Phim độc lập hòa chung dòng chảy điện ảnh dân tộc

Ngày 10/9/2024, trong khuôn khổ của Giải thưởng Cánh diều năm 2024 diễn ra tại Thành phố Nha Trang, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm – một chặng đường”. Dịp này, nhiều PGS.TS, Nhà Quản lý, các chuyên gia nghiên cứu Lý luận phê bình điện ảnh và các Đạo diễn, những Nhà làm phim đã có những chia sẻ ấn tượng và ý nghĩa.

Hotstar.vn trân trọng giới thiệu lần lượt đến bạn đọc những bài tham luận giá trị. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi.

Bài tham luận:

PHIM ĐỘC LẬP HÒA CHUNG DÒNG CHẢY ĐIỆN ẢNH DÂN TỘC

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Trong thời đại công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, điện ảnh đã trở thành một công cụ mạnh mẽ để định hình văn hóa và bản sắc dân tộc trong môi trường thế giới phẳng ngày một rõ nét. Sự hoà trộn các môi trường văn hoá khác nhau có nguy cơ dẫn đến việc phai nhoà bản sắc của các dân tộc.

Bên cạnh dòng phim thương mại thì những bộ phim độc lập – với tinh thần tiên phong sẵn có và ý thức đề cao tự do sáng tạo, đồng thời chưa/hoặc chưa phải chịu quá nhiều áp lực thương mại, giữ vai trò quan trọng trong việc làm phong phú và đa dạng hóa bức tranh điện ảnh của những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Tuy nhiên, để phim độc lập có thể hòa vào dòng chảy chính của điện ảnh dân tộc, cần có những bước đi chiến lược và sự hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là từ Chính phủ, giữ cho dòng phim này như một lực lượng sáng tạo với nhiều đề tài hướng đến các câu chuyện bên lề xã hội như hiện nay có thể “chảy” một cách độc lập song song với sự phát triển điện ảnh chung. Bởi vậy, việc hòa nhánh phim độc lập này vào dòng chảy chung của điện ảnh dân tộc trong đó vẫn gìn giữ được sự phong phú và đa dạng về đề tài, cách tiếp cận của các nhà làm phim không phải là câu chuyện đơn giản.

Nếu chúng ta muốn ủng hộ, khuyến khích phim độc lập vào chung dòng chảy điện ảnh dân tộc một cách tích cực và bằng cách đó góp phần nâng tầm điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế thì trước hết cần phải khuyến khích một môi trường sáng tạo tự do hơn. Cùng với đó, cần tạo nên cơ chế hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, các chương trình hỗ trợ phát triển nghề nghiệp để đưa đến nhiều hơn các cơ hội cho các nhà làm phim độc lập có thể thử nghiệm và thi triển ý tưởng mà không bị gò bó bởi các rào cản thương mại. Từ đây sẽ khuyến khích sự xuất hiện của những tác phẩm độc lập giàu tính nghệ thuật và đậm dấu ấn tác giả.

Hiện nay việc kết nối và hợp tác giữa các nhà làm phim độc lập với những nhà sản xuất lớn và các đơn vị phân phối rộng rãi là yếu tố quan trọng bậc nhất để bảo đảm “đầu ra” cho phim tại các rạp chiếu thương mại. Chính phủ cần có những quy định mang tính chế tài buộc các rạp phải có chính sách chiếu phim độc lập ở một hạn ngạch nào đó giúp các tác phẩm có cơ hội đến với khán giả.

Chỉ khi các tác phẩm độc lập được tiếp cận khán giả rộng rãi thông qua hệ thống phát hành và quảng bá chuyên nghiệp, chúng mới thực sự có cơ hội hòa nhập vào dòng chảy chính của điện ảnh dân tộc và mới trở nên có giá trị đầy đủ. Nếu không thì dòng phim độc lập vẫn sẽ “chảy” riêng rẽ và phát triển một cách bộc phát, dẫn đến lãng phí cơ hội của các tài năng trẻ và cũng làm mất đi cơ hội của khán giả được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh có tính nghệ thuật cao.

Xuất phát từ yêu cầu hội nhập của Điện ảnh Việt Nam hiện tại, nếu có định hướng hỗ trợ hiệu quả thì phim độc lập sẽ là nguồn lực quan trọng quảng bá, phát triển thương hiệu điện ảnh Việt Nam trên thị trường điện ảnh quốc tế.

Cuối cùng, khán giả cũng đóng vai trò quyết định trong việc đón nhận và ủng hộ các tác phẩm độc lập. Cần có những chiến dịch khai mở, nâng cao nhận thức về phim độc lập, giúp khán giả hiểu và trân trọng giá trị của phim độc lập từ đó tạo ra một cộng đồng điện ảnh đa dạng, phong phú để các nhà làm phim độc lập có thêm cơ hội sáng tạo những tác phẩm có giá trị mỗi ngày một cao hơn.

Tóm lại; hiện nay để điện ảnh độc lập phát triển bền vững và đóng góp tích cực cho điện ảnh dân tộc thì cần những giải pháp đồng bộ, trong đó vai trò của Chính phủ là quan trọng, là thiết yếu nhất là cần sớm triển khai chính sách hỗ trợ về kinh phí sản xuất và phát hành phim độc lập thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quốc gia.

                                                                                       Tác giả: Lương Đình Dũng

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.