Ký ức Người Nghệ sĩ tôi yêu: Ký ức tuổi thơ từ NSƯT Vũ Linh

Đối với nhiều khán giả, không ai có thể thay thế được NSƯT Vũ Linh trong nghệ thuật cải lương. Đây thực sự là một tượng đài sân khấu, một ngôi sao nghệ thuật sáng chói, rực rỡ, giàu trí tưởng tượng và độc đáo.

Hôm nay, tôi mở nghe lại đoạn trích của ‘Giang sơn và Mỹ nhân’. Tôi đã khóc cho sự ra đi của một nghệ sĩ tài danh.

Tôi khóc khi nhớ về tuổi thơ của mình, được xem cải lương cùng mẹ, xem những tuồng của chú Vũ Linh. Cái chết không phải là sự kết thúc thật sự, nó chỉ là sự kết thúc của cuộc sống này và sự khởi đầu của một cuộc sống mới, sau đó cuộc đời của người nghệ sĩ sẽ tiếp tục ở đâu đó nơi chân trời và thiên đường tốt đẹp.

Ngày nay, chỉ còn lại một số ít nghệ sĩ có tài năng bậc nhất và đời tư sạch như nghệ sĩ Vũ Linh. Ở vị nghệ sĩ này là sự hiện thân của nhiệt tình và tâm huyết với nghề, không dựa vào scandal để nổi tiếng, phát huy tài năng thực sự.

Tôi có một người dì cực kỳ quý mến nghệ sĩ Vũ Linh. Mỗi khi có biểu diễn, dì ấy đều đưa con cháu đi xem cùng. Khi còn trẻ, dì đã mua tất cả đĩa CD có diễn xuất của nghệ sĩ Vũ Linh.

Tôi vẫn nhớ những khoảnh khắc đó, khi được xem vở ‘Tiết Đinh San Phàn Lê Huê’, nghệ sĩ Vũ Linh và nghệ sĩ Ngọc Huyền đã hóa thân một cách tuyệt vời vào nhân vậy, từng lời ca tiếng hát vẫn còn đọng lại ký ức của tôi cho đến ngày hôm nay.

NSƯT Vũ Linh (Nguồn ảnh từ báo Người Lao Động, do tác giả dự thi cung cấp)
NSƯT Vũ Linh (Nguồn ảnh từ báo Người Lao Động, do tác giả dự thi cung cấp)

Ngày chú Vũ Linh ra đi, tôi đã rất sốc, mà thật ra thì cả gia đình, dòng họ, hàng xóm của tôi đều sốc vì chúng tôi đều yêu quý vị nghệ sĩ tài danh này. Vĩnh biệt một thần tượng đã để lại nhiều kỷ niệm trong lòng người hâm mộ, đặc biệt là những vở diễn hồ quảng nổi tiếng đã xây dựng nên tuổi thơ của tôi.

Hồi nhỏ, mẹ tôi hay bật tivi xem các trích đoạn cải lương của nghệ sĩ Vũ Linh diễn cùng với các nghệ sĩ khác như Tài Linh, Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền. Tất cả như chỉ mới ngày hôm qua. Tôi nhớ khi còn nhỏ, mẹ tôi luôn thuê băng cassette các tuồng có sự tham gia của chú Vũ Linh và xem một cách say mê. Tôi cũng bị cuốn theo niềm yêu thích của mẹ rồi dần dần thích cải lương lúc nào không hay.

Có một cảnh mà tôi nhớ mãi khi còn nhỏ, khi tất cả những người thân yêu của tôi tụ tập lại để xem chú Vũ Linh biểu diễn trên màn ảnh nhỏ. Những bài ca của chú vẫn còn mãi trong ký ức của người hâm mộ già trẻ, và tôi vẫn nghe những bài ca hồ quảng của chú như một cách để nhớ về những kỷ niệm xưa.

Mẹ kể hồi xưa, tivi đen trắng có rất ít nên cả làng cùng nhau tụ lại ở nhà có tivi rồi nghe các tuồng của chú Vũ Linh. Chỉ cách đây vài chục năm, mẹ kể là còn hay nghe những vở diễn của chú Vũ Linh phát sóng trên sóng radio vào lúc 11h30 mỗi sáng. Và rõ ràng là chú Vũ Linh cũng trở thành ký ức đẹp trong lòng mẹ tôi, là một phần tuổi thơ của mẹ, là khoảng thời gian phải xem TV đen trắng của nhà hàng xóm.

Có thể nói mọi người đều yêu thích những vở diễn của chú Vũ Linh, từ bà đến bố mẹ. Những bài ca hồ quảng đã đi vào cuộc sống của tôi từ khi còn nhỏ.

Diễn xuất của chú Vũ Linh tự nhiên nhưng gọn gàng, giống như mái tóc thẳng mượt của người thiếu nữ xuân thời. Mẹ kể hồi ông bà tôi còn nghèo, họ làm việc cật lực để kiếm sống nhưng vẫn dành thời gian để ngồi xem cải lương như thể tất cả những gì họ cần là một chút gì đó để xoa dịu nỗi buồn. Có rất nhiều đạo đức, nghi thức và cách đối nhân xử thế với mọi người trong mỗi tuồng diễn của chú Vũ Linh.

Khi nhìn vào các tác phẩm cải lương/vọng cổ, bạn sẽ nhận ra rằng đây là một kho tàng nhân học mà một thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ kỳ cựu đã truyền tải một cách tự nhiên qua ca từ của họ. Lời nói thấm nhuần và diễn xuất của chú Vũ Linh đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ một cách lặng lẽ như thế. Có những câu hát mà khi nghe xong, tôi đã suy nghĩ rất nhiều lần để chiêm nghiệm.

Để kết lại bài viết này, tôi muốn chia sẻ một vài dòng thơ nhỏ từ cảm xúc của bản thân để tôn vinh chú Vũ Linh – một tài danh của sân khấu cải lương tuồng cổ.

Chú Vũ Linh tài danh một thời

Phụng Nghi Đình thương bao lời hát

Tình Lan Điệp sáu câu lòng tan nát

Mưa Bụi đi rồi tên mãi vinh quang.

Tác giả dự thi: Trần Nguyễn Phước Thông (Quận 7, TPHCM)

Những bài viết liên quan: