Đó là người nhạc sĩ, ca sĩ, biên tập âm nhạc có 16 năm làm chỉ huy trong các liên đội của lực lượng thanh niên xung phong nơi tuyến lửa, biên giới, nông trường… đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hi”: Ca – Nhạc sĩ Lã Văn Cường.
Tôi hân hạnh tình cờ được “diện kiến” người nhạc sĩ quê gốc Quảng Nam cách đây đã hơn “con giáp 12 năm”, nhân dịp tình cờ đi dự buổi họp mặt bạn bè thân tình ở một CLB Hát Với Nhau tại quận Tân Bình TP.HCM.
Ca – Nhạc sĩ Lã Văn Cường là người đã có trong tay hơn 400 nhạc phẩm với đủ thể loại nhạc, từ ca ngợi sự hy sinh sức trẻ thanh xuân thanh niên xung phong xây dựng đất nước (như “Trên Đường Đời” – nhạc phim “Ngọc Trong Đá”) đến tình ca, tình yêu lãng mạn hay yêu thiên niên, tự do có cuộc sống phóng khoáng, yêu đời (như trong “Vườn Yêu” và “Có Đôi Khi”, hai tuyệt phẩm của nhạc sĩ tài hoa Lã Văn Cường đã “mạ vàng tên tuổi” của nữ danh ca tài sắc có chiếc răng khễnh thật duyên dáng, đáng yêu đó là ca sĩ kỳ cựu Hồng Nhung)…
Điều đáng quý và cảm phục của tôi đối với nhạc sĩ Lã Văn Cường là ở ngoài đời thường ông thể hiện sự chân tình, trung thực. Ông hào phóng với bạn bè và giản dị, bình dân nhưng cương trực đúng cái chất của người nhạc sĩ cũng như một vị chỉ huy ưu tú, nổi tiếng trong lực lượng thanh niên xung phong với quá khứ hào hùng. Đọng lại trong tâm tư tình cảm của tôi đó là những lần gặp mặt hiếm hoi vì ông rất bận rộn tận hiến hết mình cho âm nhạc và ôm cây đàn guitar mộc mạc, quẩy chiếc balo lên đường du ca.
May mắn tôi được người nhạc sĩ bậc đàn anh khả kính dìu dắt, truyền đạt cho tôi niềm say mê âm nhạc bất tận, để rồi noi gương ông, tôi đã tập tành tự mày mò học ca hát, nhạc lý và tự “sáng tác” được một nhạc phẩm cho riêng mình, dù tôi chỉ học trên những phương tiện truyền thông mạng online của nền tảng Youtube, Facebook, sách vở và nhất là…từ sự truyền đạt tận tình của ông với câu nói để đời.
Tôi ghi khắc vào tâm khảm như một “kim chỉ nam” của người nghệ sĩ, với những điều chia sẻ từ ông: “Điều gì cũng cần phải thật! Cái gì không phải của mình thì đừng cố mà chiếm đoạt, giữ lấy rồi mạo danh mình để đổi lấy chút hư danh và tiền bạc. Điều đó sẽ làm giết chết âm nhạc một cách tàn nhẫn, khó được dung thứ. Tiền bạc, danh vọng chỉ là phù du mong manh, nhất thời trong khoảnh khắc nào đó thôi. Cái chính đó là sự thật không thể che giấu mãi được. Âm nhạc là sự cống hiến bất tận, tự học hỏi và luôn biết giữ gìn, trân trọng giá trị của nó”.
Cái tính triết lý, chất thiền trong nhạc của ông, người nhạc sĩ tài hoa luôn là tấm gương sáng cho các nhạc sĩ, ca sĩ thế hệ trẻ ngày nay noi theo. Âm nhạc của ông cũng đa dạng, phong phú đủ thể loại về tình ca, chiến đấu, xây dựng quê hương, du ca, sử ca, dân ca, thiền ca và độc lạ là lạc tiếu ca phảng phất đâu đó chất nhạc của cố nhạc sĩ lão thành Phạm Duy.
Cứ xem và nghe bài nhạc “Thằng Bờm” của nhạc sĩ Lã Văn Cường sẽ thấy ông gói ghém hết “cái thật” qua hình ảnh ngây ngô trẻ con nhưng đáng yêu của Bờm như thế nào. Bài nhạc vui cho thiếu nhi nhưng chứa đựng hàm ý sâu sắc của kiếp nhân sinh vô thường, tốt xấu lẫn lộn.
Tác giả dự thi: Hoàng Thảo (TPHCM)
LTS: Bạn đang theo dõi bài dự thi của Tác giả Hoàng Thảo tại cuộc thi viết “Ký ức Người nghệ sĩ tôi yêu”.
Nếu bạn yêu thích bài viết này, có thể khích lệ Tác giả và Hotstar.vn bằng 01 ly “Cà phê Hotstar năng lượng” chào ngày mới” (trị giá 20.000 đồng). Tác giả sẽ được hưởng 50% ly “Cà phê Hotstar năng lượng” sau khi cuộc thi tổng kết, 50% sẽ được dùng cho Quỹ phát triển Hotstar.vn.
Bạn có thể quét mã QR để gửi tặng “Cà phê Hotstar năng lượng”(khi chuyển vui lòng ghi tên Tác giả hoặc bài viết bạn muốn gửi tặng).
Hotstar.vn chân thành cảm ơn.