Ngày 10/9/2024, trong khuôn khổ của Giải thưởng Cánh diều năm 2024 diễn ra tại Thành phố Nha Trang, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm – một chặng đường”. Dịp này, nhiều PGS.TS, Nhà Quản lý, các chuyên gia nghiên cứu Lý luận phê bình điện ảnh và các Đạo diễn, những Nhà làm phim đã có những chia sẻ ấn tượng và ý nghĩa.
Hotstar.vn trân trọng giới thiệu lần lượt đến bạn đọc những bài tham luận giá trị. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi.
Bài tham luận:
PHIM TRUYỆN ĐIỆN ẢNH ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG
TRONG HÀNH TRÌNH CHUYỂN ĐỘNG SAU NĂM 1975
PGS.TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng
- Dư âm chiến tranh
Năm 1945, Tônxtôi – nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh của nước Nga đã phỏng đoán: “Trong một trăm năm tới, chiến tranh vẫn là cảm hứng sáng tạo cho toàn bộ nghệ thuật – từ bi kịch và sử thi cho đến cả những bài thơ tứ tuyệt, trữ tình”. Trong các cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, Việt Nam đã trở thành tiêu điểm của cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng; là nơi đọ sức điển hình giữa tiến bộ và phản động; giữa chính nghĩa và phi nghĩa trong cuộc đấu tranh của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhà văn Chu Lai cho rằng “Lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc. Dân tộc Việt Nam dẫu chẳng bao giờ muốn thế cũng là dân tộc trận mạc”. Nhà văn Xuân Thiều cho rằng “Không đâu như ở Việt Nam, những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc lại kéo dài hàng mấy chục năm. Dĩ nhiên, những cuộc chiến tranh ấy đã lùi xa, nhưng dư âm của chúng không thể chấm dứt”…
Tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) viết về chiến tranh cách mạng vẫn luôn có sức cuốn hút lớn, vẫn là nguồn cảm hứng dồi dào, sáng tạo của văn nghệ sĩ, nhất là những nhà văn, nghệ sĩ đã một thời từng gắn bó với những thăng trầm lịch sử của đất nước trong chiến tranh. Những tính cách cao đẹp xuất hiện trong chiến tranh đã được thể hiện ở nhiều khía cạnh trong tác phẩm với sức hấp dẫn lớn. Những thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành từ sau chiến tranh đã thực sự chiếm lĩnh được sự tin cậy của độc giả. Đề tài chiến tranh luôn được phản ánh tinh tế trong VHNT với nhiều khía cạnh sâu sắc. Khi điện ảnh xuất hiện đã trở thành “một hình thức mới của văn học, được chiếu lên trong một lĩnh vực khác bằng phương tiện kỹ thuật…Nhờ yếu tố kể chuyện sinh động mà nhiếp ảnh động đã từ con rối không hồn biến thành con bướm đẹp đẽ của nghệ thuật điện ảnh”. Phim truyện về đề tài chiến tranh cách mạng từng một thời là mạch chủ đạo của điện ảnh Việt Nam đã thành công và tiếp tục thành công trong sự mong đợi của công chúng các thế hệ về một thời trận mạc hào hùng. Trải qua thời gian, phim truyện chiến tranh cách mạng có sự vận động âm thầm, bền bỉ, chuyển giọng điệu, chuyển cảm hứng từ sử thi – vốn là đặc điểm nổi trội của thời kỳ đó sang cảm hứng phi sử thi.
- Phim sử thi anh hùng ca
2.1.Cảm hứng sử thi
Đặc điểm nổi bật của VHNT, trong đó phim truyện điện ảnh thời kỳ chiến tranh vệ quốc rất giàu tính sử thi. Tính sử thi luôn chiếm vị trí hàng đầu, cảm hứng chính xuyên suốt trong các bộ phim truyện điện ảnh trước năm 1975: “Vật kỷ niệm” (Phạm Kỳ Nam, Hồng Nghi, 1960), “Vợ chồng A Phủ” (Mai Lộc – Hoàng Thái, 1961), “Chị Tư Hậu” (1963), “Người chiến sĩ trẻ” (diễn Hải Ninh, Nguyễn Đức Hinh, 1964); “Trên vĩ tuyến 17” (1965); “Con chim vành khuyên”; “Nguyễn Văn Trỗi” (Bùi Đình Hạc – Lý Thái Bảo, 1966); “Nổi gió” (Huy Thành, 1966). “Lửa rừng” (Phạm Văn Khoa, 1966); “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” (Khắc Lợi, Hoàng Thái); “Rừng o Thắm” (Hải Ninh, 1966); “Chị Nhung” (Nguyễn Đức Hinh, Đặng Nhật Minh, 1970); “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ, 1972); “Bài ca ra trận” (Trần Đắc); “Em bé Hà Nội” (Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ, 1974)… Những tác phẩm trên đã trở thành những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh nước nhà đã thể hiện đậm đà nền văn hóa Việt truyền thống giàu bản sắc theo cảm hứng sử thi.
Sử thi như một đối sánh theo quan niệm, thế giới sử thi là thế giới “bổ đôi”: sống – chết, yêu – ghét, cao thượng – thấp hèn, chiến thắng – thất bại… Sử thi xây dựng hình tượng con người ở thang giá trị cao nhất, đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Do vậy, sự thể hiện nó luôn ở tâm thế ngưỡng mộ, sùng kính, ngợi ca. Lời nói của sử thi là lời của nhân dân, lời của cộng đồng, lời đầu tiên và cũng là lời kết luận cuối cùng. Khát vọng bức thiết của con người là tự do cá nhân và dân chủ xã hội. Sự thức tỉnh nhu cầu xã hội, nhu cầu của con người luôn là một đòi hỏi bức thiết và chính đáng. Song khi đất nước có giặc ngoại xâm, thì lợi ích của dân tộc và nhân dân hòa làm một, sự nghiệp giải phóng dân tộc đồng thời là sự nghiệp giải phóng con người:
Những năm đất nước có một tâm hồn, có cùng khuôn mặt
Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ in nhau
(Chế Lan Viên – Con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa)
Như một lẽ tự nhiên, văn nghệ thời kỳ này ưu tiên vì lợi ích của Tổ quốc, cái tôi cá nhân tạm thời “nén lại”, lặng lẽ lùi lại bình diện sau và vì thế “Cái tinh tế cỏ hoa tạm thời chưa nghĩ đến” (Chế Lan Viên). Văn nghệ sĩ văn nghệ kháng chiến chống xâm lăng đều có cùng “mẫu số chung” mang cảm xúc chiến trận. Sự phát triển cái tôi sử thi có cơ sở từ chính hiện thực cuộc kháng chiến. Nguồn gốc cái tôi sử thi có từ trong truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, phát triển qua các thời kỳ cách mạng đầu thế kỷ, qua kháng chiến chống thực dân Pháp, được tiếp tục ở mười năm hoà bình, phát huy trong hoàn cảnh mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Cũng chính ở cuộc kháng chiến này, cái tôi sử thi đã trở thành hình tượng chủ đạo. Biểu hiện của cái tôi trữ tình sử thi trong VHNT hết sức đa dạng. Cái tôi sử thi chính là cái tôi trữ tình công dân phát triển đến đỉnh cao, văn nghệ sĩ và nhân dân đã nhập thành một khối thống nhất: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu” (Những đêm hành quân – Xuân Diệu)…
2.2.Tính sử thi trong điện ảnh là một đặc điểm nổi bật
Điện ảnh Việt Nam đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Ở bất kỳ thời kỳ nào tiên phong là phim tài liệu, sau là phim truyện, phim hoạt hình đều phản ánh trung thành bối cảnh lịch sử của nước nhà. Trong thời kỳ từ năm 1960 đến năm 1975, điện ảnh Việt Nam chủ yếu sản xuất phim tài liệu, phim truyện, phim hoạt hình về các đề tài về chiến đấu, lao động, sản xuất ở miền Bắc, ở giới tuyến Bắc – Nam.
Trước khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc, điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam đã ghi dấu ấn bằng những bộ phim kinh điển giàu tính sử thi, ngợi ca dân tộc anh hùng, nhân dân anh hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam “Chung một dòng sông” (1959, đạo diễn Phạm Kỳ Nam), nhiều bộ phim truyện về chiến tranh giàu tính sử thi đã ra đời. Rút kinh nghiệm từ những kịch bản ban đầu còn thô sơ, nhân vật còn giản đơn, ngôn ngữ điện ảnh hạn chế, những người làm phim đã bàn nhau khai thác, sử dụng kho văn chương vô tận để viết kịch bản. Văn chương – điện ảnh đã “cộng hưởng” tạo nguồn mạch lớn lao đặt dấu mốc quan trọng cho phim truyện điện ảnh ở thời kỳ hình thành. Có thể nói, những bộ phim truyện trong giai đoạn này đánh dấu sự hình thành phim truyện và đồng thời ghi dấu ấn đậm nét trong nền điện ảnh chiến tranh cách mạng non trẻ. Ở giai đoạn hình thành, những tác phẩm sáng tạo trên đã trở thành những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam vừa mang tính chiến đấu, vừa đậm đà bản sắc dân tộc và được sáng tác theo phương pháp XHCN. Trong số 18 bộ phim sản xuất thời kỳ này đã có 4 bộ phim đoạt giải Bông sen vàng (Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Người chiến sĩ trẻ); bốn phim đoạt Huy chương bạc (Lửa trung tuyến, Vợ chồng A Phủ, Kim Đồng, Biển lửa); phim nhận giải thưởng cao tại LHPQT (Con chim vành khuyên, Hai người lính, Chị Tư Hậu, Kim Đồng)…
Trong 10 năm (1965-1975) cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam đã sản xuất được 49 bộ phim (phim ngắn và phim dài). So với giai đoạn hình thành (18 phim), giai đoạn này đã có bước phát triển đáng kể. Những tác phẩm phim truyện điện ảnh đã phản ánh kịp thời những sự kiện trọng đại của đất nước và đây chính là bước tiếp theo, đánh dấu sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng. Những bộ phim kinh điển ra đời trong khói lửa chiến tranh đã đóng góp quan trọng cho nền điện ảnh nước nhà.
IIi. Sự “nhạt dần” yếu tố sử thi
3.1.Đường lối của Đảng về văn hóa – văn nghệ
Sau năm 1975, không khí đất nước hòa bình, thống nhất đã tạo nên môi trường kích thích và đòi hỏi cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ trong cảm hứng thống nhất.
Sau năm đất nước thống nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV tổ chức tại Hà Nội sau 16 năm đất nước chia cắt hai miền. Trong các văn bản của Đảng, những vấn đề văn hóa – văn nghệ đã được chỉ đạo kịp thời “Cách mạng cả nước đang đặt ra những vấn đề mới, cuộc sống đang có những đòi hỏi mới đối với VHNT. Nền VHNT XHCN của ta cần ra sức phấn đấu nhằm sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật cao đẹp về xã hội mới và con người mới”. Mục tiêu công tác văn hóa, văn nghệ được Đại hội lần thứ IV của Đảng xác định là “tạo ra cho mọi người một cuộc sống tinh thần phong phú, phù hợp với mục đích của CNXH là thỏa mãn ngày càng đầy đủ nhu cầu vật chất, văn hóa của nhân dân”. Công cuộc đổi mới của Đảng đã tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng tạo. Văn nghệ sĩ – những người trực tiếp lao động sáng tạo đã nhận được ánh sáng của công cuộc đổi mới cùng sự tin yêu, trân trọng, đồng cảm, khích lệ kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về nhu cầu tự do sáng tạo. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh vai trò của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa: “Tài năng nghệ thuật là quý hiếm, ngoài năng khiếu bẩm sinh phải có tôi luyện lâu dài. Sự sáng tạo trong nghệ thuật là cực kỳ quan trọng. Tác phẩm dù viết đúng đắn đến đâu nhưng nếu không gây được xúc động, không có tính nghệ thuật thì có cũng như không vì không đi vào tâm trí người đọc. Phải tự chặt chẽ với mình, khi thấy mình là đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm. Dù thế nào cũng không nên uốn cong ngòi bút. Phải nhớ câu của Bác, “Nay ở trong thơ nên có thép”. Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và nhấn mạnh “Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá – tinh thần ngày càng cao của nhân dân...”. Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra nhiều cơ hội cho điện ảnh Việt Nam.
3.2. Sự “nhạt dần” yếu tố sử thi
Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp. Nhiều đề tài đa dạng, phong phú xoay quanh cuộc chiến vừa kết thúc: cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, công cuộc lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới ở cả hai miền… Song theo “quán tính”, phim về chiến tranh cách mạng vẫn là chủ đề thu hút sự sáng tạo của văn nghệ sĩ. Khi cuộc chiến càng lùi xa, đề tài hậu chiến được nhìn nhận phân tích có chiều sâu, lý giải cội nguồn, truyền thống dân tộc, khắc chạm lên từng số phận con người, không né tranh những mất mát, hy sinh…Nhưng trên hết, đề tài hậu chiến vẫn mang cảm xúc nhân văn, lý giải truyền thống của dân tộc.
Đặc điểm nổi bật của phim truyện chiến tranh cách mạng là mang tính sử thi, tập trung ca ngợi con người với những phẩm chất cao qúy như một di sản tinh thần quý báu của dân tộc: lòng yêu nước, căm thù giặc, tinh thần chiến đấu quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung… Những phẩm chất được phản ánh trong phim liên quan đến đặc điểm của tính dân tộc và tính hiện đại. Các nhà làm phim đã có thời gian tách khỏi cuộc chiến để chắt lọc những chi tiết có sức nặng. Dưới bề mặt hiện thực, ta cảm nhận được triết lý sống sâu sắc của dân tộc, là chiều sâu của tâm hồn con người Việt Nam, cuộc sống tâm linh trong mối quan hệ mật thiết với truyền thống dân tộc. Tư duy của người sáng tác cũng có sự đổi mới để bắt nhịp được với thời đại và trở thành chiếc cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Cũng cùng chủ đề trên, nhưng khi có “độ lùi” thời gian, tách khỏi cuộc chiến, những tác phẩm điện ảnh đó đã chắt lọc để nhìn cuộc chiến bình tĩnh và có chiều sâu hơn vì có được vốn sống và sự trải nhiệm.
Trước yêu cầu của lịch sử, sử thi vẫn là yếu tố chủ đạo trong nền văn học nghệ thuật cách mạng, nhưng những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trạng thái sử thi của đời sống tinh thần xã hội vốn gắn với tính chất hào hùng của cuộc kháng chiến như một môi trường dẫn truyền và cộng hưởng cảm xúc cũng lắng dần. Cái tôi sử thi vốn là âm hưởng chủ đạo của nền văn học nghệ thuật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước không còn là loại hình thuần nhất và độc tôn sau khi đã hoàn tất sứ mệnh của nó với tư cách là sự thể hiện đến đỉnh cao của tinh thần công dân và tính chiến đấu.
Cảm hứng sử thi vẫn là đặc điểm nổi bật với những bộ phim mang chiều kích lớn về đất nước, nhân dân. Song phim truyện xây dựng sau năm 1975 (nhất là sau năm 1986) đã có nhiều nét mới từ cảm hứng đến chất liệu và giọng điệu. Có “độ chênh” nhất định giữa cảm hứng ngợi ca và sự khắc nghiệt của hiện thực đời sống sau chiến tranh. Dù cả nền văn nghệ thời kỳ kháng chiến chống xâm lược không hề xa rời vấn đề đất nước, đời sống xã hội, nhưng quan điểm tiếp cận đã có phần chuyển dịch theo số phận cá nhân. Có thể thấy một sự chuyển dịch thầm lặng, bền bỉ, cùng sự phân hoá cái tôi sử thi – vốn là âm hưởng chủ đạo của cả nền văn nghệ cách mạng. Đó là dấu hiệu đổi mới căn bản về tư duy và phong cách nghệ thuật giữa cái nhìn sử thi với các yếu tố thế sự, giữa giọng điệu cao vút với giọng điệu trầm lắng, giữa lý tưởng với hiện thực, giữa không gian công cộng với không gian đời tư, giữa khúc anh hùng ca và sắc màu bi tráng… Văn học nói riêng và VHNT nói chung đã khước từ cái nhìn ngưỡng vọng của sử thi, khước từ sự thể hiện con người theo hướng tuyệt đối hóa, lí tưởng hóa, nhờ đó, nhân vật hiện lên chân thực, sinh động, gần gũi, và “người” hơn. Họ không còn là những “siêu nhân” luôn luôn mạnh mẽ, hoàn hảo và bất khả chiến bại như trong văn học kháng chiến, mà là những con người bằng xương bằng thịt, và sự vận động tính cách của họ gắn liền với hoàn cảnh, chịu sự chi phối của hoàn cảnh…
Phim truyện về đề tài chiến tranh cách mạng, hậu chiến đã kết hợp nhuần nhuyễn cả hai cảm hứng: sử thi và phi sử thi (nghiêng nhiều về số phận cá nhân đặt trong mối quan hệ với cộng đồng). Vì thế, cảm hứng làm phim chiến tranh cách mạng sau năm 1975 đã khác giai đoạn trước đó. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn là một đặc điểm nổi bật, truyền thống của dân tộc, nhưng cách thể hiện trong từng nhân vật đã khắc phục cách ngợi ca một chiều, không lên gân, không gồng mình như cách dựng nhân vật kỳ vĩ, khác thường như VHNT thời kỳ chiến tranh. Theo đó, nhân vật được xây dựng gần gũi, giản dị trong cuộc đời thường. Nói như nhà thơ Hoàng Trung Thông chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời kỳ này đã vận động thầm lặng để trở thành “chủ nghĩa anh hùng cách mạng quần chúng”. Chính sự đa dạng đó là “yếu tố quan trọng tạo nên cái mới, đồng thời là tính chân thật của phim”.
Sự kiện ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã thổi tới luồng gió mới, cảm xúc mới thôi thúc những người làm điện ảnh ở cả hai miền Bắc Nam. Có thể thấy phim truyện ra đời với mật độ cao ở thời kỳ này, như: “Vùng trời” (1976, Huy Thành), “Cô Nhíp” (1976, Khương Mễ), “Địa chỉ để lại” (1977, Mai Lộc), “Kỷ niệm vùng ven” (1977), “Bình minh xôn xao” (1977, Nguyễn Ngọc Trung), “Câu chuyện làng dừa” (1977, Bạch Diệp), “Mối tình đầu” (1977), “Kỷ niệm vùng ven” (1977, Nguyễn Văn Của), “Những đứa con” (1977, Nguyễn Khánh Dư), “Chuyến xe bão táp” (Trần Vũ), “Tình đất Củ Chi” (1978, Mai Lộc), “Mùa gió chướng” (1978, Hồng Sến), “Bản nhạc người tù” (1978, Bùi Sơn Duân), “Từ một cánh rừng” (1978, Đức Hoàn), “Những người bạn quanh tôi” (1978, Khương Minh Tuyền), “Tự thú trước bình minh” (1979), “Cánh đồng hoang” (1979, Hồng Sến), “Làng ven” (1979), “Mẹ vắng nhà” (1979, Nguyễn Khánh Dư), “Như thế là tội ác” (1979), “Cánh đồng hoang” (1979, Hồng Sến), “Cha và con” (1979, Dương Đình Bá), “Những người đã gặp” (1979, Trần Vũ), “Tuổi thơ” (1979, Nguyễn Xuân Chân, phim về chiến tranh biên giới phía Bắc), “Đứa con bị từ chối” (1980, Lê Dân), “Mảnh trăng cuối rừng” (1980, Nguyễn Kha – Lê Thi)…
Dựa theo tiểu thuyết “Vùng trời” (Hữu Mai), hai nhà biên kịch Trần Kim Thành và Huy Thành đã chuyển thể kịch bản phim “Vùng trời”. Đây là bộ phim đầu tiên thể hiện hình tượng người chiến sĩ không quân Việt Nam. Với bộ phim “Tự thú trước bình minh” (1979, đạo diễn Phạm Kỳ Nam), chiến tranh được nhìn bên trong của đối phương như một lời tự thú. Bộ phim thể hiện tay nghề vững vàng trong chỉ đạo diễn xuất, kết cấu câu chuyện và dựng phim của ông. Với phim “Hai người mẹ” (1976), đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã đoạt giải đạo diễn khá nhất tại LHP Việt Nam lần thứ IV (năm 1977). Các bộ phim “Những đứa con”, “Bình minh xôn xao”, “Cha và con”, Tuổi thơ”…đã miêu tả chiến tranh nhìn từ sự mất mát, hy sinh của những con người ở hậu phương…
Phim chiến tranh ở miền Nam
Những bộ phim phim chiến tranh cách mạng làm sau khi đất nước thống nhất tập trung chủ yếu vào đề tài miền Nam thành đồng, miền Nam đi trước về sau. Những bộ phim về miền Nam quật cường được thể hiện trong nhiều bộ phim, như: “Mẹ vắng nhà”, “Người mẹ cầm súng”, “Biệt động Sài Gòn” (4 tập), “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”…
Sau chiến thắng 30/4/1975, bộ phim truyện nhựa “Cô Nhíp” (1976) do NSND Khương Mễ đạo diễn dựa trên kịch bản cùng tên của nhà biên kịch Nguyễn Trí Việt. Phim kể về nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn – Nguyễn Trung Kiên (tên thường gọi là Nhíp) dẫn đường cho xe tăng và bộ đội ta tiến đánh sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng tham mưu quân đội ngụy Sài Gòn. Bộ phim “Cô Nhíp” đoạt giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ IV (năm 1977) và đã mang đến bao cảm xúc cho khán giả yêu điện ảnh.
Sau 30 năm, sự kiện 30/4/1975 trở lại trong bộ phim “Giải phóng Sài Gòn” (Hãng phim Sài Gòn Giải Phóng, đạo diễn Long Vân, 2005) sản xuất dựa trên tác phẩm “Sài Gòn – Bản hùng ca” của nhà văn Hoàng Hà. Phim có độ dài 120 phút, đầu tư 12,5 tỷ VND, sản xuất trong 13 năm được công chiếu nhân kỷ niệm 30 năm Giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2005) và được công chiếu hằng năm vào dịp này.
Có mặt từ những ngày đầu của nền điện ảnh chiến tranh cách mạng, các nghệ sĩ Mai Lộc, Phạm Kỳ Nam, Phạm Văn Khoa, Trần Vũ… đi tiếp hành trình làm phim sau khi đất nước thống nhất sau khi đã có sự trải nghiệm trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Sau các phim đã ghi dấu ấn điện ảnh thời kỳ đầu: “Biển động” (1958), “Vợ chồng A Phủ” (1961), “Đi bước nữa” (1964) và nhiều phim tài liệu, đạo diễn Mai Lộc tiếp tục ghi dấu ấn bằng một số bộ phim “Địa chỉ để lại” (1977), “Tình đất Củ Chi” (1978)… Đây chính là chặng đường đánh dấu hơn 30 năm lao động sáng tạo, cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà. Ở cương vị lãnh đạo, ông đã thể hiện trách nhiệm, tâm huyết xây dựng Xưởng phim Giải phóng phát triển, trưởng thành, đồng hành cùng dân tộc.
Sau 20 năm làm quay phim, đạo diễn phim tài liệu, NSND Hồng Sến trình làng bộ phim truyện đầu tiên “Mùa gió chướng” với tư cách là đạo diễn. Khác với những bộ phim chiến tranh trước năm 1975, phim “Mùa gió chướng” thể hiện cuộc đối đầu của nhân dân miền Nam với kẻ thù xâm lược. Tính hùng ca vẫn là một đặc điểm nổi bật chạy theo đà “quán tính”, nhưng bộ phim đã thuyết phục người xem bởi tính chân thực và nhất là không né tránh những mất mát, hy sinh. Phim đoạt Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ V (1980). Sau “Mùa gió chướng”, Hồng Sến tiếp tục đạo diễn bộ phim thứ hai “Cánh đồng hoang” (1979). Phim đoạt nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế; đưa phim truyện Việt Nam lên vị thế mới. Theo đạo diễn Hải Ninh, “Cánh đồng hoang” là “đỉnh cao trong cuộc đời làm nghệ thuật của NSND Hồng Sến. Không những tác phẩm mang lại cho anh những vòng hào quang rực rỡ, mà còn góp phần quan trọng nâng vị trí phim truyện Việt Nam lên một tầm vóc mới”. Bộ phim được coi như “người đại diện” cho nền điện ảnh Việt Nam hiện đại; được chiếu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hai bộ phim “Cánh đồng hoang” (1979), “Mùa gió chướng” đều được chuyển thể dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng do NSND Hồng Sến đạo diễn. Từ khi ra đời, bộ phim đã tạo được những rung cảm thẩm mỹ sâu sắc về cuộc sống, chiến đấu của người dân Nam Bộ. Khi viết “Cánh đồng hoang”, nhà văn Nguyễn Quang Sáng chia sẻ: “Tôi nghĩ kịch bản phim Cánh đồng hoang từ năm 1966, rồi năm đó tôi đi về chiến trường Đồng Tháp Mười và ghi nhận được một số hình ảnh về chiến tranh Đồng Tháp Mười rất độc đáo… Mãi cho đến ngày 18/12/1978 tôi mới bắt đầu viết Cánh đồng hoang…”.
Phim “Mẹ vắng nhà” (1979, Nguyễn Khánh Dư) dựa trên tác phẩm “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi ngợi ca người mẹ anh hùng – chị Nguyễn Thị Út và những đứa con anh hùng. Phim “Mối tình đầu” (Hải Ninh) đã đoạt nhiều giải thưởng: Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ V (1980), giải Đạo diễn xuất sắc dành cho đạo diễn Hải Ninh, giải Nam diễn viên xuất sắc cho diễn viên Thế Anh (vai Ba Duy); giải nhất của UNESCO; Giải bạc LHP quốc tế Italia…
Cùng “Cánh đồng hoang”, các bộ phim “Mẹ vắng nhà”, “Những người đã gặp” cùng đoạt Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ V thì 2/3 số phim là đề tài miền Nam. Ba phim đoạt Bông sen bạc: “Mùa gió chướng”, “Mối tình đầu” và “Tội lỗi cuối cùng” đều là đề tài miền Nam.
Không kể những năm đầu, sau này đề tài miền Nam, thống nhất đất nước vẫn được các văn nghệ sĩ thể hiện bằng những cảm xúc mới mẻ, thiêng liêng; được Nhà nước quan tâm đầu tư; thời gian làm phim dài; được nhân dân ủng hộ, chờ đón…Những bộ phim này được chiếu hàng năm ở các rạp, trên truyền hình nhắc nhớ sự kiện 30/4/1975 – miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, như phim “Giải phóng Sài Gòn”, “Biệt động Sài Gòn”….
Như vậy, đề tài chiến tranh cách mạng đã chiếm một vị trí lớn lao và quan trọng trong tư duy sáng tác của các nghệ sĩ điện ảnh sau chiến tranh. Đây là nguồn đề tài phong phú, hấp dẫn thu hút đội ngũ làm phim truyện. Trong 220 bộ phim sản xuất trong thời kỳ này đã có gần 100 bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng (chiếm tỉ lệ 45.5%). Có thể thấy những năm đầu, tỷ lệ phim chiến tranh cách mạng khá cao: năm 1977 là 10/17 phim, năm 1978: 6/14 phim, năm 1979: 10/17 phim, năm 1980: 10/20 phim.
Sang thập niên 80 của thế kỷ trước, khởi đầu điện ảnh thị trường, đề tài phim phong phú, đa dạng nhiều lĩnh vực. Phim chiến tranh cách mạng đã giảm dần về số lượng, song vẫn theo đà quán tính, phim vẫn âm thầm vận động không ngơi nghỉ. Phim giảm dần yếu tố sử thi, đi vào từng góc khuất, tâm trạng, khai thác từng số phận con người, trực diện nói đến mất mát, hy sinh; đề cập tới nhân vật bên kia chiến tuyến; chạm tới vấn đề hòa hợp dân tộc…
Phim chiến tranh đã mang giọng điệu riêng với: “Đường dây Côn Đảo” (1980, Lam Sơn), “Đêm nước rong” (1980), “Khoảng cách còn lại” (1981, Xuân Sơn), “Ngọn lửa K rông Zung” (1980, Lê Hoàng Hoa), “Phượng” (1981, Lê Văn Duy), “Bài ca không quên” (1981, Nguyễn Văn Thông), “Về nơi gió cát” (1981), “Pho tượng” (1982, Lê Dân), “Những đứa con”, “Cha và con”, “Thị xã trong tầm tay” (1982, Đặng Nhật Minh), “Rừng lạnh” (1982, Trần Phương), “Đất mẹ” (1983, Hải Ninh), “Tiếng súng cánh đồng chum” (1983, Phạm Kỳ Nam), “Vụ án viên đạn lạc” (1982, Nguyễn Đỗ Ngọc), “Đường suối cạn” (1983, Nguyễn Đỗ Ngọc), “Cuộc gặp gỡ bất ngờ” (1983, Nguyễn Văn Thông), “Xa và gần” (1983, Huy Thành), “Hồi chuông màu da cam” (1983, Nguyễn Ngọc Trung), “Biệt động Sài Gòn” (1982-1986, Long Vân), “Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh” (1983, Vũ Phạm Từ), “Hoa cát” (1984, Lê Văn Duy), “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984, Đặng Nhật Minh), “Trừng phạt” (1984, Bạch Diệp), “Vụ áp phe Đông Dương” (1984, Trần Đắc), “Bão U Minh” (1985, Khương Minh Tuyền), Tiếng bom hòa bình” (1985, Lê Đức Tiến), “Lối rẽ trái bên đường mòn” (1985, Huy Thành), “Cô gái trên sông” (1986, Đặng Nhật Minh), “Anh và em” (1986, Trần Vũ), “Chuyện cổ tích cho tuổi 17” (1986, Xuân Sơn), “Ván bài lật ngửa” (1982-1987, Lê Hoàng Hoa), “Ngọn đèn trong mơ” (1987, Đỗ Minh Tuấn), “Đồng đội” (1988, Hà Sơn), “Cầu Rạch Chiếc” (1988, Lê Mộng Hoàng), “Tình khúc 68” (1988, Lê Mộng Hoàng), “Về đời” (1988, Huy Thành), “Thời hiện tại” (1988, Trần Đắc), “Cao nguyên F101” (1988, Lê Hoàng Hoa), 3 tập “Một số phận” (1989-1990, Lê Hoàng Hoa), “Huyền thoại về người mẹ” (1988, Bạch Diệp, Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ VIII-1988), “Người thừa kế” (1990, Nguyễn Hữu Phần), “Con ngựa bốn vó trắng” (1990, Vũ Châu)…
NSND Đặng Nhật Minh đã chọn một lối đi riêng, đạo diễn thành công nhiều bộ phim nổi tiếng cống hiến cho nền điện ảnh Việt Nam như phim: “Thị xã trong tầm tay”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”, “Đừng đốt”… Đặc biệt phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đoạt nhiều giải thưởng quan trọng: Giải Bông sen vàng, giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam (1985), Giải đặc biệt của Ban giám khảo tại LHP châu Á – Thái Bình Dương, Hawaii (1989). Năm 2008, Đài Truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn phim “Bao giờ cho đến tháng mười” là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Đây là bộ phim đỉnh cao trong sáng tác của ông và là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam ra với thế giới từ sau năm 1975 tự tin mang đến bao cảm xúc nhân văn về đất nước, con người Việt Nam trong chiến tranh.
Qua các bộ phim “Miền đất không cô đơn” (1982), “Tướng về hưu” (1988)… đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã ghi dấu ấn một sự kiện điện ảnh và dự báo trước một thời kỳ đổi mới của điện ảnh Việt Nam…
Đóng góp cho phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng còn có sự tham gia của những người trải nghiệm trong cuộc chiến, từ ngành nghề khác vẫn mong muốn đóng góp cho dòng phim này. Đó là Nguyễn Ngọc Hiến, Lê Văn Duy, Khương Minh Tuyền (Lâm Mộc Khôn)… Nguyễn Ngọc Hiến đạo diễn bộ phim truyện “Làng ven” (1979, bộ phim truyện đầu tiên của Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu). Gần 10 năm sau, anh đạo diễn bộ phim truyện chiến tranh thứ hai “Người trong cuộc, 1988)…
Những người làm phim ở Sài Gòn trước năm 1975 đã đóng góp tích cực cho đề tài chiến tranh cách mạng và làm nên nét mới cho phim, như: Bùi Sơn Duân (Lam Sơn), Lê Hữu Phước (Lê Dân), Hoàng Lê (Lê Mộng Hoàng), Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa)…Tuy không trải nghiệm cuộc sống chiến đấu, tiếp cận với người anh hùng, nhưng họ lại có cách thể hiện khác theo cách của mình. Vì thế, phim của họ “có kết cấu chặt chẽ, tiết tấu phim sôi động, hấp dẫn, các thủ pháp đạo diễn chứng tỏ tay nghề”, song ở một số bộ phim, một số đạo diễn lại bộc lộ sự “lạm dụng thủ pháp gây hiệu quả bên ngoài, như: đuổi bắt, đánh đấm, sử dụng chi tiết, tình huống éo le” khiến tính tư tưởng của phim có phần bị vơi giảm. Họ cũng đã rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế đó ở những bộ phim sau.
Trong phim “Pho tượng” (kịch bản: Nguyễn Quang Sáng), đạo diễn Lê Dân đã thể hiện cách làm phim chiến tranh theo cảm xúc mới, tránh công thức cũ đòi hỏi hai bên chiến tuyến phải rõ ràng. Hình tượng người anh hùng (bác sĩ Thu Trang) không trực tiếp miêu tả như các bộ phim chiến tranh thường thấy, mà thể hiện trong con mắt, sự cảm phục của “phía bên kia”. “Pho tượng” là bộ phim đổi mới trong cách thể hiện nhân vật.
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa phát huy thế mạnh làm phim hành động thể hiện trong phim “Ván bài lật ngửa” do Xí nghiệp phim Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Hãng phim Giải Phóng) thực hiện trong thời gian dài (1982-1987). Bộ phim gồm 8 tập nói về cuộc đời của nhà tình báo Phạm Ngọc Thạch hoạt động trong lòng địch thời kháng chiến chống Mỹ. Biên độ thời gian của phim trải dài từ sau Hiệp định Giơ ne vơ (1954) đến năm 1963 sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Phim “Ván bài lật ngửa” chiếm lĩnh màn ảnh của cả nước; mang đến bao cảm xúc cho đông đảo khán giả. Từ khi tập 1 ra đời, phim đã được ghi nhận bằng Giải Đặc biệt tại LHP Việt Nam lần thứ VII (năm 1983) và tập 5 đoạt Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ VII (năm 1985).
Phim về miền Nam “đi trước, về sau” vẫn luôn mang đến cảm xúc cho những người làm điện ảnh. Phim “Biệt động Sài Gòn” (1982, kịch bản: Lê Phương, Nguyễn Thanh, đạo diễn: Long Vân) là bộ phim hấp dẫn về các chiến sĩ biệt động nằm giữa nội thành Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là bộ phim đầu tiên và duy nhất của điện ảnh Việt Nam tái hiện những chiến công của đội biệt động Sài Gòn trước 1975. Phim được làm trong thời gian 4 năm, 4 tập: “Điểm hẹn” (1984), “Tình lặng” (1985), “Cơn giông” (1985” và “Trả lại tên cho em” (1986). Phim ngợi ca tinh thần chiến đấu ngoan cường, những cuộc đấu trí căng thẳng, thông minh, sự hy sinh của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch. “Biệt động Sài Gòn” là một thành tựu lớn của điện ảnh Việt Nam những năm 80 cả về nghệ thuật dàn dựng, diễn xuất và đồng thời là bộ phim ăn khách trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, vẫn luôn được công chúng yêu thích từ khi công chiếu cho đến bây giờ sau gần 40 năm (1982-2020).
Có thể thấy phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng thập niên 80 của thế kỷ trước cho thấy dòng phim này tuy có giảm về số lượng so với giai đoạn trước, nhưng vẫn được những người làm phim khai thác, quan tâm, nhìn nhận theo cách mới trong cách tìm tòi, thể hiện.
Phim truyện từ 1990 đến nay
Giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước phim nghệ thuật lên ngôi, song cũng đứng trước nhiều khó khăn. Cho đến cuối thập niên 90, điện ảnh thoát dần khỏi khủng hoảng, đánh dấu sự trở lại của dòng phim nghệ thuật. Bước sang thế kỷ XXI, Điện ảnh Việt Nam thể hiện sự đổi mới, phá cách. Các nhà làm phim vẫn luôn chọn những tác phẩm văn học để xây dựng những bộ phim truyện điện ảnh như: “Người đi tìm dĩ vãng”, “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”, “Cỏ lau”, “Tình khúc 68”, “Mùi cỏ cháy”, “Nhà tiên tri”, “Người trở về”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”…
Nhiều bộ phim nghệ thuật được xây dựng: “Hà Nội, Mùa đông năm 1946”, “Ngã ba Đồng Lộc” (1997, Lưu Trọng Ninh), “Đời cát” (Nguyễn Thanh Vân), “Ai xuôi Vạn Lý”; Phim “Đêm Bến Tre” (đạo diễn: Trần Phương, quay phim: Trinh Hoan) dựa theo tiểu thuyết “Lửa hương rừng dừa” của nhà văn Thanh Giang…“Tiếng cồng định mệnh” (2004, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi); “Năm ngày trong đời vị tướng” (2005, biên kịch Hoàng Hà, Long Vân, đạo diễn Long Vân); “Đường thư” (biên kịch: Đoàn Minh Tuấn, đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng); “Mùi cỏ cháy” (2011, biên kịch: Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn: Hữu Mười); “Những người viết huyền thoại”, “Đường thư” (Bùi Tuấn Dũng); “Sống cùng lịch sử” (2014, biên kịch: Đoàn Tuấn, đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân); “Người trở về” (2015, biên kịch: Thu Dung, đạo diễn: Đặng Thái Huyền, Điện ảnh Quân đội); “Truyền thuyết về Quán Tiên” (2019, truyện ngắn: Xuân Thiều, biên kịch: Đoàn Tuấn, Giám đốc sản xuất và biên tập phim: Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn: Đinh Tuấn Vũ)…
Phim “Ngã ba Đồng Lộc” (1997, kịch bản: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: Lưu Trọng Ninh) là một khúc tráng ca, âm hưởng hào hùng, giàu chất thơ, ca ngợi mười cô gái thanh niên xung phong đã làm nên huyền thoại bất tử tại Ngã ba Ðồng Lộc. Phim “Hà Nội 12 ngày đêm” (biên kịch: Đinh Thiên Phúc, Hồ Phương, Hữu Mai, Chu Lai, Hồng Ngát – đạo diễn Bùi Đình Hạc) khắc họa bối cảnh cuộc chiến đấu ác liệt của nhân dân Hà Nội, tái hiện một phần trận “Điện Biên Phủ trên không” chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào cuối tháng 12/1972…
Phim được Nhà nước đầu tư, đặt hàng
Một số bộ phim được Nhà nước đầu tư, đặt hàng nhân các sự kiện lịch sử trọng đại tính sử thi vẫn là thế mạnh, song đã có cái nhìn mới quan tâm số phận con người. Phim “Giải phóng Sài Gòn” (Hãng phim Sài Gòn Giải Phóng) nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2005); phim “Hoa ban đỏ” nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Điện Biên; phim “Ký ức Điện Biên” nhân kỷ niệm 55 năm giải phóng Điện Biên; phim “Hà Nội 12 ngày đêm” nhân 30 năm sự kiện “Điện Biên Phủ trên không”; phim “Mùi cỏ cháy” (2011) nhân 40 năm giải phóng Quảng Trị; phim “Nhà tiên tri” (Hãng phim truyện Việt Nam) nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phim “Đào, phở và piano” (2023) nhân kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô…
Đề tài kháng chiến chống Pháp
Năm 1976, Xưởng phim truyện Việt Nam đã hoàn thành 2 bộ phim về cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó là phim “Sao tháng Tám” (biên kịch: Đào Công Vũ – Trần Đắc, đạo diễn: Trần Đắc). Đây là bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam phản ánh cuộc Cách mạng tháng Tám. Năm 1995, dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, đạo diễn Lê Đức Tiến đã xây dựng bộ phim cùng tên về mảnh đất và con người Tây Nguyên. Sau thành công của “Sao tháng Tám”, phim “Ngày ấy bên sông Lam” (1980, Nguyễn Ngọc Trung) là bộ phim khắc họa thành công phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh – một sự kiện lịch sử quan trọng chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám sau này. Đây là bộ phim truyện màu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam.
Phim truyện đề tài hậu chiến
Tuy vẫn mang âm hưởng chiến tranh, nhưng tác phẩm văn học và điện ảnh về chiến tranh cách mạng đã đề cập và phân tích những bi kịch cá nhân, thân phận con người trong và nhất là sau chiến tranh. Tính sử thi “nhạt dần” nhường cho yếu tố phi sử thi để từ đó hé mở thân phận con người cùng những mất mát, hy sinh.
Cuộc kháng chiến của dân tộc không chỉ được nhìn ở góc độ ngợi ca lãng mạn, mà đã hé mở, phơi bày những góc khuất, những mất mát đau thương. Dấu ấn chiến tranh hằn sâu trong mỗi số phận, mỗi cuộc đời, mỗi con người. Cảm hứng ngợi ca được thay bằng giọng nói tâm tình, đối thoại, ngẫm ngợi. Hàng loạt bộ phim tập trung nói về số phận bi kịch của người trở về chạm đến cả những góc sâu kín nhất của tâm hồn con người sau chiến tranh gây tạo nên bao xúc động trong lòng độc giả. Phim “Cỏ lau” (1993, biên kịch Lê Hoài Nguyên, đạo diễn Vương Đức được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cảm hứng bi kịch bắt đầu xuất hiện ở nhiều bộ phim “Cây bạch đàn vô danh” (biên kịch Nguyễn Quang Thân, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân). “Truyện cổ tích cho tuổi 17” (1988, Xuân Sơn) là bộ phim đầy chất thơ, hay nói như đạo diễn là phim thơ. “Người đàn bà mộng du” (2003, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) do Nguyễn Quang Thiều chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn nổi tiếng “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu. Đạo diễn – NSND Nguyễn Thanh Vân đã tạo ra một “Đời cát” nhẹ nhàng đấy, song những thương tổn thì không thể kể xiết. Những vui buồn, trăn trở, day dứt của những con người hậu chiến được khắc họa một cách chân thực, không diễn tả nhiều bằng lời mà bằng chính sự phức tạp của thế giới nội tâm. Phim “Bến không chồng” (2000, biên kịch Lưu Trọng Văn, đạo diễn Lưu Trọng Ninh) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng. Đề cập đến mất mát của chiến tranh, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh (giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991) đã được đạo diễn của Hollywood – Nicolas Simonr mua bản quyền để dựng thành bộ phim cùng tên.
Yếu tố phi sử thi khắc chạm nhiều ngóc ngách số phận con người. Ðặc biệt là với “các vùng vốn bị coi là cấm kỵ”, bị né tránh trước đây như ham sống sợ chết, phản bội, mưu mô, toan tính… nay đã được đề cập trong văn chương và điện ảnh. Phim “Chớp mắt cùng số phận” (2007, biên kịch: Bành Mai Phương, Nguyễn Quỳnh Trang, Hà Anh Thu, đạo diễn: Lê Ngọc Linh, quay phim Phạm Thanh Hà) xoay quanh số phận của ba nhân vật vốn là bạn học. Phim đan xen giữa quá khứ – hiện tại; không gian rộng hậu phương – chiến trường… gắn với số phận con người trong và sau chiến tranh. Con người bộc lộ tận cùng tính cách: người thì đối mặt với hiểm nguy, sự sống mỏng manh, cái chết không hẹn trước, can đảm, trong sáng; kẻ thì thì hèn nhát, thủ đoạn, mưu mô, hại người…
Phim “Về nơi gió cát” (biên kịch và đạo diễn Huy Thành) là câu chuyện bi thương của người chiến sĩ sau thời gian thoát ly hoạt động cách mạng, trở về quê hương sau giải phóng với bao biến động, phức tạp và nỗi đau riêng khi người vợ (do hòan cảnh đưa đẩy) đã lấy một người lính của chính quyền cũ và đã có con. Đương đầu với trọng trách xã hội cùng với nỗi đau riêng, người cán bộ cách mạng phải kiên cường vượt qua mọi cản ngại, chung cũng như riêng – để hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời để làm tròn vai trò của một người chồng cũ trong hoàn cảnh mới…
Phim “Bến không chồng” là bức tranh thời hậu chiến có sức ám ảnh dai dẳng nhất về số phận người lính thời hậu chiến.
Những bộ phim trên đã tạo nên rung cảm thẩm mỹ cho người xem về lịch sử, về sự hy sinh anh dũng của toàn dân tộc. Tác phẩm đề cao chủ nghĩa cách mạng, tôn vinh người anh hùng với phẩm chất cao quý.
Phim về đề tài lịch sử ghi nhận những bộ phim về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ năm 1990 đến nay, nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã có 8 bộ phim khá chân thực, sinh động, cảm động khắc hoạ hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, để lại những tình cảm tốt đẹp với nhiều thế hệ khán giả trong và ngoài nước. Đó là phim: “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (1990, Sơn Tùng, Long Vân); “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (2003, Hữu Mai, Khắc Lợi – Viên Thế Kỷ); “Vượt qua bến Thượng Hải” (2010, Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh, Giả Phi, Triệu Tuấn, Phạm Đông Vũ); “Nhìn ra biển cả” (2010, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Vũ Châu); “Hà Nội mùa đông năm 46” (1997, Đặng Nhật Minh); “Thầu Chín ở Xiêm” (2014, Đinh Thiên Phúc, Bùi Tuấn Dũng); phim “Nhà tiên tri” (Vương Đức). Phim “Nhà tiên tri” là sự kế tục câu chuyện đã được tái hiện trong phim “Hà Nội mùa Đông năm 46” tái hiện chân thực, sinh động hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh – một con người vĩ đại và vô cùng bình dị. Phim “Vầng trăng thơ ấu” (Công ty CP phim Giải phóng) là bộ phim điện ảnh đầu tiên khai thác cuộc đời của Bác Hồ thời niên thiếu theo cha mẹ đến Huế sinh sống nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024) và 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2024).
III.Giải pháp nào cho phim về đề tài chiến tranh cách mạng
Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển đến VHNT bằng đường lối, nghị quyết, chỉ thị. Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 23 NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” với mục tiêu “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân…”. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 844/QĐ – TTG ngày 01/6/2011 Phê duyệt “Đề án khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 – 1975”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giai đoạn 1930 – 1975 với mục tiêu có nhiều tác phẩm VHNT về đề tài giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chiến tranh cách mạng vẫn là một đề tài chủ đạo của văn nghệ nước nhà trong những năm nửa sau thế kỷ XX và mang tính thời sự.
Triển khai Đề án 844, năm 2013, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương tổ chức cuộc thi sáng tác và đặt hàng cho các tác giả viết về đề tài “Cách mạng và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước”(1930 – 1975); mở trại sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân; đầu tư làm phim, đặt hàng… Năm 2015, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức tổng kết, trao giải thưởng của Bộ Quốc phòng cho các tác giả có tác phẩm VHNT, báo chí xuất sắc về đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng” và “Lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” giai đoạn 2009 – 2014. Đầu năm 2020, Tổng cục Chính trị đã tổ chức tổng kết, trao giải thưởng của Bộ Quốc phòng cho các tác giả có tác phẩm VHNT, báo chí xuất sắc về đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng” và “Lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” giai đoạn 2014-2019.
Ra đời năm 2002, khởi nguồn từ một giải thưởng thường niên của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, sau hơn 20 năm, giờ đây Giải thưởng Cánh diều vàng của Hội điện ảnh Việt Nam đã trở thành một giải thưởng tầm quốc gia tôn vinh các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, công trình nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh và các tác giả, nghệ sĩ, người làm phim xuất sắc hàng năm. Giải thưởng Cánh diều vàng đã ghi nhận lao động sáng tạo, cống hiến quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ dành cho phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng, hậu chiến.
Chiến tranh cách mạng vẫn luôn là đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy liên tục phát triển nền điện ảnh Việt Nam. Làm phim chiến tranh rất khó, ngoài đòi hỏi sự đầu tư lớn, đầu tư xứng đáng về kinh phí, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế phát huy sự sáng tạo của văn nghệ sĩ và sự hợp tác làm phim xã hội hóa…
Mong muốn có nhiều hơn tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng có giá trị cao về tư tưởng – nghệ thuật không chỉ nhắc nhớ những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, mà đồng thời là trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với dân tộc và công chúng, là cách để tri ân với quá khứ của ông cha và tiếp thêm năng lượng tinh thần cho dân tộc tiếp tục vững bước trên chặng đường mới.
Phim đề tài chiến tranh cách mạng luôn vận động bền bỉ suốt 50 năm và đánh dấu từng chặng đường phát triển của điện ảnh Việt Nam. Những người làm phim đã khắc phục được cách làm phim công thức, đơn giản, sơ lược, một chiều: Ta thắng – địch thua, ta tốt – kẻ thù xấu,… Phim tiếp nối chủ nghĩa anh hùng cách mạng theo cách mới gần gũi, chân thực. Những người làm phim đã thể hiện một tầm nhận thức mới, tư duy mới khi khai thác những khía cạnh mới của chiến tranh nhìn qua số phận con người, nhất là không né tránh sự mất mát, hy sinh.
Phim đề tài chiến tranh cách mạng là làm về số phận của dân tộc được thể hiện trong thân phận mỗi con người. Dẫu chiến tranh đã lùi xa, nhưng phim chiến tranh cách mạng vẫn là dòng chảy liên tục trong 50 năm qua. Chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc là một bộ phận của lịch sử đất nước, dân tộc ta. Qua thử thách của chiến tranh, tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa, cùng các phẩm chất cao quý của người Việt Nam đã được thể hiện. Dù chiến tranh đã lùi xa 50 năm, nhưng những chiến công vĩ đại, cùng những gian khổ, mất mát, hy sinh… vẫn hiện hữu trong đời sống, trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.
Đề tài cách mạng và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc cho đến nay vẫn còn có sức cuốn hút lớn với nhiều tác giả, vẫn là nguồn cảm hứng dồi dào, sáng tạo của văn nghệ sỹ, nhất là những nhà văn, nghệ sỹ đã một thời từng gắn bó với những thăng trầm lịch sử của đất nước trong chiến tranh”. Và văn nghệ sĩ lúc nào cũng đau đau một “món nợ lòng” mà cả cuộc đời vẫn không thể trả hết được.