Phụ nữ đáng thương hay đáng trách sau những thất bại hôn nhân?

Ra khỏi rạp phim, câu chuyện về những người phụ nữ trong phim “Quý cô thừa kế 2” khiến tôi không khỏi cám cảnh.

Tôi không có chủ ý đi xem một bộ phim có quá nhiều nước mắt. Bởi tôi nghĩ, khán giả đến rạp xem phim không cần phải sụt sùi nước mắt. Tôi chỉ cần một bộ phim vừa đủ chạm, khiến lòng mình thổn thức. Một bộ phim vừa đủ để tôi có thể đau và nghĩ suy, bên cạnh nhiều gia vị mang tên ái – ố – hỉ – nộ của cuộc đời. Và Quý cô thừa kế 2 – một bộ phim do Hoàng Duy làm đạo diễn với sự góp mặt của các diễn viên Trang Nhung, Huy Khánh, Lâm Vỹ Dạ, Hứa Minh Đạt, Quyên Qui, Otis, Thanh Trâm, Hiếu Nguyễn, Lương Ánh My, Công Ninh, Sỹ Toàn và một số diễn viên khác đã khiến tôi bị thuyết phục.

Là một bộ phim tình cảm, tâm lý gia đình và xã hội, tôi nhận ra ngay sự xuất hiện có vấn đề của nhân vật Hải Đường do diễn viên Trang Nhung xuất hiện ngay từ đầu. Bởi Hải Đường là một nữ ca sĩ xinh đẹp nhưng bị ràng buộc quá. Cô không được sống đúng với niềm đam mê hạnh phúc thật sự của mình vì bản tính độc đoán, ích kỷ của người chồng.

Câu chuyện này, đâu đó tôi có gặp trong những cuộc sống đời thường. Đâu riêng gì mỗi Hải Đường, nhiều cô gái xinh xắn, mơ ước được bước lên ngôi cao danh vọng nhưng vì hạnh phúc tương lai, chấp nhận an phận với trách nhiệm của một người vợ, người mẹ. Trong số đó, có người đến quá nửa đời người, vẫn ngơ ngác và âm thầm bật khóc mỗi khi nhớ nghề.

Hải Đường không được sống đúng với mơ ước, đam mê của bản thân mình. Đổi lại, cô được gì?

Lúc Cao Minh, nhân vật do Huy Khánh thủ diễn, vung tay tát vợ chỉ vì Hải Đường dám phản kháng, cất cao giọng hát, tôi nghe tim mình nghẹn lại. Tôi cảm nhận tổn thương, nỗi đau tức tưởi trong Hải Đường như tấm gương phản chiếu của nhiều số phận nữ nhi trong làng giải trí và xung quanh mình. Còn gì đau xót bằng khi không được sống là chính mình.

Hải Đường không may mắn có được cuộc sống như ý như bao cô gái, nữ nghệ sĩ mà tôi đã biết hay gặp. Cô bị bạc đãi, bạo hành cả tinh thần lẫn thể xác. Cô như một chiếc bóng ở trong căn nhà quá rộng, ngỡ đó là sự hy sinh xứng đáng cho chồng và con, nhưng không phải. Cô không được chồng yêu thương, con cái hiểu lầm hờn trách và hơn thế nữa, bị cắm sừng ngay trong chính căn nhà của mình.

Với một vai quá nặng về diễn xuất tâm lý, tôi có phần hơi lo xa cho sự quay trở lại diễn xuất của Trang Nhung sau 10 năm. Nhưng không, Trang Nhung đã hóa thân thành Hải Đường thật đến đáng thương, đau đến run rẩy. Cách Trang Nhung diễn xuất biểu cảm bằng ánh mắt, nuôi dưỡng cảm xúc từ bên trong, tinh tế đến từng cử chỉ hành động khiến tôi ám ảnh. Phải tinh tế và yêu thích nhân vật, nghiên cứu kỹ lắm về tâm lý, người diễn viên mới có thể hóa thân diễn xuất tạo cảm giác thật như thế.

Rời khỏi rạp phim, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh Hải Đường nhìn Cao Minh với ánh mắt uất nghẹn, tay cô bấu chặt vào người khi bị anh hành hạ và hăm dọa. Xem rất kỹ bộ phim, một người chị nhà văn yêu quý của tôi cũng nói, cô ám ảnh cảnh Hải Đường ngồi lau đi lau lại cái bàn sau khi con gái biến mất. Để làm được điều này, ngoài diễn xuất của diễn viên, phải thừa nhận Hoàng Duy là một đạo diễn trẻ nhưng rất từng trải và tâm lý. Cách anh dàn cảnh, chủ trương hành động diễn, căn ke từng góc máy ghi hình để người xem đủ chạm, là một trong những điểm cộng tuyệt vời giúp phim “Quý cô thừa kế 2” nhận được nhiều phản hồi tích cực, yêu mến từ khán giả.

Kim của Quyên Qui là một vai diễn có nhiều tính cách và số phận. Đây chưa hẳn là một điển hình của giới trẻ, nhưng đâu đó ở Kim, khán giả sẽ thấy số phận của những “trâm anh” “ngậm thìa vàng” trong những gia đình “thế phiệt” có cuộc sống không may mắn, thiếu cuộc sống tinh thần hạnh phúc.

Kim hứng đủ sự độc đoán từ bố, lại phải chấp nhận sự cam chịu và nhu nhược của người mẹ khi yêu gia đình sai cách. Cô chọn ăn chơi quậy phá, bỏ nhà ra đi khi giọt nước ẩn ức làm đầy. Kim mang thai và đón nhận giông bão cuộc đời. Cô chới với trước những sóng gió liên tục ập đến, đau đớn và uất hận trong sự phản bội. Kim lãnh hậu quả của cuộc hôn nhân thất bại, đối diện với những sai lầm của chính bản thân mình.

Xem “Quý cô thừa kế 2”, không hiểu sao tôi không có quá nhiều phẫn uất trước nhân vật phản diện tên Mây do Thanh Trâm đóng. Ở Mây, tôi thấy nhân vật đáng thương nhiều hơn đáng trách.

Phim không đi sâu giải thích xuất xứ của Mây, cũng không mô tả chi tiết cô gái ấy có xuất thân gia đình như thế nào. Chỉ biết Mây đồng trang lứa với Kim, sẵn sàng ăn chơi và qua đêm với bất kỳ người đàn ông nào chỉ vì vật chất. Mây trượt dài với lối sống ăn chơi trụy lạc, không có người thân gia đình bên cạnh để uốn nắn hay răn dạy.

Mây sẵn sàng làm “trà xanh” và cướp luôn hạnh phúc, mái ấm của hai mẹ con Kim và Hải Đường. Những cô gái “trà xanh” như thế này, tôi tự hỏi có hiếm không, giữa cuộc đời?

Có một điều đáng suy ngẫm sau những cuộc hôn nhân thất bại. Đó là “trà xanh” làm sao có cơ hội phá gia cang ai khi gia đình bạn thật sự không ổn. Nếu Hải Đường và Cao Minh thật sự yêu thương nhau, thấu hiểu nhau, gắn kết son sắt với nhau thì làm sao có sự chia sẻ. Nếu hạnh phúc đang ở bên bờ vực thẳm, hôn nhân là trách nhiệm và sự trói buộc, như tù ngục thì nên chăng níu kéo mãi giữa cuộc đời.

Người phụ nữ, thời nào cũng vậy, luôn được quan tâm lẫn soi mói, thậm chí là phán xét sau những thất bại, nếu hạnh phúc không tròn. Lỗi lầm thuộc về ai, khi tính gia trưởng, vũ phu vẫn còn ngự trị trong chính mỗi ông chồng?

Xem “Quý cô thừa kế 2”, tôi chú ý đến diễn xuất “cứng cựa” của Huy Khánh trong vai Minh ở bộ phim này.

Huy Khánh có đủ vẻ điển trai, quyến rũ của một người đàn ông trong độ tuổi thành đạt để hóa thân Cao Minh khiến khán giả đủ tin anh sẽ lăng nhăng bởi những lưới tình xung quanh. Những diễn xuất của anh cũng toát lên tính cách cộc cằn, gia trưởng với tâm địa đen tối của kẻ bội phản. Về vai Cao Minh của Huy Khánh, có tiếc chăng, là cái kết của bộ phim vẫn chưa khiến khán giả cởi bỏ hết căm phẫn bởi sự gia trưởng và độc đoán, sau khi người cha đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra nhiều tội lỗi.

Xem “Quý cô thừa kế 2” của Đạo diễn Hoàng Duy, tôi cảm nhận được một quan điểm, góc nhìn tích cực khi làm phim, đó là đặt sự nhân văn trong từng mấu chốt, thông qua cách anh và biên kịch sắp đặt số phận của từng nhân vật.

Mỗi nhân vật xuất hiện đều có tính cách, số phận và phải trả giá cho những hành động; hoặc đối diện với những kết quả tương ứng thông qua những xử sự đời thường của chính bản thân mình. Đó chính là luật nhân quả, là tính nhân văn rất lớn trong quan điểm và góc nhìn của một nhà làm phim, nhất là thể loại tình cảm, tâm lý.

Trương Quốc Phong