Nếu cuộc đời đã đôi lần ưu ái, tặng tôi nhiều dấu cộng bất ý, thì ca khúc Tôi ơi đừng tuyệt vọng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn là nơi neo tôi lại, giúp tôi nương nhờ mà yêu hơn đời này. “Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng/ Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”.
Tôi chưa từng thấu hiểu sâu sắc cụm từ “âm nhạc chữa lành” cho đến khi âm nhạc của Trịnh đến bên đời. Nếu Tôi ơi đừng tuyệt vọng bắt cầu cho tôi đến với Trịnh, hay nói đúng hơn tôi yêu mến, biết ơn Trịnh thông qua ca khúc ấy, thì theo thời gian, ở từng giai đoạn, những ca khúc của Trịnh đã góp phần nâng đỡ tâm hồn chông chênh, cô độc của tôi. Dẫu, quanh tôi, bạn bè, kể cả người thân trong gia đình, ít ai ngồi hàng giờ nghe Trịnh – dòng nhạc mà theo họ là não nề, khó hiểu và… nhức đầu. Có lẽ vậy, nên tôi chọn nghe Trịnh một mình vào mỗi sáng tối, bên những sợi khói thơm phưng phức bay lên, từ ly cà phê sữa nóng. Một mình mà chẳng một mình. Cảm giác đó khiến tôi thấy thú vị vô ngần.
Như bao cô gái bước vào yêu, tôi cũng cuồng nhiệt yêu, cuồng nhiệt trao tất thảy những tinh khôi nhất cho người mình chọn. Tôi rời gia đình để mộng xây lâu đài hạnh phúc tôi đã tự mình tô vẽ nên. Thị thành quyến rũ không chỉ vì sự kiêu sa, lộng lẫy mà nó còn hấp dẫn tôi vì nơi đó có thứ tình yêu tôi cho là vĩnh cửu không gì sụp đổ. Tôi lao vào phồn hoa đô hội, để rồi đêm đêm trên căn gác trọ quạnh vắng, nỗi cô liêu bủa giăng “Giật mình nhìn quanh/ Ô phố xa lạ” (Bên đời hiu quạnh).
Ngày vui chóng vánh. Tình tan, tim vỡ, tôi vật vã cùng những vết hằn bỏng đau. Quyết định khăn gói về lại quê nhà…
Tôi trở về quê với một tinh thần kiệt quệ, tiều tụy. Lúc này, mẹ chính là người sớm hôm kề cận, âm thầm chăm sóc cho tôi từng chén cháo, ly sữa. Bà không trách giận hay la mắng tôi lấy một lời, mà trái lại, ánh mắt đau đáu lắng lo cho tôi mênh mông, sâu thẳm. Tôi chợt nhớ trong quyển sách của Trịnh, có đoạn: “Nếu có ai đó bảo với tôi rằng ở một nơi nào đó có một người xem con mình vừa là mục đích đầu tiên, vừa là mục đích cuối cùng của đời mình thì tôi tin chắc rằng người đó không ai khác hơn là mẹ tôi”. Đúng vậy, mẹ tôi cũng giống như bao người mẹ vĩ đại khác, lúc nào cũng xem đứa con mình nhỏ bé, dại khờ, dù có bao nhiêu tuổi vẫn là bé con. Tôi vô thức ngân nga lời hát dễ thương trong bài Em là hoa hồng nhỏ, để thấy mình gần hơn với những thiêng liêng có được bên đời “Cây có rừng bầy chim làm tổ/ Sông có nguồn từ suối chảy ra/ Tim mỗi người là quê nhà nhỏ/ Tình nồng thắm như mặt trời xa…”
Ôi! Đến cuối cùng, tôi cũng nhận ra một chân lý sáng rõ, mà như Trịnh đã từng nói, rằng “đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Và tôi tin, những nỗi đau đớn, tuyệt vọng nhỏ nhoi của tôi trong quãng thanh xuân kia, cũng lung linh hệt một bông hoa. Vậy cớ gì không sống trọn đời nở rộ của một bông hoa. Ít ra, tôi còn đang được ân sủng cao vời, đó là còn mẹ bên đời. Cảm ơn Trịnh đã cho tôi nhận ra điều này trước khi quá muộn màng…/.
Tác giả dự thi: Én Nhỏ (Củ Chi, TPHCM)
LTS: Bạn đang theo dõi bài dự thi của Tác giả Én Nhỏ tại cuộc thi viết “Ký ức Người nghệ sĩ tôi yêu”.
Nếu bạn yêu thích bài viết này, có thể khích lệ Tác giả và Hotstar.vn bằng 01 ly “Cà phê Hotstar năng lượng” chào ngày mới” (trị giá 20.000 đồng). Tác giả sẽ được hưởng 50% ly “Cà phê Hotstar năng lượng” sau khi cuộc thi tổng kết, 50% sẽ được dùng cho Quỹ phát triển Hotstar.vn.
Bạn có thể quét mã QR để gửi tặng “Cà phê Hotstar năng lượng” hoặc chuyển khoản về số tài khoản: 0984535659 – Trương Quốc Phong, ngân hàng Sacombank (khi chuyển vui lòng ghi tên Tác giả hoặc bài viết bạn muốn gửi tặng).
Hotstar.vn chân thành cảm ơn.