Trong ký ức tuổi thơ của tôi, vào khoảng những năm 2001, tôi mới là một cô bé con 9, 10 tuổi. Và, series âm nhạc đầu tiên tôi được nghe và làm tôi mê mẩn, đó là album ca nhạc phim “Trọn đời bên em” của chú Lý Hải.
Lúc ấy, tôi có thể ngây ngô chưa hiểu hết nội dung của bộ phim ca nhạc nhưng cứ vô thức lẩm nhẩm theo những lời thoại vui nhộn của các nhân vật trong phim.
Chú Lý Hải làm chuỗi series 10 tập “Trọn đời bên em”. Mỗi năm, chú chỉ làm 1 album thôi. Nên đám trẻ con trong xóm Chợ của tôi cứ mong ngóng mãi.
Khi đi ngang qua các hãng đĩa, nghe họ bật những bài hát trong album hoặc thấy họ treo poster giới thiệu ngoài cửa hàng, chúng tôi lại hân hoan, sung sướng như mỗi dịp được mẹ sắm quần áo mới vào dịp Tết. Chúng tôi chạy vội về xóm, hét gọi đứa này đứa nọ để thông báo cho nhau rằng album “Trọn đời bên em” vừa ra số mới.
Đám trẻ con xóm tôi, ngày ấy, nhà đứa nào cũng nghèo. Để mua được cái đĩa VCD của chú Lý Hải, chúng tôi phải nhịn bớt khoản tiền ăn quà hoặc ăn sáng ít ỏi để hùn hạp với nhau.
Tôi nhớ, cái đĩa VCD lúc đầu chỉ có 5.000, sau lên 10.000 rồi 20.000, nó gắn liền với thời đại nhà nhà, người người đều coi băng hình VCD qua đầu đĩa VCD hoặc DVD ở nước ta. Ngày đó, đầu đĩa này chủ yếu nhập ở Trung Quốc với mức giá khá rẻ nên hầu như nhà nào trong xóm tôi cũng sắm sửa một chiếc.
Hành trình xem album ca nhạc “Trọn đời bên em” của bọn trẻ chúng tôi cũng rất thú vị. Khi mua được đĩa VCD rồi, chúng tôi sẽ tụ tập hết vào nhà một đứa, cùng xem với nhau. Sau đó, cái đĩa sẽ lần lượt chuyền đi nhiều lượt từ nhà đứa này đến nhà đứa khác để xem lại lần hai, lần ba và vô số lần nữa.
Tất nhiên, tới nhà nào thì cả nhà từ ông bà, cha mẹ, anh chị, em út và cả bác hàng xóm đều ngồi quây quần cùng xem, cùng cười, cùng lắng đọng theo diễn xuất của diễn viên và giai điệu của các bài hát. Có thể nói, tuổi thơ của tôi cũng trưởng thành dần theo tháng năm cùng series phim ca nhạc đình đám những năm thập niên 2000 ấy.
Bẵng đi một thời gian dài, tôi lớn lên và ký ức về series “Trọn đời bên em” cũng dần lui vào dĩ vãng. Thi thoảng, tôi vẫn đọc báo hay theo dõi trên các trang mạng xã hội, tôi biết chú Lý Hải đã có gia đình nhỏ của riêng mình. Mặc dù là một ngôi sao ca nhạc, diễn viên, đạo diễn nổi tiếng nhưng chú sống rất bình dị.
Tôi thích cách chú dạy dỗ những đứa con nhỏ của mình. Chú thường xuyên đưa con về quê để các con được trải nghiệm và sống gần gũi với thiên nhiên. Tôi cũng rất ngưỡng mộ cách chú gắn kết các thành viên trong gia đình nhỏ với đại gia đình lớn của mình.
Không khí đại gia đình của chú ở miền Tây mỗi khi có dịp tụ họp rất đầm ấm, chan hòa, vui vẻ. Tôi nhớ từng xem một cuộc phỏng vấn của chú, khi được phóng viên hỏi, việc có rất nhiều con như vậy có khiến chú áp lực không, chú Lý Hải đã chia sẻ: “Chính những người con và gia đình nhỏ đã tạo cho chú thêm động lực hoạt động nghệ thuật để mua sữa cho con”. Tôi nghĩ, chính vì chú đã làm tốt vai trò người đàn ông trong gia đình và điều đó tạo cộng hưởng để chú thăng hoa hơn trong hoạt động nghệ thuật.
Khi chú Lý Hải quyết định dấn thân sang làm nhà sản xuất kiêm đạo diễn phim điện ảnh, chú nhận phải rất nhiều nghi ngại, không ủng hộ từ giới chuyên môn và công chúng.
Đối diện với áp lực từ dư luận, chú vẫn không bỏ cuộc. “Lật mặt 1” và “Lật mặt 2” ra đời và được công chúng đón nhận. Tôi không trực tiếp ra rạp xem hai phần phim này, tôi xem qua web Galaxy. Phải thú nhận thật lòng, “Lật mặt 1” và “Lật mặt 2” vẫn khá hay nhưng chưa thật sự khiến tôi ấn tượng. Tôi cảm giác nó vẫn mang bóng dáng của series phim ca nhạc đình đám năm nào của chú Lý Hải.
Phim “Lật mặt 3: Ba chàng khuyết” của chú ra rạp vào đúng dịp lễ 30/4. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là tôi cùng hai chị họ ra rạp phim để xem. Chúng tôi đi xem vào suất chiếu buổi trưa, rạp đông ngùn ngụt. Chị họ tôi chen chúc xếp hàng mãi mới mua được ba tấm vé cuối cùng, lại ngồi ngay hàng ghế đầu. Thường khán giả không thích hàng ghế này, vì xem gần màn hình dễ mỏi mắt. Nhưng vì đây là phim đang hot mà. Chúng tôi thậm chí còn cười tươi mừng rỡ vì mua được vé trong khi rất nhiều người phải nuối tiếc chờ những suất chiếu sau hoặc đi về vì hết vé.
Đến tận bây giờ ngồi viết lại, tôi vẫn nhớ mãi cảm giác xao xuyến, xúc động lúc đó. Một cảm giác tựa như được thăng hoa cùng nghệ thuật mà tôi rất khó tìm lại trong cuộc đời. Hôm đó, tôi đã cười nhiều và lau nước mắt bằng hai bịch khăn giấy. Những bộ phim sau của chú Lý Hải thuộc chuỗi series “Lật mặt”, tôi đều không bỏ lỡ tập nào và luôn rủ người thân, bạn bè đến rạp xem phim ngay khi phim vừa khởi chiếu.
Chú Lý Hải đa tài: ca sĩ, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim. Hẳn rồi. Nhưng không dừng lại ở người nghệ sĩ có tài năng. Điều khiến tôi nể phục chú hơn cả, là ở khía cạnh người nghệ sĩ tử tế.
Xem lại các hình ảnh hậu trường về phim “Lật mặt” trên các trang mạng xã hội, tôi thấy chú và ekip làm phim luôn gần gũi, thân tình với bà con miền Tây mỗi khi xuống quay phim. Thậm chí, chú còn sẵn sàng chiếu miễn phí phim cho bà con xem trước khi đem phim ra chiếu rạp. Đó là cách chú đáp trả ân tình đối với bà con đã hết lòng hỗ trợ đoàn phim.
Dõi theo thần tượng của mình, tôi học được bài học lớn nhất từ chú Lý Hải: Hãy sống tử tế và đối xử chân thành với mọi người xung quanh. Khi sự tử tế được lan tỏa cũng là lúc con người sẽ yêu đời, yêu thương và trân trọng cuộc sống này hơn.
Tác giả dự thi: Lê Y Pha
(Phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, TPHCM)