Ký ức Người Nghệ sĩ tôi yêu: Người Bà Kính Yêu – Nghệ Nhân Hát Xẩm Hà Thị Cầu

Trong buổi giao lưu cùng một bạn nghệ sĩ trẻ tuần trước, chúng tôi đưa ra những quan điểm, góc nhìn về nghệ thuật xưa và nay. Đang lúc trò chuyện hăng say thì bất chợt âm thanh từ chiếc loa treo tường vang lên, cắt đứt mạch tranh luận của hai đứa.

“Trời cao có thấu tình chăng

Đời người mấy lúc gian truân mà già?”

Giọng hát rưng rức truyền qua tai tôi, mang theo những ký ức thân quen đến lạ. Tôi nhận ra đấy là giọng ca của cụ Hà Thị Cầu, một nghệ nhân của làng hát xẩm. Ngày biết đến cụ, tôi mới chỉ là đứa trẻ mười ba tuổi. Hồi ấy, bà cố của tôi còn sống, bà rất mê nghe diễn tuồng, hát chèo hay hát xẩm. Trong một lần cùng bà nghe bài Xẩm Thập Ân, tôi đem lòng say mê giọng hát của cụ Cầu. Ở độ tuổi đó thể loại mà cụ hát sẽ khó làm những đứa trẻ như tôi thích nhưng chẳng hiểu vì sao đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in từng đoạn luyến láy, lên cao, xuống thấp trong bài hát của cụ.

Tôi biết đến cụ với danh “báu vật nhân văn” của nghệ thuật hát xẩm. Nhưng hình ảnh về cụ trong ký ức của tôi suốt bao năm luôn là một người bà đã lớn tuổi với mái tóc bạc, làn da nhăn nheo, mặc áo vải nâu, ngồi trên chiếc chiếu cói kéo đàn nhị. Hình ảnh ấy đơn bạc hơn nhiều so với những gì mà người ta hình dung về cụ qua danh xưng “báu vật”.

Tôi hay tin cụ mất sau một năm biết đến cụ. Vì còn nhỏ nên tôi không cách nào đến đưa viếng, chỉ có thể gửi lời tiễn biệt từ xa. Trên mặt báo giấy lúc đó đưa tin về cụ rất nhiều, những dòng tiếc thương vô bờ in tràn trên các mặt báo lớn. Họ nhắc đến cụ như một nghệ nhân đã tạo nên tiếng thơm trong làng hát xẩm và họ lo rằng sau này có thể giới trẻ sẽ chẳng còn ai nhớ tới hay truyền bá làn điệu hát xẩm cho bạn bè quốc tế được biết nữa. Cũng vì câu nói đó mà đến tận bây giờ, hễ có người bạn nước ngoài nào hỏi về nghệ thuật dân tộc của Việt Nam là tôi sẽ đề cử: “Hãy nghe cụ Cầu hát xẩm.”

Ảnh tư liệu từ internet

Nhớ hồi học lớp 10, trường tôi tổ chức cuộc thi thuyết trình về chủ đề các dòng nhạc dân tộc. Tôi đã tự ứng cử tham gia để thuyết trình về nghệ thuật hát xẩm. Khi giơ tay tôi rất tự tin nhưng bắt tay vào tìm hiểu, lên ý tưởng và viết bài, tôi gặp phải rất nhiều khó khăn. Thời điểm ấy có rất ít trang thông tin viết bài về chủ đề này. Thế là tôi lại bật nhạc của cụ Cầu lên nghe, rồi đưa cụ vào bài như một dẫn chứng cho luận điểm: “Giá trị của nghệ thuật nằm ở người truyền tải nó.”. Như vậy là tượng đài của nghệ thuật hát xẩm lại lần nữa xuất hiện. Bài thuyết trình ấy được thông qua vòng sơ khảo rồi tiến vào vòng xét giải, lòng tôi thầm mong bài thi của mình sẽ được giải cao. Nhưng có thể là do sự hạn chế của bản thân nên tôi chỉ giành được giải khuyến khích. Mặc dù không phải thành tích cao nhưng tôi tự hào vì đã đưa một loại hình nghệ thuật ít ai biết đến tới gần hơn với mọi người. Đồng thời cũng đã truyền tải một hình ảnh đẹp về người nghệ sĩ già năm ấy – người luôn ôm trong lòng tình yêu nghệ thuật, gánh trên vai sứ mệnh giữ gìn và phát huy nó tới muôn đời sau.

Một cách tình cờ, cụ Cầu thường đem tới cho tôi nhiều nguồn linh cảm trong lúc bí bách. Khi không biết viết gì, tôi bật nhạc của cụ lên nghe. Năm ngoái, tôi may mắn được Báo Nghệ An chọn đăng tải một tác phẩm truyện ngắn, bài viết có nhắc tới bài Xẩm Thập Ân của cụ. Khi viết phân đoạn đó, trong đầu tôi hiện ra bóng hình của cụ. Năm mười ba tuổi cũng như năm hai ba tuổi, hình ảnh cụ Cầu ngồi trên chiếc chiếu cói, khuôn mặt già nua khắc khổ kéo cây đàn nhị rồi hát từng lời ca nghe như tiếng thủ thỉ, nỉ non vẫn còn in hằn trong tâm trí tôi. Cụ hát:

“Phụng mười ân – phụng mười ân tấc dạ không phai.

Mẹ mới có thai kể từ một ân thì con ơi mẹ mới có thai – âm dương là âm dương nghĩa khí nào ai biết gì ở trong lòng con ơi, luống những sầu bi, ruột gan chua xót nỗi khi vơi đầу…”

Thanh âm nghe có khi rưng rức như đang dặn dò, khuyên răn, khi khàn khàn mang âm điệu chua xót. Có lẽ vì bài hát ấy xúc động quá nên tôi chẳng tài nào quên được bóng hình của cụ.

Ở mỗi loại hình nghệ thuật đều sẽ có một cây cao bóng cả nằm trong lòng khán giả. Dù cho người nghệ sĩ ấy đã rời khỏi thế giới thật lâu thì đâu đó vẫn còn những ký ức khó quên về họ vương vấn lại trong lòng người mến mộ. Hình ảnh cụ Cầu khắc sâu trong tâm trí tôi bao năm không chỉ vì tài năng và những đóng góp lớn lao mà vì cụ đã dùng cả đời để giữ lấy nét đẹp của dân tộc, dùng lời ca của mình để răn dạy đời sau.

“Mẹ kể từ khi mấy con nghe thời mẹ kể từ khi

Mới sinh con đã biết gì đau thương

Nhật Pháp thời chứ dày xéo quê hương

Nhật mấy Pháp dày xéo quê hương, bà con chết đói, ngập đường đầy sông

Cảnh nhà ta, nay bước đường cùng

Cha đi cầu thực, mẹ bồng con theo

Nắng mưa thời lội suối trèo đèo

Nắng mấy mưa lội suối trèo đèo

Đắng cay tủi nhục, phận nghèo xót xa

Vợ lìa chồng, con phải xa cha

Bơ vơ nào biết, cửa nhà là đâu…”

Tưởng chừng như sau khi cụ Cầu mất thì loại hình nghệ thuật hát xẩm sẽ bị lãng quên trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại. Nhưng khi tôi tiếp cận gần hơn tới các bạn nghệ sĩ trẻ, họ đã cho tôi sự bất ngờ nằm ngoài dự tính. Hóa ra hát xẩm chẳng hề mai một mà vẫn còn được các bạn trẻ ấy gìn giữ và phát huy một cách thầm lặng.

“Xẩm 48h” là câu lạc bộ quy tụ rất nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với loại hình hát xẩm. Các bạn ấy truyền tải nét đẹp của loại hình này cả trong nước và với bạn bè quốc tế. Cái mới trong cách trình diễn của các bạn là người nghe có thể tương tác, thử sức bằng cách chơi thử dụng cụ, tập hát chung với người biểu diễn. Điều ấy gây được sự thích thú cho người xem, đồng thời tạo ra được một hiệu ứng quảng bá rất tốt. “Hành động hơn lời nói” – tiêu chí ấy đã đưa loại hình hát xẩm chạm nhanh hơn tới trái tim của khán giả Việt Nam, vươn tới gần hơn với bạn bè quốc tế. Tôi nghĩ rằng đây cũng là những gì cụ Cầu từng đau đáu.

Dường như điểm chung của những người trẻ như chúng tôi đều là được cụ Cầu thắp lên ngọn lửa mãnh liệt với loại hình hát xẩm. Tôi mong nếu có thể bạn hãy thử một lần nghe cụ hát, không chỉ là nghe giọng ca mà còn cảm nhận ý nghĩa trong lời bài hát mà cụ muốn truyền tải. Nếu có dịp nào ghé làng Mọc – Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, bạn đừng quên thưởng thức làn điệu hát xẩm của các nghệ nhân nơi đây. Có thể ở đó sẽ chẳng có những ánh đèn chiếu sáng nhiều màu hay sân khấu hoành tráng nhưng những điều giản dị thân thương của nhà mái ngói, chiếu cói, đàn nhị… sẽ làm bạn thổn thức tận sâu trong tâm thức. Bởi đó là một phần hồn cốt của con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam và tôi cũng mong rằng mọi người sẽ biết đến, sẽ truyền bá loại hình diễn xướng dân gian này rộng rãi để thế hệ sau không quên rằng: “Dân tộc ta cũng có những thể loại nhạc hay, những người nghệ nhân tài ba đến vậy.”

Tác giả dự thi: Nguyễn Bảo Quyên (Thanh Hóa)

LTS: Bạn đang theo dõi bài dự thi của Tác giả Nguyễn Bảo Quyên tại cuộc thi viết “Ký ức Người nghệ sĩ tôi yêu”.

Nếu bạn yêu thích bài viết này, có thể khích lệ Tác giả và Hotstar.vn bằng 01 ly “Cà phê Hotstar năng lượng” chào ngày mới” (trị giá 20.000 đồng). Tác giả sẽ được hưởng 50% ly “Cà phê Hotstar năng lượng” sau khi cuộc thi tổng kết, 50% sẽ được dùng cho Quỹ phát triển Hotstar.vn.

Bạn có thể quét mã QR để gửi tặng “Cà phê Hotstar năng lượng” hoặc chuyển khoản về số tài khoản: 0984535659 – Trương Quốc Phong, ngân hàng Sacombank (khi chuyển vui lòng ghi tên Tác giả hoặc bài viết bạn muốn gửi tặng). 

Hotstar.vn chân thành cảm ơn.

Những bài viết liên quan: