Ký ức Người Nghệ sĩ tôi yêu: Nghệ sĩ Nhân dân, Tiến sĩ Bạch Tuyết – người Nghệ sĩ tôi yêu

Trong một lần đọc thông tin trên trang Hostar.vn, tôi biết đến cuộc thi viết “Ký ức người nghệ sĩ tôi yêu” thật ý nghĩa nên quyết định tham gia nhằm thể hiện những cảm xúc, kỷ niệm đáng trân trọng đối với người nghệ sĩ mình yêu thích – Nghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ Bạch Tuyết.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại miệt bưng biền sông nước Cửu Long. Cũng như bao gia đình nhà nông khác, cứ hết công việc đồng áng, cơm nước việc nhà thì tía má tôi cùng bà con lối xóm có thói quen bật cát-sét để nghe đờn ca tài tử, vọng cổ, cải lương. Đây được xem như là món ăn tinh thần đã gắn liền với nếp sống sinh hoạt của bà con miệt vườn sông nước phương Nam.

NSND Bạch Tuyết (ảnh FB Nghệ sĩ)
NSND Bạch Tuyết (Nguồn ảnh: FB Nghệ sĩ)

Đã hơn 30 năm từ ngày đầu tiên tôi được nghe những giai điệu trong vở cải lương “Đời cô Lựu” mà nhân vật chính là cô Lựu đã được Nghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ Bạch Tuyết ca diễn rất nhập tâm. Cô Lựu là vai diễn gắn liền với tên tuổi Nghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ Bạch Tuyết. Và “Đời cô Lựu” là tuồng cải lương kinh điển của sân khấu cải lương Việt Nam.

Để rồi trong từng lớp diễn, trong từng phân đoạn, hình ảnh cô Lựu hiện lên trong tâm trí tôi từng câu ca vọng cổ, từng lời nói lối trong cuộc hội ngộ giữa ba mẹ con bị ông hội đồng bắt gặp. Qua đó, ta thấy Nghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ Bạch Tuyết đã nói lên tiếng lòng của một người mẹ vì hoàn cảnh mà phải “đi bước nữa” gá phận đời mình với quyền quý cao sang nhưng thẳm sâu trong lòng chất chứa nỗi đau dằn vặt với hình ảnh đứa con trai nơi ruộng đồng nghèo khổ.

Phải chăng chính tình yêu cải lương, tâm huyết với nghề mà Nghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ Bạch Tuyết đã diễn ca rất nhập tâm diễn biến tâm lý nhân vật cô Lựu như những phận người, mảnh đời trong xã hội hiện thực xưa kia. Vâng ! đó chính là sự dụng tâm của lòng yêu nghề và sự ý thức của một người nghệ sĩ tài hoa chân chính – Nghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ Bạch Tuyết muốn truyền tải hết tâm ý, lời văn cũng như ý nghĩa xâu xa mà đằng sau những câu ca, điệu hát, tiếng đờn của bộ môn nghệ thuật cải lương muốn hướng đến vì cộng đồng, vì xã hội, vì những người mộ điệu thân yêu.

NSND Bạch Tuyết (Nguồn ảnh: FB Nghệ sĩ)
NSND Bạch Tuyết (Nguồn ảnh: FB Nghệ sĩ)

Qua các thông tin báo đài, tôi được biết Nghệ sĩ nhân dân, tiến sĩ Bạch Tuyết sinh ra trong một gia đình tại An Giang. Cô mồ côi mẹ từ sớm, được cha gửi học trường dòng, rồi học trung học. Cô được giới thiệu làm quen với các thầy đờn cự phách như thầy Ba Luông, thầy Châu Vân… và lân la đoàn hát xin hình các nghệ sĩ Thanh Nga, Út Bạch Lan … để rồi nhen nhóm trong cô tình yêu với cải lương, vọng cổ và cô đến với cải lương như một định mệnh nghề đã chọn mình, tổ nghiệp đã chọn mình.

16 tuổi, cô bước chân vào nghề, 1 năm sau cô đạt giải thưởng Thanh Tâm danh giá năm 1964. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu tài năng, tên tuổi của Nghệ sĩ nhân dân, tiến sĩ Bạch Tuyết. Hàng loạt vở tuồng cải lương của các đoàn mời cô về làm đào chánh trong các vở nổi tiếng như: Tần Nương thất, Trăng thề vườn Thúy, Mùa thu lá bay, Đời cô Lựu, Nửa đời hương phấn, Tuyệt Tình Ca, Dốc sương mù, Thái hậu Dương Vân Nga, Lục Vân Tiên, Hàn Mạc Tử …đã đưa tên cô lên ngôi vị “Cải lương chi bảo” (bảo vật của nghệ thuật ca kịch cải lương).

Sau chuyến lưu diễn 5 nước châu Âu vào tháng 2 năm 1984, cô cùng các nghệ sĩ trong đoàn 284 gồm 12 người được đặc cách phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú mà không cần chờ xét duyệt, với lý do đã “anh hùng chiến đấu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Năm 2012, cô được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân – danh hiệu cao quý nhất dành cho những người hoạt động nghệ thuật. Dù tuổi cao nhưng với tình yêu và lửa nghề, cô ra sức gìn giữ và dành nhiều tâm huyết  cho cải lương như giảng dạy, chỉ dẫn thế hệ nối tiếp để bộ môn nghệ cải lương không bị mai một.

Cô được mời làm giám khảo các cuộc thi như: Chuông vàng Vọng cổ, Giọng ca Bông Lúa Vàng, Học viện Cải Lương…Và gần đây nhất là năm 2022, cô kết hợp cùng ca sĩ trẻ Hoàng Dũng trong ca khúc “Về nghe mẹ ru” và trở thành một “hiện tượng” của làng nhạc Việt.

NSND Bạch Tuyết (Nguồn ảnh: FB Nghệ sĩ)
NSND Bạch Tuyết (Nguồn ảnh: FB Nghệ sĩ)

Ở tuổi 38, tôi cũng không biết từ lúc nào mà cải lương, vọng cổ đã ăn sâu vào tim máu mình, để rồi mỗi khi có thời gian rảnh rỗi hay làm các công việc nhà phụ má nấu cơm, phụ tía cắt cỏ bò, tôi đều mở những vở tuồng cải lương xưa có Nghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ Bạch Tuyết cùng các cô chú nghệ sĩ thuộc “|thế hệ vàng” của cải lương trước năm 1975 để nghe.

Có lẽ, với một người có bản tính hoài cổ bao năm gắn chặt đời mình với ngọn cỏ, tấc đất quê hương mà lòng tôi vẫn còn lưu giữ cho riêng mình những ký ức về câu ca, điệu hát, tiếng đờn của các tuồng cải lương xưa.

Dẫu biết rằng, những ký ức tôi cùng tía má tranh thủ cơm nước để đi xem ké cải lương nhà hàng xóm năm nào đã thuộc về một phần của quá khứ; quá khứ tươi đẹp giản đơn của tình yêu mến cái đẹp rất đời thường vẹn nguyên giá trị của tình yêu thương, tình làng nghĩa xóm. Với tôi, cải lương là văn hóa và người nghệ sĩ là cầu nối để vẽ nên bức tranh hiện thực đa sắc màu của một dân tộc hào hùng anh dũng đi lên từ lúa nước ruộng đồng.

Nghĩ  và viết về Nghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ Bạch Tuyết – người nghệ sĩ tôi yêu, tôi như sống lại với những ký ức của tuổi thơ tươi đẹp cùng tía má nghe cải lương, vọng cổ.

Thông qua cuộc thi viết “Ký ức người nghệ sĩ tôi yêu”, tôi xin chân thành cảm ơn Ban tổ chức đã tổ chức cuộc thi ý nghĩa nhân văn để tôi và những người yêu nghệ thuật có thể bày tỏ tâm tư, tình cảm, tiếng lòng của mình đến các nghệ sĩ mình yêu thích. Chúc cuộc thi thành công tốt đẹp.

Tác giả dự thi: Thi Hoàng Khiêm (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)

Những bài viết liên quan: