Đối với những người yêu thích cải lương thì hầu như ai cũng biết nghệ sĩ ưu tú Mỹ Châu. Mỹ Châu là nghệ sĩ nổi tiếng từ thuở nhỏ và cho đến nay dù đã rời xa sân khấu nhưng giọng hát của chị vẫn còn in đậm trong tim tôi nói riêng và trong lòng bao khán giả hâm mộ nói chung. Tôi yêu thích nghệ sĩ Mỹ Châu vì tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp về nghệ sĩ này và tôi xin trình bày trong bài viết này.
Tôi còn nhớ năm tôi học lớp 1 lúc tôi còn ở Sài Gòn, lần đầu tiên tôi nghe bài cổ nhạc phát ra từ ở nhà chị Duyên trong xóm. Đó là giọng ca của nữ nghệ sĩ. Tôi ngồi trước lan can nhà nghe cho hết bài. Tôi vội vàng đến nhà hỏi chị Duyên “Chị cho em hỏi, nghệ sĩ nào mới hát xong đó chị”. Chị đáp : “Nghệ sĩ Mỹ Châu đó em. Mẹ chị thích giọng hát của Mỹ Châu nên mới mua cái máy cassette ngày hôm qua. Mẹ chị nói muốn nghe nhiều bài hát của Mỹ Châu”. Tôi nói “Em mới nghe lần đầu. Hay quá chị ơi! Mừng quá, từ nay em sẽ nghe ké máy hát của chị. Em muốn nghe nhiều hơn giọng hát của Mỹ Châu. Giọng ca rất buồn nhưng càng nghe thấy rất thấm thía”.
Sau ngày đó, mỗi lần nghe từ nhà chị Duyên hát cải lương mà có giọng hát của Mỹ Châu là tôi ra trước nhà để nghe cho rõ. Dần dần tôi nghiện giọng hát này.
Kỷ niệm khó quên của tôi. Có một lần mẹ tôi bận công việc nhờ tôi xem chừng nồi canh chua chờ nấu sôi vài lần sẽ tắt bếp. Tôi chợt nghe từ nhà chị Duyên hát tuồng cải lương “ Phàn Lê Huê”, tôi lật đật bỏ lên trước nhà để nghe cho rõ.
Vì có đoạn Mỹ Châu hát hay quá “ Qua ngàn buổi canh thâu, bao ngày nhớ đêm thương, hoa biết bao lần nhung nhớ…”. Tôi nghe xong thì tá hỏa vì biết nồi canh chua còn nấu dưới bếp. Tôi thấy nồi canh nấu bị nhừ, nước cạn rất nhiều. Thế là hôm ấy tôi bị mẹ tôi rầy vì để cả nhà ăn nồi canh rất dỡ. Mẹ tôi nói “ Con ráng học giỏi, nếu cuối năm con được lãnh thưởng, mẹ sẽ mua cái máy cassette, lúc đó con khỏi phải nghe ké nhà hàng xóm nữa. Nghe mẹ nói vậy , tôi hạ quyết tâm học thật giỏi. Cuối năm học lớp 3, tôi hạng nhì trong lớp. Thế là mẹ mua cái máy cassette để từ nay tôi nghe nhạc thoải mái. Tiền cha mẹ cho ăn bánh, tôi để dành để thỉnh thoảng đi mua những băng cassette có giọng hát của Mỹ Châu. Hát một thời gian băng bị hỏng, tôi mua cái khác. May mắn vì mẹ tôi và chị Hai tôi cũng yêu thích giọng ca của Mỹ Châu nên số lượng băng cassette của nghệ sĩ Mỹ Châu rất nhiều. Chị tôi còn thu tuyển chọn những bài ca cổ hay nhất của Mỹ Châu vào chung băng cassette để nghe cho “đã tổ tai” .
Sau năm 1975, tôi về quê hương ở Long An sinh sống. Chiếc máy cassette đã hư nhưng vì cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên nhà tôi chưa có mua máy hát khác. Thỉnh thoảng, tôi đến nhà người quen chơi mà biết có máy cassette, tôi hay nhờ họ mở các bài tân cổ, các tuồng cải lương có giọng hát của Mỹ Châu cho tôi nghe.
Năm 1984, đoàn cải lương Văn Công Thành Phố về hát ở chợ Bình Chánh, tôi và em trai tôi phải đạp xe tận 15km để đi xem Mỹ Châu hát. Đêm đó đoàn hát vở cải lương “ Nàng Hai Bến Nghé”. Đến nơi, một cảnh tượng tôi chưa từng thấy. Khán giả đông nghẹt. Những năm ấy, nghệ sĩ thường về hát các tỉnh. Người ta lấy tôn bao quanh mãnh đất rộng rồi bán vé cho mọi người vào xem. Anh em tôi phải xếp hàng rất lâu mới mua được vé, Khi vào bên trong thì không còn chổ trống. Xem hát xong, trời khuya nhưng anh em tôi cũng ráng đạp xe về nhà. Cũng may là hôm sau chủ nhật nên chúng tôi được nghỉ ngơi không có đi học.
Mỹ Châu là nghệ sĩ rất đặc biệt. Đặc biệt bởi giọng ca trầm và không có nữ nghệ sĩ nào có thể hát trầm hơn. Và “dây Mỹ Châu” ra đời cũng bởi giọng ca trầm buồn sâu lắng ấy. Càng nghe càng thấy hay hơn, lời ca tiếng hát như len lõi vào con tim của người nghe. Có thể nhiều người không thích giọng hát Mỹ Châu, nhưng ai đã thích rồi thì có thể nghe thường xuyên như bị nghiện. Vì vậy Mỹ Châu có biệt danh “Giọng hát liêu trai”.
Mỹ Châu với biệt danh “ Nữ hoàng kiếm hiệp” với thần thái oai phong khi đóng vai nữ chính trong nhiều vở cải lương như “Kiếm sĩ dơi”, “Người tình trên chiến trận”, “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn” “Cuốn theo chiều gió”.,,, Về cải lương Hồ Quảng thì Mỹ Châu cũng không có đối thủ với “ Sở Vân cứu giá”, “Sở Vân cưới vợ”, “ Bao công xử án Quách Hòe”, “Tiêu Anh Phụng” … Sau năm 1975, Mỹ Châu xuất sắc với các vở cải lương xã hội như “Khách sạn hào hoa”, “Tìm lại cuộc đời”…Mỹ Châu và Phượng Liên được gọi là “Nữ hoàng băng đĩa” với số lượng băng đĩa đã phát hành rất nhiều so với nữ nghệ sĩ khác.
Giờ tôi đã hơn 60 tuổi, dù trên mạng Internet bây giờ muốn nghe nghệ sĩ nào cũng có nhưng tôi vẫn còn lưu lại các băng casset cải lương của nghệ sĩ Mỹ Châu.
Tuổi thơ của tôi trải qua nhiều sóng gió, mỗi lần nghe giọng hát buồn của Mỹ Châu tôi lại thấy như có sự đồng cảm với mình. Hầu như ngày nào tôi cũng nghe tiếng hát của Mỹ Châu. Giờ nhà tôi có loa kéo, có điện thoại thông minh nên có thể nghe bất cứ lúc nào.
Mỹ Châu là nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, có đạo đức nghề nghiệp luôn nhớ ơn người nâng đỡ mình khi mới vào nghề như danh ca Minh Cảnh và chị luôn giúp các bạn đồng nghiệp mình khi bước vào nghề như Minh Phụng, Bích Hạnh…Chính Minh Phụng đã nói “Nếu không nhờ sự giúp đỡ của Mỹ Châu thì Minh Phụng không nổi tiếng như ngày nay”. Mỹ Châu sống kín tiếng không phô trương như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác. Vì vậy cô được nhiều khán giả yêu mến. Tôi nghĩ “ Nếu Mỹ Châu trở lại sân khấu thì giá vé bao nhiêu tiền tôi cũng mua xem”. Tôi tin nhiều người có suy nghĩ giống tôi. Tuy nhiên một nghệ sĩ biết dừng đúng lúc để giữ hình ảnh đẹp trong lòng khán giả, theo tôi là quyết định đúng đắn.
Tôi chúc nghệ sĩ ưu tú Mỹ Châu luôn mạnh khỏe và hạnh phúc. Nếu may mắn biết đâu có dịp tôi gặp được chị. Chắn chắn chị sẽ vui vì chị biết có một người trên 50 năm qua yêu thích giọng hát liêu trai của chị. Tôi rất cảm ơn Ban tổ chức mở ra cuộc thi rất hay để khán giả có dịp bày tỏ tình cảm dành cho nghệ sĩ thần tượng của mình..
Tác giả dự thi: Nhà giáo – Ca sĩ Nguyễn Thanh Dũng (Long An)