Ký ức Người Nghệ sĩ tôi yêu: Cố Giáo sư Trần Văn Khê – Tinh thần dân tộc chảy trong huyết quản

“Tôi luôn quan niệm khi còn sống thì phải có ích cho đất nước trong từng phút giây. Còn nếu mình vô dụng thì chả cần bệnh tật, có lẽ tôi cũng không sống nổi”. Đó là câu nói tôi nghe được từ cố Giáo sư Trần Văn Khê.

Vào năm 2007, tôi được tham dự buổi nói chuyện của cố Giáo sư Trần Văn Khê với Lãnh đạo Sở Văn hoá Thông tin, văn nghệ sĩ và sinh viên Đà Nẵng.

Trong giai đoạn sân khấu kịch hát dân tộc nhiều khó khăn và biến động, với tư cách là một diễn viên Tuồng, tôi luôn hằng mong ước mình có thể làm được điều gì đó cho công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Tuồng. Nhưng ước vọng ấy cứ bị nhấn chìm bởi những lo toan của đời sống. Dù vậy, niềm tiếc nuối về nét đẹp mộc mạc, bác học của một loại hình nghệ thuật truyền thống ẩn chứa trong mỗi con người đang dần mất đi, luôn thôi thúc tôi trong lặng lẽ.

Sau buổi gặp gỡ với Giáo sư, sợi dây liên kết vô hình giữa tôi với người nghệ sĩ tôi yêu mến, ngưỡng mộ ấy được kết nối.

Cố Giáo sư Trần Văn Khê (nguồn ảnh minh họa: Báo Dân Việt)
Cố Giáo sư Trần Văn Khê (nguồn ảnh minh họa: Báo Dân Việt)

Trong con đường sự nghiệp âm nhạc của ông, người được kết nối sẽ tìm thấy đầy đủ phẩm chất của một vĩ nhân: Một người ông, một người cha, người mẹ, người thầy, người bạn, người phụng sự đầy trí huệ và yêu thương.

Ngọn lửa nghệ thuật trong ông được nhen nhóm với sự chuẩn bị kỹ lưỡng bởi một vành nôi, gian bếp gia đình đủ đầy, nồng đượm. Những câu chuyện giản dị của ông chỉ cho ta thấy lý do của việc đứt quãng hoặc mất đi những điều ta từng có, từng đủ đầy. Bởi, nghệ thuật là đời sống! Nếu thứ gì không được xây dựng trên một nền tảng, chuẩn mực cần thiết thì sẽ không thể đứng vững.

Qua hành trình sống và hoạt động nghệ thuật của ông, chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự giáo dưỡng. Việc làm ấy không đao to búa lớn, không ồn ào, khoa trương, không hàn lâm sách vở. Đó là tình thương rộng lớn của một thế hệ đối với thế hệ. Đau lòng thay, đó cũng là điều đang mất dần qua các thời đại.

Là phụ nữ, tôi xúc động khi nghe những chia sẻ của ông về quá trình thai giáo của gia đình ông. Khi mẹ ông mang thai, bà được sống một nơi gần gũi với thiên nhiên. Nơi có tiếng gà gáy sớm, có tiếng bò rống, tiếng chim hót, tiếng gió khua mặt nước mùa hè… Mỗi ngày được nghe tiếng đàn, tiếng sáo, những âm thanh trong lành, gần gụi, yêu thương. Tính nữ của người mẹ được nuôi dưỡng. Bình yên ngập tràn đó giúp âm dương cân bằng. Sự vững lành ấy giúp mọi vật chứa đựng trong mình cũng được cân bằng, bình an, đủ đầy.

Tôi học những bài học sâu sắc thông qua chính con người và cuộc đời thực của ông. Ông là người thầy hiếm hoi có thể thị phạm được âm thanh của các loại nhạc cụ dân tộc một cách sinh động, cuốn hút. Là người thầy hiếm hoi có thể thị phạm tất cả các sắc thái, làn điệu của các loại hình nghệ thuật đặc biệt là sân khấu kịch hát dân tộc. Giọng nói của ông có nhạc tính. Khi ông dạo một khúc cổ cầm, khi ông cất giọng ngâm, thán… không gian trước mắt người được bày biện an hoà, mạch lạc.

Nếu như ở đa số nghệ sĩ biểu diễn, tôi chỉ có cảm giác mến mộ qua vài vai diễn và quá trình hoạt động nghệ thuật của họ, thì ở ông, tôi tìm thấy giọng nói, hình ảnh, gương mặt thương quen của ông cha mình.

Tôi tìm thấy vườn tâm hồn của cả thế hệ của làng quê Việt Nam yên bình xưa. Tôi thấm nhuần đạo dưỡng tâm để dưỡng thần, dưỡng nhân.

Đi dưới vườn tâm hồn của ông, tôi đủ mát mẻ để bước đi trên con đường đến tâm hồn của những đứa con tôi. Tôi cũng muốn tưới tẩm cho các con yêu thương gốc rễ, ươm vào đó những hạt giống hạnh phúc tự thân, lòng biết ơn, lòng tự hào dân tộc.

Cố Giáo sư Trần Văn Khê (nguồn ảnh minh họa: Báo Đại Đoàn Kết)
Cố Giáo sư Trần Văn Khê (nguồn ảnh minh họa: Báo Đại Đoàn Kết)

Tôi mong nhiều người được kết nối với ông hơn. Đặc biệt là những người trẻ, những người có hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hãy kề cận những di sản mà ông để lại. Thông qua cuộc đời và sự nghiệp của ông, tôi có một niềm tin vững chắc về việc kết nối thế hệ. Và công cuộc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là con đường của tình thương.

“Ôi giấc mộng kê vàng. Đời người quá ngắn ngủi. Một mai biển dâu biến đổi. Như trên lá đọng giọt sương” (Nhứt Điện). Tôi nhớ mãi câu hát theo điệu tán rơi này của ông và nhiều câu nói khác.

Cuộc đời quá ngắn ngủi! Biết ơn khi ta gặp được một người có tình thương rộng lớn, một nhân cách lớn. Năng lượng nguồn ấy sẽ soi rọi, tưới tẩm vùng đất trời ta cư ngụ. Tôi thấy mình rộng rãi hơn với những chấp nhặt của cuộc đời, thấy mình ân cần hơn với những khó khăn, thử thách của đời sống.

Tình thương rộng lớn giúp con người ra khỏi sự luyến ái thông thường để phát triển thành lòng bác ái. Những bài học của ông dành cho lớp trẻ về cái tâm trong sáng, cái đức độ khiêm nhường, chữ nhẫn, chữ hoà, giúp con người gần nhau hơn, bồi khuyết cho nhau trên con đường xây dựng một xã hội an hoà, hạnh phúc.

Sau những lần tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với ông, tôi nhận ra rằng, nỗi đau đáu về sự mai một của nghệ thuật Tuồng của tôi thực chất là sự đau đáu về một lớp trẻ kế thừa lịch sử đang thiếu vắng tình thương, đang mất dần sự kết nối căn bản với chính mình, những mối quan hệ quyến thuộc và xã hội.

Những cái cây, những quả nghệ thuật đang phát triển một cách bất thường, biến dạng. Những giai đoạn trưởng thành của một con người bị lược bỏ, bị tách rời những điều kiện cần như kiểu người nông dân dốc công trồng những cây trụ điện và chờ đợi những mùa hoa trái ước vọng. Những cái thiếu, cái sai, cái bất cập trong quá trình giáo dưỡng một đứa trẻ đã đặt chúng trên con đường không có lối về lại ngôi nhà ấm áp.

Tôi luôn xem những buổi nói chuyện của ông là những buổi pháp thoại. Tôi thấy từ ông tấm lòng rộng lớn của một người mẹ dành cho những đứa con của mình. Tôi tưởng nhớ đến ông không chỉ qua giọng hát, tiếng đàn mà còn thông qua nét ưu tư, trăn trở cho tương lai mờ mịt của đàn con. Tôi tưởng nhớ đến ông cả những khoảnh khắc ông trầm ngâm, im lặng trong những buổi chiều vắng. Cái lo cho hậu thế bao trùm lên cả những phút giây bình yên hiếm hoi của một kiếp người.

Những cảm nhận về ông, tôi có thể nói nói không bao giờ dứt. Trong khuôn khổ bài này, tôi mong muốn thông qua từ khoá “Trần Văn Khê”, giới trẻ có thể kề cận với những di sản văn hoá dân tộc mình. Tôi hi vọng lòng mến mộ, biết ơn và yêu thương ông sẽ được thế hệ mai sau (trong đó có những đứa con, cháu của tôi) viết tiếp.

“Một nghệ nhân chết đi là một thư viện đã cháy” – Câu ngạn ngữ được ông trích dẫn trong buổi nói chuyện ở “hội trường dã chiến” tại TP Hội An – Quảng Nam vào tháng 08 năm 2009. Với sự miệt mài cho sự nghiệp “nhân bản”, lưu trữ và bảo tồn phát triển một thư viện âm nhạc, kịch hát dân tộc lớn lao này, tôi nghĩ rằng cố Giáo Sư đã nhìn thấy tâm tư của người trẻ, đã khơi dậy, đánh thức và thắp lửa cho những niềm tin đã ngủ quên. Và với sự hậu thuẫn, chuẩn bị hành trang kỹ càng từ ông, tôi nghĩ lớp trẻ sẽ thấy mình mang cốt cách của một nền văn hoá đặc biệt. Họ sẽ vững tin đi trên con đường bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đó bằng sự tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.

Tác giả dự thi:  Trương Thị Bách Mỵ (Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng)

Những bài viết liên quan: