những đạo diễn, quay phim, biên kịch, diễn viên, họa sĩ thiết kế… tài năng, từ đó mới góp phần đưa điện ảnh Việt vươn ra thế giới, hội nhập quốc tế.

Câu chuyện hội nhập quốc tế của điện ảnh Việt Nam là một câu chuyện dài, với những chặng đường từng bước. Trên những chặng đường ấy có những dấu ấn thành công được ghi nhận nhưng cũng còn rất nhiều điều chưa làm được và đây cũng là một trách nhiệm nặng nề của những người tâm huyết với điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới./.

Tác giả: Nhà báo Việt Văn