Một số giải pháp chủ yếu phát triển Điện ảnh Việt Nam đóng góp vào sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Ngày 10/9/2024, trong khuôn khổ của Giải thưởng Cánh diều năm 2024 diễn ra tại Thành phố Nha Trang, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm – một chặng đường”. Dịp này, nhiều PGS.TS, Nhà Quản lý, các chuyên gia nghiên cứu Lý luận phê bình điện ảnh và các Đạo diễn, những Nhà làm phim đã có những chia sẻ ấn tượng và ý nghĩa.

Hotstar.vn trân trọng giới thiệu lần lượt đến bạn đọc những bài tham luận giá trị. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi.

Bài tham luận:

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

ĐÓNG GÓP VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

Tác giả: TS.NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh)

ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM THỐNG NHẤT

  1. Giai đoạn từ 1975 đến trước 1990

Chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dân cả nước vui mừng bước vào một thời kỳ mới hòa bình; xây dựng đất nước hoàn toàn độc lập, tự do; nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Một năm sau ngày thống nhất đất nước, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã đề ra những phương hướng chiến lược và những nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, văn nghệ.

Đất nước thống nhất tạo nên một vận hội lớn trong sự phát triển của Điện ảnh Việt Nam. Hiện thực lớn lao của toàn dân tộc trong suốt 30 năm đấu tranh kiên cường bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, thống nhất non sông cùng những ước nguyện cao đẹp khi đứng trước một kỷ nguyên mới của hòa bình đã làm nên những cảm xúc sáng tạo lớn lao của những người làm điện ảnh.

Trong điều kiện thống nhất hòa bình, ngành điện ảnh cũng xây dựng một thiết chế thống nhất với hệ thống quản lý xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, từ sản xuất đến phổ biến phim. Toàn ngành đã hoạt động trong một một môi trường hòa hợp và cùng thi đua phát triển.

Giai đoạn 1975-1980 toàn ngành đã sản xuất được 71 bộ phim truyện (so với 48 phim của giai đoạn 1965-1975), 520 phim tài liệu (so với 217 phim giai đoạn 1965-1975). Tính đến năm 1988, trong vòng 13 năm (1975-1988), điện ảnh Việt nam đã sản xuất được 220 bộ phim truyện, 650 phim tài liệu và hơn 100 phim hoạt hình.

Tính riêng phim truyện, số lượng sản xuất phim trong cả nước tăng nhanh. Năm 1975 cả nước sản xuất được 4 bộ phim truyện, đến năm 1976 đã sản xuất được 7 bộ phim truyện; chỉ một năm sau, 1977 đã sản xuất được 12 bộ. Số lượng phim truyện sản xuất tăng dần từng năm: 1978 được 14 phim, 1980 được 16 phim, 1981 được 18 phim, 1986 được 22 phim, và đến năm 1988, năm cuối của giai đoạn này, cả nước đã sản xuất được 25 bộ phim truyện.

Tổng số phim truyện trong cả giai đoạn 1975-1988 đã tăng với mức độ đột biến so với các giai đoạn trước. Phim truyện của Điện ảnh Cách mạng giai đoạn 1959-1965 sản xuất được 18 bộ phim, giai đoạn 1965-1975 sản xuất được 48 bộ, nhưng Điện ảnh Việt Nam thống nhất chỉ trong giai đoạn 1975-1988 đã sản xuất được 220 bộ phim truyện. Toàn bộ sản lượng phim mọi thể loại đều được sản xuất bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Hệ thống phổ biến phim cũng được kiện toàn và mở rộng. Theo số liệu thống kê năm 1985, toàn quốc có 1394 đội chiếu bóng lưu động(trung bình mỗi huyện có từ 2 đội trở lên). Thủ đô Hà Nội có 8 rạp và nhiều nhà văn hóa, câu lạc bộ nghệ thuật chiếu phim. Thành phố Hồ Chí Minh có đến hơn 60 rạp cùng nhiều địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các thành phố và thị xã khác đều có từ 2 đến 3 rạp chiếu phim trở lên; tổng số rạp chiếu phim cả nước là 337 rạp.

Năm 1964, trên toàn miền Bắc có hơn 35 triệu lượt người xem phim, nhưng đến năm 1985, số khán giả xem phim của cả nước là 350 triệu lượt người. Nhờ đó mà sự hiện diện của các tác phẩm điện ảnh trong đời sống tinh thần của nhân dân được phổ cập rộng rãi.

Theo các dữ liệu từ Cục Điện ảnh, từ năm 1975 đến cuối những năm 80 (thế kỷ XX), cho thấy đây là thời kỳ phát triển rực rỡ về nhiều phương diện của Điện ảnh Việt Nam. Đây là thời kỳ ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh cùng tên tuổi những nhà làm phim mà cho đến ngày nay vẫn giữ những vị trí xứng đáng hàng đầu, tiêu biểu trong lịch sử Điện ảnh Việt Nam.

“Những nhà làm công tác điện ảnh trong thời gian này không những tiếp tục khẳng định vai trò nghệ sỹ, chiến sỹ trong việc thể hiện mảng đề tài chiến tranh mà còn là người góp phần dự báo, góp phần thử nghiệm bằng tác phẩm trong sự đổi thay chung hết sức lớn lao của đất nước mà tinh thần và nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ IV (tháng 12-1986) đã đề ra. Về nội dung tư tưởng, họ không tránh né bất kỳ đề tài nào, hơn thế, họ còn dũng cảm đi vào chiều sâu của các vấn đề xã hội, khám phá một cách triệt để đời sống hiện thực, các số phận nhân vật, khái quát nên những hình tượng nghệ thuật làm lay động thần kinh xã hội; Về nghệ thuật, cũng có những bứt phá về phong cách, tạo nên các dấu ấn cá nhân hướng vào chiều sâu nhân bản, hướng tới sự cách tân mà vẫn đằm thắm bản sắc”(trang 12, Lịch sử Điện ảnh Việt Nam, tập 2, 2006).

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VIII tổ chức tại Đà Nẵng (1988). Đây là một Liên hoan phim đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ làm phim, cho thấy sức mạnh tác động lớn lao đến công chúng của nghệ thuật điện ảnh, thể hiện xứng đáng tầm vóc của một Liên hoan phim quốc gia từ số lượng phim tham dự bao gồm 32 phim truyện nhựa, 16 phim tài liệu thời sựu, hơn 80 phim tài liệu khoa học và 18 phim hoạt hình dự thi; cho đến nhiều gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu, nhiều phong cách nghệ thuật được thể hiện trên một bình diện tác phẩm phong phú, đồ sộ, có thể nói chưa từng có từ trước cho tới bấy giờ.

  1. Giai đoạn từ 1990 đến 1995

Cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 ngành điện ảnh chịu tác động sâu sắc bởi quy luật cơ chế thị trường, thị trường điện ảnh mà chưa từng trải qua, chưa có tiền lệ. Số đầu phim được sản xuất bằng kinh phí nhà nước chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tình hình các hoạt động điện ảnh sa sút rõ rết trong các hoạt động sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim.

Trước tình hình đó, Nghị định 48/CP ngày 17/7/1995 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngành điện ảnh đã được ban hành. Ngày ở Điều 1 của chính sách rất quan trọng này đã xác định: “Điện ảnh là loại hình tổng hợp gắn liền với phương thức sản xuất công nghiệp. Hoạt động điện ảnh nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng, tình cảm, nâng cao dân trí và trình độ thẩm mĩ, góp phần đáp ứng nhu cầu chính đáng hoạt độnh văn hóa tinh thần của nhân dân. Hoạt động điện ảnh gồm các lĩnh vực chủ yếu: Sản xuất phim, phát hành phim và chiếu bóng, xuất nhập khẩu phim. Hoạt động điện ảnh không mang tính chất kinh doanh đơn thuần, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trên là doanh nghiệp hoạt động công ích”.

Một thời gian sau khi có Nghị định 48/CP thì Chương trình củng cố và phát triển điện ảnh dân tộc cũng được ban hành và nhanh chóng được triển khai trong các hoạt động điện ảnh.

Nghị định 48/CP của Chính phủ  Chương trình củng cố và phát triển điện ảnh dân tộc của Nhà nước đã thực sự giúp ngành điện ảnh tạo được một sinh khí mới. Các đơn vị sản xuất lấy lại được không khí sáng tạo, lao động nghệ thuật chỉn chu, chuyên nghiệp. Hoạt động phát hành và phổ biến phim bắt đầu có những chuyển biến tích cực, phim Việt Nam đã xác định vị thế ở các rạp chiếu phim đô thị và vươn tới vùng nông thôn, vung cao, vùng sâu, vùng xa. Điện ảnh đã theo chân các đội chiếu bóng lưu động của các tỉnh thành, của các lực lượng vũ trangđến mọi vùng miền của đất nước, đem đến cho khán giả, mà đa sô là bà con nông dân một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng bổ ích. Hơn thế, điện ảnh còn góp phần tích cực trong việc phổ biến các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, khi các đơn vị chiếu phim phối hợp với cấp ủy và chính quyền địa phương tuyên truyền các chính sách trong các buổi chiếu phim.

  1. Giai đoạn 1995 đến 2004, trước khi Luật Điện ảnh 2006 được ban hành

Từ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XI (1996) tại Hà Nội đến Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XIV (2004) tại Buôn Ma Thuột tỉnh Đắc Lắk, cả nước đã sản xuất được gần 30 bộ phim truyện nhựa, hơn 100 phim tài liệu, khoa học (cả phim nhựa và video), hơn 70 phim hoạt hình. Toàn bộ số phim tài liệu, khoa học và hoạt hình đều được sản xuất bằng nguồn vốn của Nhà nước, tương tự như vậy, gần như hầu hết các phim truyện nhựa và phim truyện video (được phát hành trong mạng lưới chiếu bóng) cũng đều được sản xuất bằng kinh phí của Nhà nước. Đến năm 2003 mới có một số phim truyện nhựa và phim truyện video được sản xuất bằng vốn của các hãng phim tư nhân.

Nhà nước cũng rất chú trọng tới việc xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật cho các đơn vị sản xuất phim, các rạp chiếu phim. Theo số liệu sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 48/CP của Chính phủ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh thì khu vực kỹ thuật đã được đầu tư hơn 180 tỉ đồng, bao gồm việc xây dựng cho 10 rạp chiếu phim lớn trong cả nước, trong đó có Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tại Hà Nội, đây là một địa điểm sinh hoạt văn hóa điện ảnh rất có hiệu quả cả về giá trị văn hóa tinh thần lẫn kinh doanh các sản phẩm điện ảnh.

  1. Luật Điện ảnh năm 2006 đi vào đời sống

Bước sang đầu thế kỷ XXI, đất nước tiếp tục vững bước trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế. Công cuộc Đổi mới vẫn diễn ra hết sức sôi động, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đều thu được những kết quả ngoạn mục. Trong bối cảnh đó, ngành điện ảnh đã thể chế hóa một số chính sách mới để bắt kịp tình hình phát triển chung. Điện ảnh nội địa luôn được khán giả háo hức đón nhận. Điều này được thể hiện khá rõ tại các kỳ Liên hoan Phim quốc gia, các tuần phim, đợt phim chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước; đồng thời cũng được thể hiện ở các tác phẩm điện ảnh có nhiều tìm tòi, sáng tạo về nghệ thuật, đáp ứng được nhu cầu giải trí ngày càng đa dạng của đông đảo khán giả.

Ngày 29/6/2006, Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 được Quốc hội Khóa XI thông qua, ngày 18/6/2009 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 được Quốc hội Khóa XII thông qua (sau đây gọi là Luật Điện ảnh) Luật Điện ảnh là bộ luật đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật được ban hành, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp điện ảnh dân tộc, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hội nhập của điện ảnh nước nhà.

Sau khi Luật Điện ảnh được ban hành và có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành hệ thống các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh.

Về cơ bản, hệ thống văn bản pháp quy quản lý hoạt động điện ảnh đã được ban hành kịp thời, góp phần quan trọng đưa Luật Điện ảnh vào thực tiễn cuộc sống. Trong quá trình thi hành Luật, một số nội dung hướng dẫn thi hành tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, qua đó góp phần thực thi Luật Điện ảnh một cách hiệu quả và đầy đủ hơn. Nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh đã phù hợp với các cam kết quốc tế và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, phù hợp với thực tiễn của hoạt động điện ảnh; hệ thống văn bản pháp quy đã tương đối hoàn chỉnh đảm bảo công tác quản lý và điều chỉnh được hầu hết các hoạt động điện ảnh, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển sự nghiệp điện ảnh dân tộc.

  1. Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Việc tổng kết 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (2013-2020) được triển khai trên quy mô toàn quốc. Triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung thực hiện các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển điện ảnh, cụ thể:

Thực hiện chính sách đặt hàng, tài trợ của nhà nước cho việc sản xuất phim truyện về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình với chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật cao, mang đậm bản sắc dân tộc. Trong thời gian qua, phim Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận về nội dung và chất lượng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị thường điện ảnh, đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Số lượng phim truyện chiếu rạp của Việt Nam từ năm 2014 đến nay (2014-2020) đã đạt và vượt chỉ tiêu là 36-40 phim truyện chiếu rạp/năm. Số lượng phim hoạt hình, phim tài liệu, phim khoa học do Nhà nước đặt hàng sản xuất cũng vượt chỉ tiêu 2-3 phim/tháng.

Quản lý hoạt động điện ảnh trong phát hành và phổ biến phim: Hệ thống rạp chiếu phim phát triển mạnh, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 1.207 phòng chiếu phim với 171.552 ghế, doanh thu chiếu phim đến cuối năm 2019 ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng, doanh thu cuối năm 2020 ước đạt 1.700 tỷ đồng (do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Hiện nay, trong tổng số các phòng chiếu, số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm gần 20%, thành phần tư nhân chiếm trên 80%. Đạt chỉ tiêu 30% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp, bình quân xem phim đạt 0,47/người/năm tại rạp (lượt người). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo soạn thảo và ban hành tiêu chí phân loại, thẩm định phim phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế, triển khai đồng thời với việc cấp phép phổ biến phim nhằm bảo đảm định hướng phát triển điện ảnh;

Về việc đầu tư hỗ trợ chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tính đến tháng 12/2019 cả nước có 228 đội chiếu phim lưu động, đã phục vụ được khoảng 42.514 buổi chiếu với khoảng 8.705.953 lượt xem. Mặc dù hoạt động của các Đội chiếu phim còn gặp  nhiều khó khăn do trang thiết bị kỹ thuật máy chiếu lạc hậu (máy chiếu phim 35mm và video), phương tiện vận chuyển thiếu và cũ (mới chỉ có khoảng 30% số Đội chiếu phim lưu động được trang bị xe ô tô chiếu phim lưu động), kinh phí cấp cho từng buổi chiếu phim còn thấp, biên chế hạn hẹp và ít được đào tạo, thiếu nguồn phim, nhiều Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng của địa phương bị sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa của các tỉnh thành nhưng mạng lưới Đội chiếu phim lưu động vẫn hoạt động hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền trong cả nước kết hợp với các cơ quan truyền thông của 11 địa phương tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ biến và hướng dẫn nhân dân làm kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần bảo vệ an ninh chính trị và giữ vững chủ quyền quốc gia.

  1. Luật Điện ảnh năm 2022

Sau 16 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực hiệu quả cho sự phát triển Điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009 đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được thay thế nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa và hội nhập quốc tế trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư.

Giai đoạn 2016  2022 là thời điểm Điện ảnh Việt Nam có nhiều những thay đổi sâu sắc. Trong nước là sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim tại Việt Nam; cùng với đó là sự xuống cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng của các rạp chiếu phim và hãng phim nhà nước bởi sự gia tăng của các doanh nghiệp sản xuất phim tư nhân với phần lớn phim được sản xuất thường chú trọng yếu tố thương mại và giải trí. Thêm vào đó là khó khăn trong việc tài trợ, đặt hàng sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị – những bộ phim đã từng là gương mặt đại diện của điện ảnh Việt Nam với nhiều thành tựu đạt được sự ghi nhận của nhiều thế hệ công chúng.

Quá trình hội nhập quốc tế về điện ảnh thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Hệ thống rạp với cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Số lượng phim nước ngoài phổ biến chiếu tại rạp Việt Nam cũng tăng mạnh, chiếm hơn 70%. Xu hướng sản xuất phim remake – làm lại từ các phim nổi tiếng nước ngoài phát triển khá mạnh và bước đầu thành công về doanh thu.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt sự phát triển của Internet và các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Instagram, Twitter… đã làm tăng khả năng tiếp cận của nhiều tầng lớp khán giả, hội nhập sâu rộng hơn vào đời sống điện ảnh chung của thế giới.

Luật Điện ảnh năm 2022 với những điểm mới cơ bản về khái niệm (Điều 3), về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5), về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh (Điều 9), về sản xuất phim (Chương II), về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam (Điều 41), về phát hành phim (Chương III), về phổ biến phim (Chương IV, Điều 21, 22, 27, 31, 32), về lưu chiểu, lưu trữ phim (Chương V), về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam (Điều 38), về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Điều 44, 45).

Luật Điện ảnh năm 2022 đã kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều và quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009, đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Luật Điện ảnh năm 2022 có nhiều điểm mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Về khái niệm, Luật đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung các khái niệm, thuật ngữ quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 và bổ sung các thuật ngữ: “Công nghiệp điện ảnh”, “Phân loại phim”, “Phim Việt Nam”, “Trường quay”, “Địa điểm chiếu phim công cộng”. Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung khái niệm “Phim” đóng vai trò quan trọng, qua đó xác định rõ những loại sản phẩm nào trong lĩnh vực nghe nhìn được Luật Điện ảnh điều chỉnh.

Như vậy, từ năm 1975 đến năm 2022, Điện ảnh Việt Nam thống nhất đã trải qua từng giai đoạn phát triển với nhiều sự lột xác, tự làm mới mình để khẳng định những nỗ lực không ngừng, sáng tạo không ngừng của tất cả những nhà hoạt động điện ảnh, cơ quan quản lý nhà nước, với sự hỗ trợ bằng những chính sách kịp thời của Nhà nước, với nền tảng vững chắc là cội nguồn văn hóa dân tộc, tính nhân văn của con người và đất nước Việt Nam.

Là một nền nghệ thuật cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, điện ảnh Việt Nam luôn lấy tiêu chí giáo dục tư tưởng tình cảm cho nhân dân bằng chất lượng nghệ thuật cao làm mục đích phấn đấu. Khái quát lại gần nửa thế kỷ mà điện ảnh dân tộc đã trải qua từ năm 1975 đến nay để làm rõ dấu ấn thời gian, dấu ấn hiện thực xã hội được phản ánh chân thực qua mỗi loại hình phim, qua từng tác giả, tác phẩm điện ảnh tiêu biểu đã được sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước và trong tình cảm yêu thương, trân trọng của nhiều thế hệ khán giả.

Luật Điện ảnh năm 2022 đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện hết sức thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những giải pháp cùng các nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy Điện ảnh Việt Nam có những bước phát triển mới trong giai đoạn tới.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

  1. Về cơ chế chính sách

– Hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ với Luật Điện ảnh năm 2022 để điều chỉnh phù hợp các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh và các hoạt động liên quan, đặc biết đối với hình thức phổ biến phim trên không gian mạng đang gia tăng mạnh mẽ cả về số lượng và các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

– Nghiên cứu đề xuất thay đổi về các cơ chế trong hợp tác đầu tư sản xuất phim. Tăng cường công tác bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm điện ảnh, đề phòng và ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, thực hiện cam kết quốc tế về bản quyền.

– Xây dựng các cơ chế pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường điện ảnh. Thông qua việc nâng cao năng lực tài chính, các doanh nghiệp điện ảnh sẽ tạo ra nhiều tác phẩm điện ảnh có chất lượng về nội dung và hình thức, đồng thời đưa nền điện ảnh trở thành một sản phẩm giải trí mang tầm quốc tế để hình thành và phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm điện ảnh.

– Đề xuất và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng những chính sách ưu đãi về các loại thuế cho đầu ra của phim; cơ chế ưu đãi khi nhà nước mua bản quyền những bộ phim chất lượng về nội dung và nghệ thuật để khuyến khích các nhà sản xuất phim tiếp tục làm ra những bộ phim tốt hơn.

– Xây dựng những chính sách nhằm thu hút các đạo diễn, biên kịch, quay phim có trình độ cao trong nước và nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam.

  1. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

– Nghiên cứu công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư chương trình đào tạo chuyên sâu, đặc thù cho ngành điện ảnh thông qua chính sách học bổng đào tạo đội ngũ các nhà làm phim chuyên nghiệp: biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, hóa trang, phục trang, kỹ xảo, công nghệ, lý luận phê bình, sản xuất phim, phát hành phim, quản lý điện ảnh được đào tạo chuyên sâu, có trình độ và năng lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của công nghiệp điện ảnh trong thời kỳ mới.

– Xây dựng kế hoạch đào tạo cấp bách đội ngũ các nhà quản lý điện ảnh, có đủ trình độ và năng lực phát triển điện ảnh Việt Nam mang tính dân tộc, hiện đại, nhân văn; vừa là ngành nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế.

– Tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ, phim đầu tay, công chúng yêu điện ảnh tổ chức các hoạt động chuyên đề thường xuyên, chia sẻ các thông tin, cập nhật các xu hướng điện ảnh mới, giao lưu trình chiếu các bộ phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, tài liệu, khoa học, môi trường…

  1. Về cơ sở vật chất và dịch vụ

– Tiếp tục phát huy thế mạnh kết hợp về cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ chiếu phim như hiện nay. Đặc biệt là các cụm rạp chiếu phim kết hợp trung tâm thương mại, giải trí. Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực của ngành điện ảnh để sản xuất, phổ biến nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí.

– Xây dựng trường quay quốc gia có bối cảnh nội, bối cảnh ngoại, bối cảnh dưới nước với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phục vụ khâu kỹ thuật tiền kỳ, hậu kỳ trong sản xuất phim theo công nghệ hiện đại. Huy động vốn đầu tư theo cơ chế xã hội hóa, trong đó Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và một số hạng mục ban đầu.

– Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng Trung tâm chiếu phim tại miền Trung, miền Nam và hệ thống phát hành, phổ biến phim ở các tỉnh, thành phố hiện đại để kinh doanh, đồng thời kết hợp bảo đảm yêu cầu tổ chức Liên hoan phim quốc gia và Liên hoan phim quốc tế và các sự kiện điện ảnh trong nước và quốc tế khác.

– Đẩy mạnh công tác số hóa kho phim nhựa do Việt Nam sản xuất (từ năm 1945 đến nay) và đồng bộ hệ thống công nghệ lưu trữ quốc gia kỹ thuật số để phổ biến và khai thác trên các nền tảng số của quốc gia và ngành điện ảnh.

– Đầu tư xây dựng và nâng cấp Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu cung cấp các hoạt động dịch vụ kỹ thuật trong sản xuất phim theo công nghệ hiện đại.

– Điện ảnh Việt Nam cần phát huy vai trò công nghiệp sáng tạo, việc phát triển các dịch vụ đi kèm của bộ phim đều góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển của công nghiệp điện ảnh. Những sản phẩm được quảng bá theo tác phẩm điện ảnh như: bối cảnh, bất động sản, thời trang; mỹ phẩm, hàng hóa tiêu dùng, sản phẩm âm nhạc … cũng cần có chính sách hỗ trợ phát triển.

  1. Về thị trường điện ảnh và sản phẩm

Tập trung nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành và phát triển hoạt động xuất khẩu tác phẩm điện ảnh mang bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần quảng bá thương hiệu Điện ảnhViệt Nam trên trường quốc tế, phát huy vai trò của điện ảnh là một trong những sản phẩm nghệ thuật trong xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh văn hóa quốc gia, khai thác bộ phim cùng các giá trị liên quan như một công cụ hữu hiệu để thực hiện các chiến dịch quảng bá văn hóa cũng như sản phẩm tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

  1. Về quảng bá và hợp tác quốc tế

– Đầu tư các dự án sản xuất phim mang bản sắc văn hóa Việt Nam, lịch sử dân tộc kết hợp giới thiệu du lịch tại các địa phương.

– Hợp tác quốc tế: tranh thủ nguồn vốn, kỹ thuật và công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tiếp cận thị trường khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế ở lĩnh vực điện ảnh. Bên cạnh đó, tăng cường tần suất giới thiệu các loại hình phim Việt trên các kênh chiếu phim (truyền hình, không gian mạng, các ứng dụng xem phim trực tuyến) và hỗ trợ, định hướng đầu tư sản xuất, để giới thiệu sản phẩm điện ảnh Việt Nam ra thị trường quốc tế.

– Chú trọng việc xây dựng tác phẩm điện ảnh để đối ngoại. Tổ chức những sự kiện điện ảnh: Yêu cầu phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, không trùng lắp với những sự kiện đã có, đặc biệt chú trọng khai thác nguồn lực xã hội hóa… Xây dựng Đề án cho những Liên hoan phim mang dấu ấn riêng của đất nước: Liên hoan phim ngắn, phim đề tài thiếu nhi, đề tài môi trường; … theo định kỳ. Tổ chức các cuộc thi kịch bản, sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, thi tài năng trẻ. Thi tuyển diễn viên, Dạ hội Điện ảnh… Trong thời gian tới cần mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các nước khu vực và quốc tế để khuyến khích xuất khẩu sản phẩm điện ảnh, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Phát triển công nghiệp điện ảnh có sự kết hợp giữa tính dân tộc và hội nhập quốc tế.

– Chợ phim: mở rộng, giao lưu, hợp tác sản xuất và cung cấp dịch vụ làm phim với nước ngoài nhằm nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức, quảng bá tác phẩm, phổ biến văn hóa nghệ thuật đất nước ra khu vực và quốc tế, tổ chức giới thiệu, mua bán phim, các thiết bị vật chất kỹ thuật của ngành điện ảnh; mở đường cho việc xuất khẩu phim bằng con đường thương mại, phù hợp với chủ trương biến những sản phẩm điện ảnh thành sản phẩm hàng hóa bán ra nước ngoài.

  1. Vị trí, vai trò của Hội Điện ảnh Việt Nam

Hội Điện ảnh Việt Nam là một tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp của các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh của Việt Nam. Hội Điện ảnh Việt Nam tập hợp, đoàn kết, xây dựng đội ngũ hội viên, người làm phim điện ảnh và truyền hình với bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu tiềm năng sáng tạo. Hội Điện ảnh Việt Nam chăm lo hội viên của Trung ương Hội và các chi hội cơ sở, các hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp như đầu tư sáng tác kịch bản, tổ chức các trại sáng tác kịch bản, các chuyến đi thực tế cho các nhà biên kịch, các khóa bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ do chuyên gia nước ngoài thỉnh giảng và đặc biệt là các lớp tập huấn làm phim tài liệu, phóng sự truyền hình kết hợp lý thuyết và thực hành làm phim do các nhà làm phim tài liệu giàu kinh nghiệm hướng dẫn. Hội tổ chức hoạt động tổng kết nghệ thuật hàng năm và tổ chức trao giải Cánh Diều Vàng, giải thưởng uy tín, lâu năm trong lĩnh vực điện ảnh tại Việt Nam với giá trị chuyên môn cao, luôn được những người làm nghề và công chúng trân trọng.

KẾT LUẬN

Điện ảnh Việt Nạm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp phát triển ngành đã được đề ra, trong đó, phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Từng bước phấn đấu xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.

Cụ thể hoá Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15/6/2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023) đi vào thực tiễn.

Tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý toàn diện cho hoạt động điện ảnh trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập tế quốc tế. Triển khai đồng bộ về xây dựng cơ chế chính sách để phát triển công nghiệp điện ảnh dân tộc, nhân văn, hiện đại, thị trường điện Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật vừa là ngành kinh tế.

Củng cố và đầu tư cho hệ thống phát hành, phổ biến phim cho các doanh nghiệp, đơn vị của Việt Nam. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và phát triển các cụm rạp, phòng chiếu phim chất lượng cao phục vụ nhu cầu xã hội. Tăng tỷ lệ phim Việt Nam chiếu tại hệ thống rạp và trên sóng truyền hình cả nước.

Có chính sách ưu đãi và cơ chế đặc thù cho các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư và mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam; nâng cao số lượng, hiệu quả, chất lượng hoạt động sản xuất phim, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.

Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động điện ảnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cho ngành điện ảnh phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức các sự kiện điện ảnh và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến hoạt động điện ảnh, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam; xây dựng các chương trình hành động như: Xây dựng thành phố Điện ảnh; Việt Nam – điểm đến của nhà sản xuất phim quốc tế…

Liên kết hợp tác với các hãng phim trong nước và quốc tế sản xuất các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh giới thiệu về vùng đất con người Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất phim  khai thác tiềm năng bối cảnh về di tích lịch sử – văn hoá, cảnh quan thiên nhiên Việt Nam.

Chủ động khai thác những bộ phim có chất lượng, phong phú về thể loại nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, đặc biệt chú trọng phục vụ đồng bào vùng miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại.

Với những nhiệm vụ và giải pháp phát triển lĩnh vực điện ảnh, cùng các cơ chế, chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, phát hành, phổ biến phim như đã được trình bày ở trên, ngành điện ảnh vẫn luôn mong muốn được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, bố trí tăng nguồn ngân sách cho các hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim nhà nước đặt hàng phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là kinh phí để cải tạo, nâng cấp rạp/cụm rạp chiếu phim thuộc các Trung tâm Phát hành và Chiếu bóng tại các tỉnh, thành. Cấp ngân sách xây dựng hệ thống số hóa kho phim nhựa do Việt Nam sản xuất (từ năm 1945 đến nay) và đồng bộ hệ thống công nghệ lưu trữ quốc gia kỹ thuật số để phổ biến và khai thác rộng rãi tới công chúng trong nước và nước ngoài trên các nền tảng truyền thông, đặc biệt là nền tảng xem phim trực tuyến, thực hiện hiệu quả mục tiêu ”Người Việt xem phim Việt”, lan tỏa tinh thần ”Người Việt yêu phim Việt.

(Nguồn tài liệu tham khảo: Cục Điện ảnh)

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.