Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Đuống sâu nặng phù sa. Chẳng biết bao buổi hoàng hôn có dịu dàng tỏa nắng đôi bờ mà câu quan họ quê tôi luôn đong đầy tình quê đến thế!
Trong trí nhớ của tôi về ngày hội làng, tôi theo lũ trẻ rầm rập bước chân, tiếng người í ới gọi nhau: “Tối nay trong đoàn văn nghệ có cô Thúy Hường, Thúy Cải về hát quan họ đấy, bà con ra sớm nhận chỗ mà xem”. Và, trong tà áo mớ ba mớ bảy rực rỡ sắc màu, tôi để ý nhiều hơn tới cô Thúy Hường- người có giọng hát nền nảy ngân vang; người đã vun đắp tuổi thơ tôi những ký ức chẳng thể phai mờ. Giọng hát cất lên: “Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng” đã chảy vào tâm hồn tôi nhớ mãi.
Nhắc đến cô Thúy Hường, ai cũng nhớ đến một người con gái lúc nào cũng đội khăn mỏ quạ trên đầu, tay cầm chiếc nón quai thao, giấu nụ cười bẽn lẽn bên vành nón lá.
Miêu tả người phụ nữ ấy “thuần việt” cũng đúng mà người cần mẫn gom nhặt vốn liếng trong giai điệu dân ca cũng chẳng sai. Bởi cả đời cô đã trọn vẹn cống hiến cho nghệ thuật, cho câu hát quan họ còn mãi như dòng sông lở bồi.
Ai không biết cũng hẳn sẽ phỏng đoán, cô sinh ra từ gia đình có truyền thống nghệ thuật. Nhưng, Thúy Hường lại sinh ra từ vùng đất Kinh Bắc không phải cái nôi của quan họ, đó là phường Cách Bi- thị xã Quế Võ- Bắc Ninh.
Sau này tôi lớn lên, tôi được quen với một người cháu mà gọi cô Thúy Hường là dì ruột. Qua câu chuyện anh ấy kể, tôi say sưa lắng nghe: “Dì Hường hát hay từ hồi còn nhỏ, giọng hát vang, nảy và trong. Lúc dì đi cắt cỏ trên đồng, tay đưa liềm thoăn thoắt, miệng í ới làn điệu quan họ. Cánh đồng lúa chiêm đương thì con gái, mọi người nhớ mãi những khoảnh khắc cô bé có giọng hát nền nảy vang xa”. Có lẽ đó cũng là cơ duyên đưa cô Thúy Hường đến với quan họ để một lần mắc phải, cả một đời say mê.
Tôi chỉ là một khán giả yêu thích âm thầm theo dõi cô Thúy Hường từ nhỏ. Tôi xem cô qua màn ảnh chiếc tivi đen trắng mẹ mua về từ cửa hàng thu gom đồng nát. Vì là tivi cũ nên chỉ bắt được kênh BTV của đài truyền hình Bắc Ninh.
Tôi quên sao được mỗi buổi trưa đi học về, ngồi trước màn hình tivi, nghe cô dạy những bạn nhỏ chừng lên 9, lên 10 tập hát. Tôi cũng thích thú luyến láy mà hát theo: “Lóng lánh là, lóng í à lánh ơi/ Mắt người lóng lánh như sao trên trời.” Rồi trên tivi còn chiếu buổi giao lưu văn nghệ có tiếng hát của cô. Một ngày mùa xuân, cô cầm chiếc nón quai thao, hát cùng liền anh, liền chị: “Bâng khuâng trong (i) gió, ai bâng khuâng mãi đi tìm trong chiều hội Lim”.
Lúc ấy, tôi mơ ước một ngày nào đó lớn khôn, được đến hội Lim một lần để tìm về câu quan họ, biết đâu, tôi sẽ được gặp cô Thúy Hường ngoài đời thật để tỏ lòng yêu mến. Hồi bé, tôi từng theo mẹ đi hội và gặp cô một lần rồi, nhưng cô hát ở mãi tít trên sân khấu cao và xa, nên tôi ước ao được gặp cô lần nữa.
Thế rồi, có một lần, đoàn quan họ lại về quê tôi biểu diễn. Đó là ngày mùa hè khi trường cấp THCS xã Thái Bảo khánh thành. Trường có đón đoàn Quan họ về.
Tối hôm đó, cả sân trường rộn rã, tấp nập người trong làng ngoài xã kéo nhau tới thôn Tẩy. Lũ trẻ chúng tôi nhỏ người nên lách lên phía trước chỗ gần sân khấu.
Cả buổi tối tôi được đắm mình trong từng làn điệu quan họ đằm thắm thiết tha. Cô Thúy Hường đứng đó, trên sân khấu, vẫn chiếc khăn mỏ quạ trên đầu, vẫn vành nón quai thao và giọng hát vang, rền, nền, nảy mặn mà. Những bài hát dân ca quan họ cất lên: Ngồi tựa mạn thuyền, Vào chùa, Còn duyên, Gọi đò…sao tôi nghe mà như say như đắm. Có phải vì thế mà quê tôi miếng trầu têm luôn thắm, câu quan họ hát luôn tình.
Cuối buổi diễn, mọi người lần lượt ra về hết. Tôi cùng đứa em nán lại, trên tay cầm quyền sổ và cây bút. Muốn lại gần cô Thúy Hường để tỏ lòng mến mộ và xin cô chữ ký. Cô đứng đó, nói chuyện với bạn diễn và nheo đôi mắt long lanh khi cười. Còn chúng tôi, vì nhút nhát đứa chị đẩy đứa em mà chẳng đứa nào dám tới gần cô để thỏa mãn điều bấy lâu nay ao ước. Cô dọn đồ theo đoàn và bước lên xe, chiếc xe đi chầm chậm qua khỏi cổng trường rồi đi mất hút. Để lại cho tôi nỗi buồn man mác cho tới mãi bây giờ.
Thời gian trôi đi, tôi vẫn theo dõi cô Thúy Hường trên truyền hình như ngày xưa tôi từng xem bằng chiếc ti vi đen trắng chỉ bắt được mỗi kênh địa phương BTV.
Tôi còn đọc báo để hiểu thêm về cô, người con gái hát hay, xinh xắn tên Hường có nghĩa là màu hồng mà cuộc đời đôi khi lại là gam màu xám, bởi trong nhân duyên cô lẻ bóng, chẳng vẹn đường.
Tôi cũng đủ lớn để tìm đến hội Lim trong một chiều mùa xuân mưa bụi lây rây. Tiếng hát quan họ đua chen, nhưng chẳng thấy cô để lần này tôi sẽ mạnh dạn đứng trước người nghệ sĩ mà tôi luôn tỏ lòng yêu mến.
Cô Thúy Hường đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân cao quý. Cô đi diễn khắp mọi miền Tổ quốc và cả trên thế giới để mang làn điệu dân ca quan họ chảy tràn. Còn tôi, cũng như biết bao khán giả khác vẫn âm thầm theo dõi cô, yêu mến cô- một nghệ sĩ đã trọn vẹn dâng đời bao lời ca tiếng hát.
Trong một bài phỏng vấn trên báo cô từng nói: “Nếu có kiếp sau, vẫn xin được làm người hát quan họ”. Và từ ấy tôi cũng hiểu, quan họ chẳng thể thiếu cô và cô sinh ra vốn đề dành cho quan họ vậy. Hôm nay, tôi lại thấy cô hát trên truyền hình, lời hát vẫn vang, rền, nền, nảy:
“Ngồi rằng là ngồi tựa (í ơ) có mấy mạn (ới ơ) thuyền/ Là ngồi tựa có a mạn thuyền”.
Tác giả dự thi: Thanh Nga (Thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh)