Ký ức Người Nghệ sĩ tôi yêu: Vẹn nguyên những tháng năm nào

Mỗi chúng ta, trong cuộc đời chắc hẳn sẽ có một hoặc nhiều thần tượng cho riêng mình.
Thần tượng ấy có thể là tài tử điện ảnh, nghệ sĩ, ca sĩ, nhà văn nhà thơ, cũng có thể là người thân trong gia đình mình. Nhiều người cùng mến mộ một thần tượng nào đó, họ có thể liên kết, tập hợp lại với nhau lập nên nhóm, hội mà ta hay gọi là fan hâm mộ. Rồi vì quá mê cuồng thần tượng của mình đôi khi fan của thần tượng này lại có những phát biểu hay cư xử không hay đối với thần tượng của những fan kia.
Tôi không thuộc vào fan nào. Tôi hâm mộ chỉ vì tôi yêu thích. Đơn giản vậy thôi. Thần tượng mà tôi luôn ngưỡng mộ đó chính là cô, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy. Cô được mệnh danh là “Cô đào ngoại hạng” của sân khấu cải lương miền Nam. Cô kết hợp cùng các chú nghệ sĩ Minh Vương, Minh Phụng tạo thành cặp đào kép ăn ý qua nhiều vai diễn vang bóng một thời.
NSND Lệ Thủy (ảnh do tác giả bài viết cung cấp)
NSND Lệ Thủy (ảnh do tác giả bài viết cung cấp)
Không nhớ rõ lắm bắt đầu từ khi nào, chỉ biết là từ khi tôi còn rất nhỏ, lúc chập chững biết nghe cải lương là tôi đã ghiền nghe cô Lê Thủy hát. Cho đến tận bây giờ, giọng hát, gương mặt khả ái cùng với lối diễn xuất tài nghệ của cô Lệ Thủy luôn chiếm trọn sự ngưỡng mộ trong trái tim tôi.
Thôi đại ca đừng nói nữa
Giết người ta, đạ ca không giết
Tôi giết người ta, đại ca cũng không cho
Bao nhiêu đó cũng đủ cho tôi thấy lòng dạ của đại ca đối với người ta như thế nào rồi.
Đại ca ơi nếu chẳng có lòng thương nhau thì xin chớ để khổ để đau cho người con gái chung… tình”.
Đây là một đoạn trích rất nổi tiếng, đoạn nối lối rất có duyên và lối vô vọng cổ rất ngọt ngào cảm xúc của cô nương Chu Chỉ Nhược do cô Lệ Thủy hóa vai trong vở tuồng cải lương “Cô gái Đồ Long” mà tôi đã được nghe đi nghe lại suốt một thời tấm bé. Hồi đó nhà tôi có cái máy hát đĩa cùng với mấy cái đĩa hát, trong đó có vở tuồng này nên nghe qua nghe lại, nghe tới nghe lui riết rồi thuộc nằm lòng, rồi bắt chước hát y chang cô Lệ Thủy.
Không hiểu sao tôi lại mê cô Lệ Thủy đến như vậy. Có thể tôi không kể được hết tên những tuồng cải lương, những bài ca vọng cổ hiện có trong kho tàng Cải lương Việt Nam, nhưng tôi và có lẽ rất nhiều người không thể quên được bất cứ tuồng cải lương hay bài ca cổ nào khi đã được nghe qua cô Lệ Thủy hát. Ngày đó tôi rất thích những bài tân cổ giao duyên như “Nghẹn ngào”, “Anh hãy về đi”,… mà cô hát cùng với “Hoàng đế đĩa nhựa” thập niên 60 – 70 Tấn Tài. Những bài hát này về sau tôi thường hay hát trong các cuộc hội ngộ cùng bè bạn. Bạn tôi khen tôi hát nhấn nhá hay giống Tấn Tài và những đoạn của nữ thì cũng không khác gì cô Lệ Thủy mấy.
Giọng hát cô Lệ Thủy rất đặc biệt, thanh mà không vút, trong mà khan, nhấn nhá rất mùi. Tuy làn hơi cô không dài như Thanh Kim Huệ nhưng giọng của cô lại mê đắm lòng người. Cô có giọng ca trời phú cộng thêm diễn xuất nhập vai nên bài hát hay vở tuồng nào cô diễn qua đều đem lại cảm xúc và ấn tượng khó quên trong lòng khán giả. Từ những bài tân cổ cô Lệ Thủy hát lúc cô còn trẻ như “Em bé đánh giày” không những khiến khán giả nghe hay mà còn thấy cảm thương thân phận của em bé đánh giày ngày ấy. Cho đến những vở tuồng cải lương lấy đi không ít nước mắt của khán giả như: Xin một lần yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Áo cưới trước cổng chùa, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt,…
NSND Lệ Thủy (ảnh do tác giả bài viết cung cấp)
NSND Lệ Thủy (ảnh do tác giả bài viết cung cấp)
Nhớ hồi những năm tám mươi, tám mấy, hiếm lắm mới nghe được những bài tân cổ giao duyên hay những tuồng cải lương đó. Nhà nào khá lắm thì mới có cái máy hát đĩa để nghe. Còn không thì chỉ nghe qua radio thôi. Mà radio thời đó thì chỉ phát những bài sau giải phóng như là: Dòng sông quê em, Từ mùa thu ấy ta đi, Bông điệp Sài Gòn, Cung đàn mới… Sau này một chút thì có máy cassette. Tôi nhớ hồi đó có dịch vụ thu âm băng cassette theo yêu cầu. Những cuộn băng tân cổ giao duyên nào mà tôi đi mướn thu âm cũng chọn toàn là những bài có cô Lệ Thủy hát.
Không hiểu sao tôi cứ đếm hết những bài ca mà cô Lệ Thủy được hát trên sóng radio rồi so sánh với cô Thanh Kim Huệ xem ai có nhiều bài hát hơn. Mặc dù tôi cũng yêu thích giọng ca của cô Thanh Kim Huệ nhưng sao trong thâm tâm tôi hồi ấy vẫn muốn cô Lệ Thủy sẽ được phát nhiều bài hát hơn. Bây giờ tôi kể lại điều này thật là xấu hổ quá! Thành thật xin lỗi cô, nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ, mong linh hồn cô bỏ qua cho!
Còn nhớ năm tôi học lớp 10, khi đó tôi ra ngoài huyện ở nhà người cậu để thuận tiện cho việc đi học. Cũng là năm Đoàn cải lương 284 cho ra mắt vở diễn Tô Ánh Nguyệt mà cô Lệ Thủy xuất sắc thủ vai Nguyệt. Rạp hát ở huyện khi đó chiếu phim màn hình rộng chứ không phải biểu diễn trực tiếp mà suất chiếu nào cũng chật ních khán giả. Ai xem xong chừng bước ra khỏi rạp mắt cũng đỏ hoe. Tôi cũng xin phép cậu cho đi xem chứ thật ra thì cũng đã nghe qua đài phát thanh mấy lần rồi. Vậy mà khi vô rạp ngồi xem đến đoạn cô Lệ Thủy (Nguyệt) được em trai (Nghệ sĩ Thanh Tòng đóng vai) giúp một tay để Nguyệt trốn nhà đi để sinh con, tôi cũng không cầm được lòng. Phần vì tôi đang phải xa nhà nên tự dưng thấy nhớ nhà quá và thương chị gái, thương mẹ mình vô cùng. Vậy rồi tự dưng nước mắt nước mũi ở đâu cứ tràn ra. Rồi đến cái cảnh Nguyệt giao con cho Minh thì tôi khóc sướt mướt. Khi tuồng hát kết thúc, tôi bước ra rạp, kéo sụp chiếc nón kết xuống như sợ ai nhìn thấy bộ dạng yếu đuối của tôi lúc ấy. Có lẽ tên tuổi của cô Lệ Thủy và Tô Ánh Nguyệt sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng.
Hồi những năm 90 còn có phong trào in hình nghệ sĩ trên những tấm thẻ giấy như lá bài rồi bày bán đầy chợ hoặc là để trong những bịch kẹo me, khô bò,… Tụi học trò thường mua để chơi trò chơi đập hình, lật hình hay ném hình. Không chỉ trẻ con, học trò rất thích mua mà người lớn cũng thích. Những ngày đi chợ ngang qua chỗ người ta trải manh mủ ra đất rồi đổ đầy hình nghệ sĩ ra đó bày bán, tôi cũng từng là người sà xuống những chỗ ấy để lựa mua hình. Bất kể như thế nào, hễ hình nào mà có cô Lệ Thủy là tôi đều lựa mua cho bằng được. Hầu hết là những hình được chụp lại từ các tuồng cải lương trong các cuộn băng video thời ấy.
Học trò cũng biết được tôi yêu thích cô Lệ Thủy, nên hễ chúng có tấm hình nào mà có cô Lệ Thủy là chúng để dành cho tôi. Bây giờ thỉnh thoảng ông bạn vong niên của tôi hay hỏi: “Ê, bây giờ H còn sưu tầm hình của Lệ Thủy nữa không?”. Rồi hai thằng cười ngất.
Cô Lệ Thủy bây giờ đã gần 80 tuổi, cô được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012. Tuy đã nhiều tuổi nhưng cô vẫn giữ vóc dáng và giọng ca thiên phú truyền cảm của mình. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp những video trên mạng xã hội quay lại những đoạn cô Lệ Thủy hát, diễn hiện tại bây giờ như chưa hề có dấu ấn thời gian trong đó mà trong lòng dâng lên bao niềm cảm xúc. Vẹn nguyên như tháng năm nào.
Tiền Giang, ngày 20/3/2024
Tác giả dự thi: Nguyễn Thanh Hải 
(Phòng GD&ĐT huyện Cái Bè – Tiền Giang)