Một vài suy nghĩ về phim Tài liệu, phim Khoa học

Ngày 10/9/2024, trong khuôn khổ của Giải thưởng Cánh diều năm 2024 diễn ra tại Thành phố Nha Trang, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm – một chặng đường”. Dịp này, nhiều PGS.TS, Nhà Quản lý, các chuyên gia nghiên cứu Lý luận phê bình điện ảnh và các Đạo diễn, những Nhà làm phim đã có những chia sẻ ấn tượng và ý nghĩa.

Hotstar.vn trân trọng giới thiệu lần lượt đến bạn đọc những bài tham luận giá trị. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi.

Bài tham luận:

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ PHIM TÀI LIỆU, PHIM KHOA HỌC

GS.TS Trần Thanh Hiệp

Tôi nhận được lời mời của Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam viết tham luận theo đề tài: 50 năm phim tài liệu , phim khoa học Việt Nam từ khi đất nước thống nhất – thành tựu , tồn tại và giải pháp phát triển trong giai đoạn mới.

Trước hết xin cảm ơn lãnh đạo Hội đã tin cậy phân công tôi viết tham luận đề tài này. Tôi nghĩ đây là đề tài , là vấn đề cần, hay ,quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển phim tài liệu, phim khoa học của chúng ta.

Nghiên cứu cả một chặng đường dài 50 năm phát triển của phim tài liệu , phim khoa học chắc chắn đòi hỏi sự góp sức không chỉ của các nhà nghiên cứu điện ảnh, các nhà quản lý điện ảnh mà còn đặc biệt đòi hỏi sự chung tay góp sức của  các nhà làm phim từ Hãng phim Tài liệu Khoa học trung ương, Điện ảnh Quân đội, Hãng phim Giải phóng, Trung tâm sản xuất phim tài liệu và khoa học, Ban khoa giáo Đài truyền hình trung ương, các cơ sở làm phim của thành phố Hồ Chí Minh, của thành phố Hà Nội và các tỉnh, các Bộ , ngành, các nhà làm phim độc lập… Nói điều trên để thấy tầm vóc, sự phong phú, nhiều khía cạnh của một vấn đề mà chúng ta đang đặt ra tại Hội thảo.

Một nhà văn rất nổi tiếng viết về chiến tranh có chia sẻ thế này: Không ai có thể biết hết về chiến tranh, chỉ có nhân dân mới biết hết về chiến tranh. Ở đây tôi chỉ xin chia sẻ góc nhìn của mình, vài suy nghĩ của mình.

Câu hỏi đầu tiên: Phim tài liệu , phim khoa học Việt Nam 50 năm qua  có gắn với thời cuộc không?

Câu hỏi có vẻ thừa bởi vì nó chính là cái lý tồn tại của phim tài liệu , phim khoa học Việt Nam trên các chặng đường phát triển trong cấu trúc văn hóa của Việt Nam. Nhưng đấy là câu hỏi không thể không đặt ra bởi nó xác định những giá trị đầu tiên của phim tài liệu, phim khoa học.

Để hiểu nhưng nét cơ bản các giai đoạn  lịch sử đất nước, để hiểu con người Việt Nam 50 năm qua  ta có thể xem qua các bộ phim tài liệu và phim khoa học. Niềm vui thống nhất đất nước, những năm tháng hàn gắn vết thương chiến  tranh, chiến tranh biên giới Tây Nam , chiến tranh biên giới phía Bắc , những năm tháng Việt Nam kiên cường vượt qua khủng hoảng kinh tế xã hội, số phận con người , riêng và chung sau chiến tranh , những tìm tòi đổi mới, những năm tháng nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường , thế hệ trẻ và intenet , thế trận an ninh , quốc phòng , vấn đề bảo vệ môi trường vấn đề sinh thái, vấn đề bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, vấn đề giữ gìn truyền thống lịch sử anh hùng của dân tộc, vấn đề bảo vệ biên giới hải đảo , cuộc chiến chống dịch covis , những khám phá mới về núi rừng , động vật , thực vật , về các hang động kỳ thú , biển cả , những khám phá về con người , về di sản văn hóa , về đời sống tâm linh , về bảo vệ sức khỏe, vấn đề chuyển đổi số…

Có thể thấy cuộc  sống  và những vấn đề của cuộc sống đầy ắp trong phim tài liệu và khoa học. Trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh  truyền hình Phim tài liệu , phim khoa học giữ vai trò xung kích khi khai thác , diễn tả các đề tài trên .Từ đây có thể thấy rằng ở góc độ đề tài, các nhà làm phim của chúng ta đã đồng hành cùng dân tộc, không đứng ngoài buồn vui , lo toan , niềm tự hào , sự  hiểm nguy của dân tộc , khẳng định, ca ngợi vẻ đẹp của đất nước con người Việt Nam , văn hóa Việt Nam. Phẩm chất nghệ sĩ chiến sĩ , nghệ sĩ công dân có sự tiếp nối ở những người làm phim trẻ. Phim tài liệu , phim khoa học những năm qua tiếp nối được truyền thống của phim tài liệu khoa học trong những năm tháng chiến tranh.

Câu hỏi thứ 2 :  Sau 30 tháng tư năm 1975 khi đất nước, con người có sự thay đổi,   cách làm phim  tài liệu và phim khoa học  đã thay đổi như thế nào?

Tôi nghĩ đây là câu hỏi quan trọng nhất giúp chúng ta xác định bước tiến ( hay bước lùi ) sự phát triển , sự cách tân ( hay tụt hậu ,trì trệ ) của phim tài liệu, phim khoa học .

Phim tài liệu , phim khoa học trong khoảng thời gian 50 năm  kể từ 30 tháng tư năm 1975 đến nay trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau. Giai đoạn trước đổi mới và sau đổi mới.

Từ thời điểm thống nhất đất nước đến đổi mới 1986 về cơ bản phim tài liệu  vẫn được  làm theo quan điểm thẩm mỹ truyền thống , quan điểm đã làm nên thành công  của những bộ phim thời chiến tranh. Theo thống kê tính đến năm  1981 điện ảnh cách mạng tham gia các  LHP quốc tế  được 88 giải thì có 57 giải của phim tài liệu ,trong 18 giải vàng nhận được thì có 15 giải của phim tài liệu. (xem Điện ảnh Cách mạng Việt Nam sơ thảo trang 101 )

Chỉ vài ngày sau khi ta giải phóng Sài Gòn Pol Pot đã cho quân gây hấn, rồi phát động chiến tranh ở biên giới Tây Nam. Thời điểm đó nói ta sống trong hòa bình cũng đúng, nói sống trong điều kiện vừa có hòa bình vừa có chiến tranh chắc không sai. Cho nên các phim tài liệu sau chiến tranh làm theo cách truyền thống  là điều dễ hiểu, đấy là chưa kể đời sống thời kỳ hậu chiến , phương tiện làm phim thời kỳ hậu chiến vô cùng khó khăn.

Bước vào thời kỳ đổi mới ,cuộc sống hòa binh, điều kiện kinh tế xã văn hóa  phát triển , sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và phương tiện làm phim , xu thế hội nhập, sự mở rộng giao lưu văn hóa , đề tài làm phim được mở rộng  vừa là điều kiện thuận lợi , vừa là thách thức  đối với người làm phim . Nhu cầu tinh thần của người xem trở nên phong phú hơn. Người xem được tiếp xúc với nhiều sản phẩm văn hóa , các loại hình nghệ thuật khác nhau trong đó có phim của nước ngoài . Có thể nói người xem có sự thay đổi về thị hiếu.Trình độ thưởng thức nghệ thuật được nâng cao hơn. Sự biến đổi của người xem là sự thách thức nhưng đó cũng là cú huých cho sự phát triển.

Những năm đầu sau chiến tranh, trước thực tế phim tài liệu mất đi sự hấp dẫn, người xem không còn mặn mà với những phim “biết rồi khổ lắm nói mãi”, không chỉ các nhà điện ảnh tài liệu gạo cội của Hãng Tài liệu Khoa học trung ương, của Điện ảnh Quân đội, Điện  ảnh Công an Nhân dân  mà cả các nhà điện ảnh gạo cội của Hãng phim Giải phóng, Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu thành phố Hồ Chí Minh đều trăn trở tâm huyết trước câu hỏi làm sao có phim hay trước một hiện thực mới, làm sao đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người xem trong giai đoạn phát triển mới.

Mối quan hệ  muôn thuở : tác giả- tác phẩm – người xem được đặt ra. Rõ ràng trong bối cảnh mới, người xem không còn là người thụ động tiếp nhận nữa . Họ có quyền lựa chọn . Họ có quyền đòi hỏi. Họ có quyền từ chối.

Trước người xem như vậy, đương nhiên người làm phim phải chọn vị thế của mình trong mối quan hệ với người xem : Đứng cao hơn người xem ( để dạy họ) hay Đứng ngang bằng người xem ( để đối thoại với họ ). Những phim thành công thời kỳ đổi mới là những phim trong đó các tác giả đứng ngang bằng với người xem . Khi đứng ngang bằng, bình đẳng, tôn trọng người xem , người làm phim sẽ chọn một cách nói  , cách đối thoại,  cách diễn tả , cách làm phim sao cho chân thực nhất, có sức thuyết phục nhất. Và như vậy, lời bình dài dòng , mang tính áp đặt, những hình ảnh dàn dựng gượng gạo, giả tạo phải nhường chỗ hình ảnh  chân thực của con người , sự vật , sự việc , nhường chỗ cho tiếng nói của người trong cuộc , nhường chỗ cho âm thanh sống động , chân thực  của cuộc sống. Đó là sự biến đổi trong nghệ thuật rất lớn.

Các  kỳ Liên hoan phim tài liệu Châu Âu – Việt Nam mới , lạ , nhiều  hấp dẫn do  các nước châu Âu phối hợp với Hãng Tài liệu khoa học trung ương tổ chức thể hiện  sự cởi mở trong tiếp nhận thành tựu và kinh nghiện làm phim  của các nước trong lĩnh vực phim tài liệu của Việt Nam. Điện  ảnh tài liệu chỉ có thể gặt hái thành công khi người làm phim xác định được vị trí chính xác của minh, có khả năng đối thoại , mang đến cho người xem sự thật cuộc sống.

Đến với đông đảo người xem ,chức năng tuyên truyền, ý nghĩa giáo dục của các phim tài liệu , phim khoa học thành công thời kỳ đổi mới không mất đi mà nó được thể hiện tinh tế hơn , sâu sắc hơn. Điều đó cũng có nghĩa rằng mục đích tuyên truyền không phải là rào cản để điện ảnh tài liệu , điện ảnh khoa học có những bộ phim chất lượng . Nhận thức sâu sắc , kiên định giữ vững  chức năng tuyên truyền , ý nghĩa giáo dục , hiệu quả xã hội cũng là một trong những thành tựu của  phim tài liệu ,phim khoa học  Việt Nam trong những năm qua.

Xem các phim đề tài chiến tranh Việt Nam của các nhà điện ảnh Mỹ dễ dàng nhận thấy mục đích tuyên truyền của từng phim , lập trường chính trị của tác giả.

 Trong cải cách mở cửa, Trung Quốc có nền điện ảnh rất phát triển. Mối quan hệ giữa văn nghệ với chính trị được nhìn nhận cởi mở hơn,  họ thấy đặc thù của văn nghệ nên đã thay quan điểm văn nghệ  “Phải tòng phục chính trị “ trong quá khứ bằng quan điểm hiện nay  “Văn nghệ không đứng ngoài chính trị”.

 Điều đó cũng có nghĩa rằng chỗ đứng của người làm phim ở đâu, làm phim vì ai , vì cái gì được xác định rất rõ ràng.

 Phim tài liệu, phim khoa học  Việt Nam dẫu có phim có tín hiệu đòi hỏi sự đổi mới  trong sáng tạo tác phẩm điện ảnh , trong tiếp nhận tác phẩm điện ảnh nhưng nền  điện ảnh tài liệu ,  điện  ảnh khoa học   chỉ thực sự đổi mới , có ngôn ngữ mới, vận dụng cách làm mới khi đất nước bước vào đổi mới, đồng hành cùng đất nước. Tất nhiên chúng ta hiểu rằng đổi mới dù  mạnh mẽ  đến đâu thì  đấy  vẫn là cả một quá trình không dễ dàng .

Những biến đổi thẩm mỹ, sự mở rộng chức năng nghệ thuật, sự  ghi nhận , ủng hộ chức năng dự báo , chức năng cảnh báo, chức năng giải trí,  chủ trương tạo điều kiện cho tự do sáng tác ,khuyến  khích các phương pháp sáng tác khác nhau không coi phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp độc tôn duy nhất đúng đã tạo điều kiện cho các ngành văn học nghệ thuật trong đó có phim tài liệu, phim khoa học phát triển.

Ngay cả những phim khai thác đề tài truyền thống cũng đã có sự biến đổi . Những bộ phim thành công ở mảng đề tài này  là những phim ở đó các tác giả nhận thức được rằng không thể làm theo cách cũ.

Đến với các đề tài lịch sử cách mạng , đề tài kháng chiến, chiến tranh cách mạng , lực lượng vũ trang, chiến sĩ Quân đội Nhân dân , chiến sĩ Công an Nhân dân tiếp tục cảm hứng sử thi , cảm hứng ca ngợi , những phim thành công là những phim không đơn giản dựng  lại những năm tháng hào hùng  đúng như trong sách vở tuyên truyền mà là những phim chứa đựng sự phát hiện về con người và sự kiện ,những phim mang đến cho người xem  góc nhìn mới , tầng hiện thực mới nhưng không làm mất đi những giá trị cốt lõi của lịch sử. Những tư liệu chiến tranh được sử dụng trong phim không theo cách sử dụng  các nguyên liệu thô mà được  đánh thức bởi ánh sáng mới.

Ngày 20 tháng 7 năm 1977 sau một thời gian thử nghiệm Truyền hình trung ương đã chính thức phát sóng.Các phim thời sự vốn là sản phẩm của các cơ sở làm phim thời sự , tài liệu , khoa học của điện ảnh thời chiến tranh được sang vai cho truyền hình đảm nhiệm vì lợi thế của truyền hình : nhanh hơn , kịp thời hơn, đến với người xem rộng rãi hơn . Chính lợi thế khách quan này cũng góp phần tạo nên sự phát triển đáng ngưỡng mộ  sau này của mảng phim tài liệu khoa học của truyền hình.

 Nhìn trên tổng thể của phim tài liệu phim khoa học Việt Nam có thể thấy đã xuất hiện các phương pháp làm phim khác nhau , cách tiếp cận, khai thác , diễn tả  hiện thực khác nhau trong đó đạo đức của người làm phim, cái nhìn riêng của người làm phim , trách nhiệm xã hội của người làm phim , sự có mặt kịp thời ở những điểm nóng ,sức khám phá  của người làm phim  rất được coi trọng .Điểm nóng có thể nơi đầu sóng ngọn gió,nơi mũi nhọn của cuộc sống , nơi trung tâm chống dịch covis , nơi có câu chuyện  tưởng như nhỏ nhưng chứ đựng vấn đề không nhỏ thu hút sự quan tâm của toàn xã hội .

 Bên cạnh dòng phim tài liệu được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước đã xuất hiện các nhà làm phim tài liệu độc lập chứa đựng sắc thái riêng , có tiếng nói về sự thật cuộc sống nhiều khác lạ  . Nhiều cách làm phim tài liệu khác nhau ,cách làm phim của  Điện ảnh trực tiếp,trong đó có  điện ảnh Va ran  được phổ biến , vận dụng trong nhiều trường hợp đã mang  tới những thành tựu đáng khích lệ . Sự đa dạng phong phú trong cách nhìn , trong cách làm phim đã tạo nên bức tranh nhiều màu sắc trong sự phát triển của phim tài liệu.

 Câu hỏi thứ 3: Giải pháp nào cho sự phát triển phim tài liệu , phim khoa học  phát triển trong giai đoạn mới?

 Tôi nghĩ rằng đây cũng là vấn đề lớn. Chắc cũng rất cần sự phân tích , hiến kế khác nhau, trên cơ sở khoa học , không cảm tính. Phải đặt giải pháp phát triển trên cơ sở giải quyết mối quan hệ tác giả -tác phẩm – người xem.

 Vấn đề đào tạo người làm phim , tài năng người làm phim chắc chắn nhiều điều phải bàn. Cũng như vậy , vấn đề  nâng cao chất lương phim tài liệu , phim khoa học, chắc chắn có nhiều điều phải bàn . Nhưng Việc nâng cao trình độ của người làm phim , nâng cao chất lượng tác phẩm sẽ vô nghĩa nếu phim không đến được với người xem.

  Vấn đề thường được nói đến liên quan tới  phim tài liệu , phim khoa học  ở các hội thảo là  những phàn nàn phim làm hay nhưng không có đầu ra, không có chỗ chiếu cho người xem. Có phim làm xong cất kho . Người ta nói ngày xưa trước khi chiếu phim truyện bao giờ cũng chiếu phim tài liệu, phim khoa học , bây giờ thì không .

 Liệu có thể quay trở lại ngày xưa không , tôi nghĩ không thể được. Do đặc thù mục đích , nội dung , nhìn chung phim tài liệu, phim khoa học không thể đưa vào hệ thống rạp chiếu kinh doanh được . Tìm cái lãi của phim tài liệu, phim khoa học bằng tấm vẻ của người xem cũng không phải cách làm của điện ảnh các nước.

 Hôi đồng duyệt phim truyện ,phim kết hợp nhiều loại hình của Bộ Văn hóa một năm duyệt khoảng 250 phim nước ngoài do hệ thống rạp chiếu của nước ngoài đầu tư ở Việt Nam trình duyệt , họ cũng chỉ đưa ra khoảng 4 , 5 phim tài liệu thôi. Đấy là nhưng phim tài liệu dài khoảng 2 tiếng , thời lượng đủ cho một suất chiếu, nội dung của các phim này thường về hoạt động biểu diễn của những nghệ sĩ rất nổi tiếng thế giới. Loại phim tài liệu họ kinh doanh trên màn ảnh các rạp là những phim đáp ứng nhu cầu giải trí. Làm kinh doanh văn hóa , họ rất hiểu điều này.

Vậy vấn đề đặt ra sẽ là con đường nào để phim tài liệu , phim khoa học của ngành điện ảnh đến với người xem ?. Điều này rất quan trọng.Chỉ qua sự tiếp nhận của người xem nghệ sĩ làm phim mới thực sự trưởng thành. Chỉ qua sự tiếp nhận của người xem phim tài liệu, phim khoa học Việt Nam mới có thể phát triển.

 Tôi nghĩ đây là câu hỏi lớn khi chúng ta bàn đến các giải pháp cho sự phát triển .

                                                                                         Tác giả: GS.TS Trần Thanh Hiệp