Điện ảnh những năm 1990: Đã từng có một kỷ nguyên vàng như thế!

Ngày 10/9/2024, trong khuôn khổ của Giải thưởng Cánh diều năm 2024 diễn ra tại Thành phố Nha Trang, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm – một chặng đường”. Dịp này, nhiều PGS.TS, Nhà Quản lý, các chuyên gia nghiên cứu Lý luận phê bình điện ảnh và các Đạo diễn, những Nhà làm phim đã có những chia sẻ ấn tượng và ý nghĩa.

Hotstar.vn trân trọng giới thiệu lần lượt đến bạn đọc những bài tham luận giá trị. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi.

Bài tham luận:

ĐIỆN ẢNH NHỮNG NĂM 1990: ĐÃ TỪNG CÓ MỘT KỶ NGUYÊN VÀNG NHƯ THẾ!

Nhà văn, nhà phê bình phim TÔ HOÀNG

Nhà văn, nhà phê bình phim Tô Hoàng và BTV Nguyễn Quang tại Cánh Diều 2024 (nguồn ảnh: FBNV)

Từ một nền điện ảnh thuần túy là công cụ tuyên truyền, giáo dục của Đảng và Nhà nước, bước qua cơ chế thị trường, chúng ta đã tự nguyện chấp nhận những thuộc tính hàng hóa của sản phẩm phim ảnh; đã coi trọng hơn tính chất giải trí trong việc kể một câu chuyện từ màn ảnh. LHP Bông Sen lần thứ 10 ở Hải Phòng, đầu năm 1990 đã tặng Bông Sen Vàng cho phim “Vị đắng Tình yêu” của cố đạo diễn Nguyễn Xuân Hoàng. Đây là 1 phim thể hiện rõ yêu cầu hút khách tới rạp. Câu chuyện tình yêu tay ba có phần cũ, tầm tư tưởng và thẩm mỹ cũng không có gì nổi trội. Bù lại, diễn viên là những gương mặt đang “hot” vào thời ấy là Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương; cảnh quay chau chuốt, cốt chuyện mang chất melodrama..

Từ đó trở về sau, các LHP Bông Sen, Cánh Diều đều giành cho phim thương mại, phim giải trị những sự biểu dương, khích lệ xứng đáng: Tại LHP Tuy Hòa, “ Hotboy nổi loạn” được sánh vai cùng “ Mùi cỏ cháy”; LHP Hạ Long “ Bí mật thảm đỏ ” đồng giải với “ Những người viết huyền thoại”… Toàn bộ nền kinh tế của đất nước đã chuyển qua vận hành theo những quy luật mới-tất yếu và tự nhiên. Việc làm phim không thể là con thuyền chèo lái ngược dòng. Ấy vậy, nhưng vẫn cần nhớ lại mảng phim truyện của thập niên những năm 1990..

Có thể nói, công việc làm ra những bộ phim truyện đã tích tụ được kinh nghiệm từ những năm chiến tranh, đặc biệt sau tháng Tư năm 1975, kinh nghiệm ấy càng dồi dào, phong phú hơn khi các nhà điện ảnh của chúng ta có điều kiện tiếp xúc với điện ảnh của các nước Mỹ, Anh,Pháp, Nhật, Hồng Công, Đài Loan…Vào thời điểm này, công việc làm phim được bổ xung thêm sức thanh xuân, khát vọng sục sôi và trình độ tay nghề của cả một lớp những đạo diễn, quay phim đào tạo cơ bản, dài ngày ở trong nước hay ở nước ngoài.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất, cơ bản nhất đưa tới những chuyển đổi mới mẻ trong cảm xúc, trong cung cách tìm tòi ngôn ngữ biểu đạt, trong việc thể hiện hiện thực chính là ngọn gió đổi mới, dám nhìn thẳng vào sự thật được bắt đầu từ Đại hội Đảng Cộng sản VN lần thứ VI năm 1986.

Xin được nói ngay: Chính điều này đã tạo nên những cởi mở, dân chủ, thông thoáng ở cách nhìn nhận, đánh giá trong khâu duyệt kịch bản, duyệt phim; cả ở những khâu khác thuộc thẩm quyền của các cấp cao hơn. Về những phim trực tiếp đề cập tới chủ nghĩa anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thử hỏi đến bao giờ chúng ta mới lại có được những bộ phim nghiêm túc, kỹ càng, được đầu tư đích đáng như “Ngã Ba Đồng Lộc”,của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh?

Có lẽ cũng là lần đầu tiên, phim về đề tài chiến tranh được thể hiện cả cái BI lẫn cái TRÁNG; cả chiến công lẫn những mất mát, tổn thất. Con người trong các bộ phim ấy không còn là những ma-nơ-canh xơ cứng, chỉ biết xông lên và hô hào, mà đã bắt đầu có cuộc sống riêng, mang chất “người” rõ rệt.Có thể kể ra đây những bộ phim như “ Đời cát” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân,“ Bến không chồng“,“ Người đàn bà trên chuyến tầu tốc hành”của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, “Sống trong sợ hãi’ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Làn gió dân chủ, cởi mở, sự thông thoáng càng thấy rõ thành quả trong mảng phim phản ánh hiện thực đời thường.

Khoảng một, hai chục năm trước, nhân vật chính trên màn ảnh khó có thể là anh lái xe ngang tàng, ương ngạnh mà ẩn sâu bên trong một tấm lòng nhân ái như trong phim “Canh bạc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, hoặc là những gã lâm tặc và những cô gái “nửa đời nửa đoạn” như trong phim “Rừng đen” của đạo diễn Vương Đức?

Nhiều bộ phim truyện ở thời điểm này đã nhìn thẳng vào những vấn đề xã hội gay gắt, nóng bỏng; phanh phui, mổ xẻ để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Bộ phim “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh là một bức tranh toàn cảnh về hiện tình nông thôi thời đầu mở cửa. Phim gióng lên một cách sớm sủa hồi chuông cảnh tỉnh nếu chúng ta bỏ rơi nông thôn và người nông dân chúng ta sẽ nhận lấy hậu quả. Ngày hôm nay khi lúa gạo, quả trái là mặt hàng xuất khẩu có thị phần lớn nhất, chiếm tỷ lệ GDP nhiều nhất, chúng ta càng thấy giá trị dự báo của bộ phim.Và theo ý riêng của tôi, đây cũng là tác phẩm hoàn bị nhất của vị đạo diễn đầu đàn này.

Bộ phim “ Rừng đen” của đạo diễn Vương Đức không chỉ là hồi chuông cấp báo về tệ nạn chặt phá rừng, phim còn đi xa, khái quát hơn với lời cảnh tỉnh xin đừng coi thường những quy luật của thiên nhiên- một vấn đề tìm được tiếng nói chung với điện ảnh thế giới.

Bộ phim “Lưới trời “ của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một đòn đánh trực chỉ vào tệ nạn tham nhũng. Bộ phim “Quyên “ của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình là sự cảm thông thống thiết tâm can đối với thân phận những người Việt Nam buộc phải lưu lạc kiếm sống nơi đất khách quê người.

Lại xin ghi công sự đóng góp của các đồng nghiệp Việt Kiều trong giai đoạn này với những bộ phim đạt tới những chuẩn mực thẩm mĩ cao như “Thời xa vắng” của đạo diễn Hồ Quang Minh, “Mùa hè chiều thẳng đứng” của đạo diễn Trần Anh Hùng, “Mùa len trâu “ của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh”, “Dòng máu anh hùng” của đạo diễn Charlier Nguyễn..

Trong giai đoạn này cũng đã khẳng định tài năng, sức sáng tạo, những tìm tòi, độ chín của một loạt các nhà quay phim như Nguyễn Hữu Tuấn, Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn Đức Việt, Lý Thái Dũng…của các anh chị, các em diễn viên, các nhà thiết kế điện ảnh, các nhà soạn nhạc

Còn điều này nữa cần phải nêu ra ở đây: Trong buổi hoàng kim này, nhiều đạo diễn qua những bộ phim của mình đã và đang bộc lộ một phong cách riêng: Vương Đức với phong cách phim tài liệu trong phim truyện. Sự dịu dàng, êm ái, đầy nữ tính đã định hình trong các bộ phim “Thung Lũng hoang vắng”, “Tâm hồn mẹ”, “ Lạc lối “ của nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Với “ Ngọn đèn trong mơ”, “Hoa của trời “ , “Ký ức Điện Biên” đặc biệt là “ Vua bãi rác” đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đang muốn tìm tới phương pháp khái quát, trìu tượng hóa khi thể hiện hiện thực quanh ta…

Nhà văn, nhà phê bình phim Tô Hoàng và Diễn viên Minh Trang tại Cánh Diều 2024 (nguồn ảnh: FBNV)

Như vậy, phim truyện của những năm 1990 vẫn nối tiếp được những điểm mạnh trong truyền thống của Nền Điện ảnh Dân tộc Cách mạng (bám sát hiện thực, coi trọng tính nội dung, tính thẩm mỹ, coi trọng đối tượng phục vụ.. ) mà xưa kia vốn đã làm hiện rõ diện mạo riêng của nền điện ảnh Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, nếu chiếu cạnh phim của Thái lan, Philipin, Singapor, Indonesia..

Xin được mạnh dạn gọi thời kỳ phát triển này là Kỷ Nguyên Vàng. Vậy nhìn lại Kỷ Nguyên Vàng ấy, chúng ta rút tỉa ra được điều gì bổ ích đây?

2 điều cơ bản!

1/ Nhắc lại những thành tựu này, chúng ta đều biết phần lớn những bộ phim “đình đám” được kể ở trên đền được làm bằng đồng vốn do Nhà nước chu cấp. Ấy vậy nhưng chúng ta tuyệt nhiên không mong muốn Điện ảnh lại trở về bấu víu vào bầu sữa mẹ bao cấp ấy! Nói tới toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường, chúng ta luôn nhấn mạnh tới yêu cầu ĐỊNH HƯỚNG XHCN.

Điện ảnh là một trong những mũi nhọn trên mặt trận văn hóa. Vì thế yêu cầu định hướng này càng quan trọng, bức thiết hơn. Nhưng chúng ta không thể đặt lên đôi vai những người làm phim tư nhân phải thực hiện yêu cầu ấy được. Chính ở đây, càng thấy rõ yêu cầu Nhà nước NÊN và CẦN đầu tư cho việc làm phim những khoản vốn thích đáng hơn nữa.Vào google ta thấy một số liệu cũ: Ở thời điểm năm 2022, một vị quan chức của Bộ Xây dựng cho biết, chi phí trung bình để làm 1 km đường cao tốc 4 làn xe thôi là 186 tỷ đồng.

Hiện tại, Nhà nước rót cho việc làm phim vào năm 2024 này là bao nhiêu?

2/ Nhìn vào “mặt hàng phim ảnh” vài ba năm gần đây chúng ta thấy hiển hiện tín hiệu vui mừng vì nhiều nhà làm phim trẻ không chịu buông xuôi hai tay, thả nổi những bộ phim của mình “bèo dạt mây trôi” chỉ thuần theo yêu cầu lỗ lãi và những trăm tỷ doanh số. Các đạo diễn trẻ Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Hoàng Điệp,Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh,Trịnh Đình Lê Minh, Vũ Ngọc Đãng và nhiều tên tuổi khác vẫn giữ nguyên trăn trở, nhiệt huyết làm sao để đạt tới những yêu cầu nghệ thuật, thẩm mĩ trong những bộ phim họ làm ra. Phim “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh… và đặc biệt là- tôi xin nhấn mạnh, bộ phim “Đất Phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tiêu biểu cho khuynh hướng vươn tới sự hài hòa giữa yêu cầu đạt doanh thu cao và đạt yêu cầu thẩm mỹ cũng phải cao.

Nhưng kỹ càng, nghiêm túc hơn, quả là phim ảnh của chúng ta đã và đang đánh mất đi CÔNG NĂNG XÃ HỘI vốn là truyền thống, là thế mạnh của nền Điện ảnh Dân tộc, Cách Mạng. Phim ảnh hầu như quay lưng lại với những vấn nạn xã hội như tội phạm ngày càng tăng, khoảng cách giữa giàu nghèo ngày càng giãn rộng, nhân cách, phẩm giá con người ngày càng xuống cấp. Liệu chỉ riêng tính giải trí, sự hấp dẫn người xem với những gì “kỳ”, những gì “lạ” trên màn ảnh có mang lại sự bình tâm, tĩnh trí, mãn nguyện cho những người làm phim hôm nay hay không?

Liệu người xem ở đất nước này có thích thú, say mê mãi với thứ phim ảnh không liên quan gì tới âu lo, vật vả đời thường của hàng triệu triệu người lao động; không động chạm gì tới tương lai, vận mệnh của quê hương, xứ sở? Liệu người xem còn bám màn ảnh bao lâu nữa với những câu chuyện kinh dị, ma quái non nớt, hời hợt, bắt chước thói chuộng lạ, bệnh hoạn của một số khuynh hướng điện ảnh trên thế giới ?

Vẫn biết tìm tòi, thể nghiệm, khai phá là cả một quá trình không chỉ ngày một, ngày hai được. Nhưng tính tới hôm nay, việc làm phim vận hành theo quy luật thường tình, hợp lý cũng đã hơn hai chục năm rồi. Điều này khiến chúng ta có quyền mong mỏi và sốt ruột.

Tác giả: Nhà văn, nhà phê bình phim TÔ HOÀNG