Và gió ru tình ta, mây đan gối êm dịu dàng
Kìa nắng lên ngoài song, xin ta chút con tình nhạt
Này ta yêu, ta hôn, ta say, ta khát
Này ta yên, ta nghe bên tai ta thì thầm
Gió… thì thầm kìa anh
Nắng… thì thầm kìa em
…
Đó là những ca từ nhẹ nhàng như ru lòng người miên man trong mối tình thật đẹp, mở đầu cho bài hát Mùa yêu. Và đó cũng là giai điệu du dương, êm ả gõ cửa trái tim tôi để nối tiếp những tháng ngày say mê các ca khúc và dự án âm nhạc của ca sĩ, nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý.
Nguồn ảnh: Facebook Lê Cát Trọng Lý
Nhắc đến chị Lý, chắc ai cũng sẽ hình dung đấy là một cô gái nhỏ nhắn, mảnh khảnh với chiếc đàn ghi ta mang theo mình suốt bao năm trong các chuyến lưu diễn hay trong những buổi hòa nhạc đong đầy cảm xúc.
Xuất thân từ gia đình ba là ca sĩ, mẹ là giáo viên dạy văn, có lẽ vì vậy mà chị Lý đã sớm sở hữu trong mình những điều đẹp đẽ của một gia đình trí thức. Nhưng, để định vị được “thương hiệu” âm nhạc trong lòng khán thính giả mến mộ chị như hôm nay, nó phụ thuộc phần lớn vào cách làm nhạc, cách gửi trao tình yêu âm nhạc của chị vào những tác phẩm do chị tự tay sáng tác.
Tôi thích phong thái bình dị, lặng lẽ mà tràn đầy năng lượng cùng nụ cười nhẹ tênh của chị khi xuất hiện trước sân khấu. Cứ như thể, buổi biểu diễn của chị không có ồn ào, không có hò reo, chẳng có ánh đèn màu mè, lấp loáng để tô điểm thêm cho phần biểu diễn. Ở đó, chỉ có lời ca mộc mạc, ý thơ thật đẹp, và Lê Cát Trọng Lý.
Thực sự, âm nhạc của chị Lý không phải ai cũng thích, đôi khi nó cần sự từng trải của người nghe. Càng trải đời, càng có nhiều chiêm nghiệm sống, thường người ta sẽ càng yêu mến từng lời ca, giai điệu, tiết tấu trong bài hát do chị sáng tác và trình diễn. Bởi, dường như bao hoài niệm, ký ức chất chứa chị gửi gắm hết vào tác phẩm của mình.
Ở tuổi đôi mươi, vài lần tôi được nghe chị Lý biểu diễn ca khúc Chênh vênh trên sóng truyền hình nhưng hồi đó, tôi không sao cảm nhận được hết ý tứ của lời ca. Âm nhạc của chị với tôi khi đó thật khó hiểu. Hay nói đúng hơn, nó không hợp với một cô sinh viên sôi nổi, chưa va vào đời và lại chưa có một mảnh tình vắt vai. Vậy mà, ngày tôi quen anh, người bạn đời tay ấp đầu gối, những lời ca dạt dào ý thơ của chị cứ như xâm chiếm cả tâm hồn tôi, nhẹ bâng và thắm thiết: “Thương anh, thương anh, thương vô cùng. Yêu em, yêu em như điên dại. Thương ta, thương ta hết kiếp này. Thương cho đêm không tan, ngày không úa”.
Những câu chuyện tình yêu có vui có buồn trong ca khúc của chị được dệt nên từ chất liệu thiên nhiên mộc mạc mà có hồn. Có pha vào đó cái nhìn về nhân sinh quan, triết lý nhưng lại rất giản dị, đời thường, dễ thẳm sâu vào lòng người nghe những khắc khoải, day dứt: “Trong khu vườn ươm mùa đông lạnh khô triền miên gió rét lá buồn thiu/Trong gương mặt soi vào nhau mộng mơ triền miên nắng chiếu vẫn ngủ say/Đừng đem ước muốn ngày xưa gán vào em như tranh vào khung/Giết mất hình dung trong ta về nhau ở ngay lúc bây giờ…” trong ca khúc Cây lặng, gió ngừng. Và có lẽ, khi ta trưởng thành sau những tổn thương, biến cố của cuộc đời, ta sẽ thấy nhạc của chị Lý mang cho ta thêm chút bình yên, chút tươi mát và ngọt ngào khi chất giọng trong veo mà sâu lắng của chị ngân vang qua bài hát Thương: “Ghen với gió, giận cơn mưa, mong cho trời đứng lại/Giật nụ hôn từ gió khát, làm trời cao để ôm mưa/Đi kiếm nắng, tận mây xa, mong cho lòng ấm lại/Để còn yêu mùa gió mới, để còn say tình chênh vênh.”
Nguồn ảnh: Facebook Lê Cát Trọng Lý
Là một Nghệ sĩ trẻ hoạt động độc lập, có màu sắc riêng, có lối đi riêng, bên trong con người nhỏ nhắn ấy luôn dồi dào cảm hứng, đam mê và dự định dành cho âm nhạc. Tôi chưa có dịp nghe trực tiếp giọng ca truyền cảm của chị tại các buổi hòa nhạc. Nhưng tôi vẫn mãi theo dõi con đường chị đi, bởi lúc nào nó cũng mới lạ, để lại nhiều dấu ấn trong tôi về một người Nghệ sĩ tài năng mà khiêm nhường.
Tôi rất ngưỡng mộ cách chị làm nên album những khúc ca Việt cổ. Dường như, những bản nhạc chị biên soạn lại theo ghi chép và thu thập từ các khúc hát, lời ru của các dân tộc Mường, Pa kô , Bana, Chăm… trên khắp mọi miền đất nước hình chữ S đã giúp lan tỏa lời ca dễ thương, dung dị có trong âm nhạc bản địa đến với nhiều người Việt hơn nữa. Bởi đó cũng là cách lưu giữ lại phần hồn trong âm nhạc truyền thống của người Việt. Chẳng sai khi cho rằng nhạc của Lê Cát Trọng Lý vừa mang hơi thở truyền thống lại du dương giai điệu của nhạc thính phòng.
Chị Lý làm nhạc trong âm thầm và cách chị đóng góp cho đời cũng lặng lẽ như con người của chị. Dự án Khù Khờ Tour ra đời đã đem đến niềm hy vọng, đã mở ra nhiều cánh cửa và nâng đỡ ước mơ trên con đường tìm kiếm chữ nghĩa cho các em không có đủ điều kiện học hành để chắp cánh cho các em có vốn liếng tri thức bước vào đời mai sau. Mùa thu năm 2023, Khù Khờ Tour đến châu Âu, mỗi bước đi trong hành trình lưu diễn cùng chị Tú, người cộng sự của chị đã được cộng đồng Kiều bào quý mến quan tâm. Tại mỗi đất nước chị đến, cộng động người Việt sẵn sàng đón đưa chị, sắp xếp nơi ăn chốn ở cho chị khi chị cần giúp đỡ. Mới thấy, tình cảm bao người Việt xa xứ dành cho chị nhiều đến nhường nào. Mới thấy, cách chị sống, điều chị làm, nó đẹp đẽ, lắng đọng và ngập tràn tình người ra sao như trong từng lời ca chị gửi trao qua tác phẩm của mình.
Tôi tiếc mình đã không đến được Malmo, Thụy Điển để nghe thứ tiếng Việt thân thương cất lên từ chất giọng dịu êm của chị, dù tôi ở gần đấy. Bởi, tôi vừa sinh em bé nên chỉ có thể cập nhật thông tin hành trình qua những con chữ chan chứa cảm xúc và biết ơn của chị đến khán thính giả trên trang cá nhân. Sự luyến tiếc của tôi chỉ nhói lên trong giây lát, nó sớm tan đi giữa những cái nắm tay, nụ cười, tình cảm và tâm hồn đẹp giữa người với người gặp nhau trong đêm diễn của chị ở trời Âu.
Lê Cát Trọng Lý, những nốt nhạc chị viết, khúc ca chị hát, tấm lòng chị trao đi lẳng lặng thả vào lòng người niềm tin yêu cuộc sống để bình yên tìm về giữa cuộc đời.
Tác giả dự thi: Đặng Nhung (Thụy Điển)